Làm giàu từ trồng đào cảnh
'Hội chợ hoa đào lần thứ 2' khai mạc ngày 13/1 tại huyện Triệu Sơn (tỉnh Thanh Hóa), không chỉ góp phần cho sắc xuân thêm rực rỡ, mà còn là dịp để quảng bá hình ảnh về vùng đất, con người, nét đẹp văn hóa…
Đây là lần thứ 2, ông Nguyễn Đại Đạo - một chủ vườn tại thôn 4 (xã Vân Sơn, huyện Triệu Sơn) được mời tham gia hội chợ hoa đào, với tư cách là một nghệ nhân trồng đào lâu năm, cho ra những sản phẩm chất lượng phục vụ thú chơi hoa ngày Tết của người dân. Năm nay, ông Đạo chọn hơn 10 gốc bích đào được đánh giá “đỉnh” nhất vườn để đưa đến “đọ dáng”. Với ông, đây không chỉ đơn thuần là thú vui của người trồng cây, hoa cảnh lâu năm mà còn là dịp để giới thiệu, quảng bá với bạn bè, đồng nghiệp về những sản vật đặc sắc được chính tay ông và người dân trong vùng tạo nên.
Ông Đạo cho biết, thôn 4 (xã Vân Sơn) vốn là vùng bán sơn địa, thuần nông nhưng diện tích đất canh tác lúa nước rất ít và kém năng suất, người dân quanh năm phải “đầu tắt, mặt tối” nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo. Thế rồi cây đào đến với ông và mọi người trong thôn như một mối lương duyên. Hợp thổ nhưỡng, khí hậu, cây trồng xuống không cần chăm bón vẫn xanh tốt. Chỉ sau hai năm, đã bắt đầu cho những lứa hoa rực rỡ. Ban đầu, ông chỉ trồng năm, bảy gốc để lấy hoa chưng Tết và biếu bạn bè nhưng sau có nhiều người đến tìm mua về chơi xuân… Rồi các vườn đào cứ thế hình thành và nhân rộng.
Nhận thấy, đây là cơ hội để “đổi đời”, năm 2012, ông Đạo mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích 1,5 mẫu vườn tạp và đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng đào. Bên cạnh đó, ông cũng học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc, cho ra giống đào mới có hoa rực rỡ, bền đẹp hơn. “Hiện nay, mỗi năm cả gia đình tôi trồng hơn 700 gốc đào. Sau khi trừ mọi chi phí giống, phân bón, mỗi vụ đào cũng cho thu nhập từ 300 – 400 triệu đồng, hiệu quả gấp nhiều lần so với trồng lúa, chăn nuôi và đặc biệt là rất ít rủi ro”- ông Đạo nói.
Ông Lê Bá Thành - Chủ tịch UBND xã Vân Sơn cũng cho biết: Từ năm 2010, chính quyền xã Vân Sơn đã vận động người dân cải tạo vườn tạp, đưa cây đào phai vào trồng. Xã đã quy hoạch 10ha đất sản xuất lúa kém hiệu quả, vận động nhân dân chuyển đổi sang trồng đào cảnh. Đến nay, toàn xã đã có trên 60ha đào, cho giá trị từ 500- 600 triệu đồng/ha. “Nhờ cây đào, nhiều hộ đã tự sắm được máy móc hiện đại đưa vào vào canh tác, xây được nhà lớn, mua được ô tô... Có thể nói, cây đào đang trở thành cây trồng chủ lực để người dân Vân Sơn phát triển kinh tế, làm giàu trên chính đồng đất quê mình”- ông Thành khẳng định.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Lê Văn Tuấn - Bí thư Huyện ủy Triệu Sơn cho biết, trước tiềm năng, thế mạnh về phát triển vùng cây hoa cảnh, huyện đã lập đề án để hỗ trợ bà con mạnh dạn chuyển đổi vùng đất đồi, đất lúa kém năng suất sang trồng đào, trồng cây cảnh. Bên cạnh đó, huyện cũng có các chính sách kích cầu như: Hỗ trợ khoa học, chuyển giao kỹ thuật, kinh phí, tích tụ đất, vay vốn ngân hàng để người dân mạnh dạn mở rộng diện tích, cũng như mở rộng thêm hình thức chăm sóc dịch vụ, cho thuê cây trong và sau dịp Tết.