Làm hàng hóa giả mạo bị phạt như thế nào?
Hàng hóa giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa… bị coi là hàng giả.
Gia đình tôi kinh doanh các mặt hàng thực phẩm như rau củ quả, thực phẩm nhà làm và có đăng ký kinh doanh theo quy định. Tuy nhiên, gần đây có một số người đã làm giả các nhãn hiệu mặt hàng của gia đình để bán ra thị trường.
Cho tôi hỏi hiện nay luật quy định như thế nào là hàng giả và hành vi làm hàng giả có thể bị phạt như thế nào?
Bạn đọc TH (An Giang)
Luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời: Theo Nghị định 98/2020 và Nghị định 17/2022 sửa đổi, bổ sung Nghị định 98/2020 thì hàng hóa có nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu, phân phối hàng hóa; giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa… bị coi là hàng giả.
Người vi phạm kinh doanh hàng giả thì có thể bị xử phạt theo quy định tại Điều 11 Nghị định 98/2020. Mức thấp nhất từ 1 triệu đến mức cao nhất là 50 triệu đồng, tùy thuộc vào giá trị của hàng giả tương tương với hàng thật hoặc số tiền thu lợi bất chính cao hay thấp.
Trường hợp hàng giả là nhóm hàng thực phẩm, nhóm thức ăn chăn nuôi hoặc nhóm mỹ phẩm thì mức phạt gấp hai lần mức phạt trên, tức mức phạt cao nhất lên đến 100 triệu đồng.
Ngoài ra, người vi phạm còn bị tịch thu tang vật vi phạm và có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép, từ một tháng đến ba tháng, đồng thời bị buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên nhãn, bao bì hàng giả hoặc buộc tiêu hủy hàng giả và phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm…