Làm giàu từ việc nuôi Cà cuống

Cà cuống là loại côn trùng sống trong môi trường tự nhiên và khá quen thuộc với nhiều người dân vùng nông thôn. Với giá trị dinh dưỡng cao, Cà cuống đã được sử dụng để chế biến các món ăn; đặc biệt là món nước mắm với mùi thơm rất đặc trưng. Tuy nhiên, do môi trường tự nhiên chịu nhiều tác động nên Cà cuống ngày càng khan hiếm. Xuất phát từ ý tưởng nuôi thương phẩm Cà cuống phục vụ sản xuất nước mắm, vợ chồng chị Lê Thị Thơ và anh Phan Văn Hiệp (trú xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã nhân giống và phát triển thành công loài Cà cuống này trong môi trường nuôi nhốt.

Cà cuống mang lại thu nhập tiền tỷ mỗi năm cho gia đinh chị Thơ.

Cà cuống mang lại thu nhập tiền tỷ mỗi năm cho gia đinh chị Thơ.

Kể về cơ duyên đến với nghề nuôi Cà cuống, chị Lê Thị Thơ chia sẻ: Gia đình chồng có nghề làm nước mắm truyền thống từ lâu. Trong một lần vô tình xem được video đánh giá về món bánh cuốn, bún chả chấm với nước mắm Cà cuống trên mạng có được lượt tương tác cao nên vợ chồng chị nảy ra ý định tìm hiểu về loài vật này với mục đích phát triển thêm hương vị cho nghề ngước mắm truyền thống của gia đình. Năm 2022, sau khi tìm hiểu, vợ chồng chị quyết định thành lập Công ty TNHH sản xuất và đầu tư HT để nuôi Cà cuống. Mua 10 cặp Cà cuống tự nhiên ở Lào với giá 2,5 triệu để về nuôi thử nghiệm trong thùng xốp. Cà cuống tự nhiên nuôi trong điều kiện nhân tạo khiến nó bỏ ăn, chết hết trong 1 tháng. Bước đầu thất bại nhưng vợ chồng chị không nản chí, lại mua thêm giống mới vừa nuôi vừa tích lũy kinh nghiệm. Sau 3 lần thất bại, cuối cùng vợ chồng chị Thơ cũng đã thành công nuôi Cà cuống trong môi trường nuôi nhốt.

Theo kinh nghiệm của mình, chị Thơ cho biết: Muốn nuôi Cà cuống thì không khó, nhưng nhân đàn Cà cuống thì không hề dễ, vì cà cuống là loài rất nhạy cảm với môi trường. Các vùng đất, nguồn nước nhiễm hóa chất, thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu là tối kỵ, Cà cuống sẽ chết hàng loạt. Ngoài ra, còn cần theo dõi độ PH, độ phèn của nước để đạt được kết quả tốt nhất. Thêm nữa, nguồn thức ăn cho Cà cuống là loại thực phẩm tươi sống như cá, ếch con, nhái con, cho nên cần phải chủ động được nguồn cung cấp thức ăn nếu chăn nuôi thương phẩm. Cuối cùng, để trưởng thành thì con Cà cuống trải qua năm lần lột xác đòi hỏi người nuôi phải theo dõi để vớt phôi xác, việc này cũng mất rất nhiều thời gian. Cà cuống mỗi lứa đẻ chỉ cách nhau một tháng. Mỗi ổ Cà cuống có khoảng 100 trứng, sau từ 5-7 ngày trứng nở thành ấu trùng, tỷ lệ nở gần đạt 100%. Từ khi nở đến lúc xuất bán thương phẩm khoảng 45 ngày, còn nuôi để sinh sản thì khoảng 75 ngày.

Chị Thơ cho biết thêm, một con Cà cuống từ lúc nở từ trứng đến lúc chế biến được nước mắm phải trải qua 5 lần lột xác (kéo dài 40 ngày), sau 10 ngày nữa Cà cuống mới có phấn trắng ở bụng. Lúc này Cà cuống có tinh dầu cao nhất và sẽ được sơ chế để làm nước mắm. Cà cuống được sử dụng để chế biến nước mắm là con Cà cuống đực, chỉ có con đực mới có chứa túi tinh dầu. Sau khi con Cà cuống đực đạt tiêu chuẩn sẽ được sơ chế, sau đó được cho vào chai nước mắm nguyên chất để trở thành một loại nước mắm có hương vị thơm, cay đặc biệt.

Ngoài bán Cà cuống giống, Cà cuống thương phẩm với giá giao động từ 200 ngàn đến 250 ngàn đồng; việc sử dụng tinh dầu cà cuống trong sản xuất nước mắm đang từng bước mở ra nhiều cơ hội nâng cao giá trị và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm đặc sản của địa phương. Với thương hiệu: Nước mắm Cà cuống Làng Xưa, nước mắm Cà cuống của gia đình chị Thơ được bán ra thị trường với giá 400 ngàn/lít. Đến nay, các sản phẩm Cà cuống được khách hàng nhiều nơi đón nhận nhiệt tình, được bán với giá cao, luôn trong tình trạng "cháy" hàng, cung không đủ cầu, nhờ đó đã giúp gia đình chị thu về tiền tỷ/năm.

Nước mắm được làm từ Cà cuống được người tiêu dùng đánh giá cao.

Nước mắm được làm từ Cà cuống được người tiêu dùng đánh giá cao.

Được biết, thời gian qua, cơ sở của gia đình chị Thơ thường xuyên có người dân từ khắp các địa phương đến tham quan, học tập kinh nghiệm. "Chúng tôi nhiệt tình chuyển giao kỹ thuật để bà con nuôi loài vật kinh tế này, thậm chí còn bao tiêu luôn sản phẩm giúp bà con, giúp họ có thêm nguồn thu nhập. Hiện tại, sản phẩm mắm ruốc của Công ty TNHH sản xuất và đầu tư HT đã được chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao; còn sản phẩm nước mắm Cà cuống Làng Xưa đang được xây dựng hồ sơ để đăng ký sản phẩm OCOP của địa phương"- chị Thơ cho biết.

"Với việc nuôi Cà cuống làm thương phẩm, giống và làm nước mắm, vợ chồng chị Lê Thị Thơ và anh Phan Văn Hiệp đã góp phần gìn giữ, phát triển ngành nghề nước mắm truyền thống của địa phương đang ngày càng mai một. Là người trẻ, năng động, dám nghĩ dám làm và nhạy bén trong kinh doanh, anh chị vừa phát triển kinh tế cho gia đình, vừa tạo công ăn việc làm cho 5- 10 lao động tại địa phương"- ông Nguyễn Xuân Bắc- Chủ tịch UBND xã Mai Phụ đánh giá.

X.SƠN

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/lam-giau-tu-viec-nuoi-ca-cuong-post303168.html
Zalo