Làm giàu từ sinh vật cảnh
Một mô hình kinh tế ổn định không chỉ làm thay đổi cuộc sống của hộ gia đình mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển của xã hội, bởi tính lan tỏa, chia sẻ kinh nghiệm hay để cùng nhau vươn lên, làm giàu chính đáng. Mô hình Hội quán Mai vàng ở thị xã Chơn Thành do ông Phạm Ngọc Danh làm chủ nhiệm là một điển hình.
Ông Phạm Ngọc Danh là nhà nông sản xuất, kinh doanh giỏi được nhiều cấp, ngành ghi nhận. Ông cũng là một trong 50 công dân tiêu biểu vừa được vinh danh tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Bình Phước (23-3-1975 - 23-3-2025).

Ông Phạm Ngọc Danh (đứng giữa) thăm các mô hình kinh doanh cây cảnh của thành viên Hội quán Mai vàng
Đổi mới tư duy làm giàu
Làm giàu từ nông nghiệp đô thị nghĩa là tận dụng không gian đô thị nhỏ hẹp để có thể làm giàu. Tất nhiên, để “hái” ra tiền từ mô hình này, đó phải là sự kết hợp giữa đam mê và những kỹ năng cần thiết khác. Và câu chuyện của các nông dân thuộc Hội quán Mai vàng do nhà nông Phạm Ngọc Danh làm chủ nhiệm là một điển hình.
Bắt đầu từ việc thích ứng với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, những nông dân của thị xã đã phát triển nông nghiệp theo hướng phục vụ đô thị, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Anh Phan Văn Hảo ở phường Hưng Long chỉ có hơn 2 sào đất nhưng 3 năm gần đây, anh chọn trồng và chăm sóc bằng lăng theo hướng bonsai và bán lại cho những người đam mê cây cảnh. Việc lựa chọn đúng mô hình kinh doanh, giá trị kinh tế mang về cho anh Hảo không hề nhỏ. Anh Hảo chia sẻ: Trồng cây cảnh thì diện tích yêu cầu không quá lớn, một khoảng sân vườn cũng có thể thực hiện mô hình này. Chỉ cần chọn cây phù hợp thì nó sẽ sinh lời cho mình.
Bên cạnh bonsai, trồng và chăm sóc mai vàng đang là một lựa chọn được đông đảo hội viên Hội quán Mai vàng thực hiện. Anh Lê Văn Huy ở phường Thành Tâm phấn khởi: Nhà tôi chỉ có 7,5 sào đất, để trồng các cây công nghiệp như điều, cao su, tiêu thì rất khó. Khi tham gia hội quán, được tư vấn tôi chuyển qua trồng và chăm sóc cây mai. Thu nhập từ nghề này cũng giúp gia đình xây dựng được nhà, cuộc sống ổn định hơn trước.
Thành lập từ tháng 6-2022, đến nay Hội quán Mai vàng có 26 thành viên. Với những thành công bước đầu, Hội quán Mai vàng đã trở thành sân chơi bổ ích, hiệu quả cho những người có cùng đam mê nghề trồng và chăm sóc bonsai, cây cảnh. Ông Phạm Ngọc Danh, Chủ nhiệm Hội quán Mai vàng cho biết: Có đam mê với những loại cây cảnh, tôi đã dành thời gian và ấp ủ thực hiện mô hình hội quán này. Khi điều kiện thuận lợi, tôi và các anh em đã bắt tay thực hiện, trong đó phấn đấu xây dựng thương hiệu mai vàng Bình Phước. Ở hội quán, ngoài hỗ trợ hội viên tiếp cận, trao đổi kỹ thuật và kiến thức, cũng đã có nhiều lao động có thêm việc làm từ nghề sinh vật cảnh. Đây là mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu trong nông nghiệp đô thị mà chúng tôi sẽ cố gắng duy trì thành công.
Tự hào Bình Phước
Sinh sống ở Bình Phước từ những năm 1980, ông Danh tận dụng sức người, sức của để khai khẩn đất đai, đồng thời tích cóp mở rộng diện tích đất vườn cho gia đình. Hiện nay, gia đình ông có 19 ha đất trồng cao su, cây ăn trái và sinh vật cảnh. 45 năm ở Bình Phước, ông luôn hăng say lao động để có thể cống hiến xây dựng quê hương. Là nông dân điển hình trong sản xuất, kinh doanh giỏi; công dân điển hình của thị xã, ông Danh luôn chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, các quy định trong quá trình sản xuất, kinh doanh, đảm bảo thực hiện quy trình sản xuất sạch, an toàn sức khỏe người tiêu dùng, đồng thời góp phần tạo việc làm, giảm nghèo ở địa phương và tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Từ năm 2014 đến nay, ông Phạm Ngọc Danh là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi được nhiều cấp, ngành ghi nhận; ông đạt danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao tặng năm 2023. Và vinh dự hơn khi ông là một trong 50 công dân tiêu biểu được tuyên dương nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Bình Phước (23-3-1975 - 23-3-2025).
“Vinh dự khi được Nhà nước và nhiều cấp hội ghi nhận là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đó là niềm vui, động lực để tôi phấn đấu hơn nữa, làm ra nhiều sản phẩm tăng thu nhập cho gia đình, đóng góp cho xã hội, địa phương” - nhà nông Phạm Ngọc Danh phấn khởi.
Là công dân ưu tú của tỉnh, ông Danh vui mừng và tự hào với những thành tích nổi bật mà tỉnh đạt được trong nhiều năm qua. Ông ví von rằng, quê hương Bình Phước như có “một phép màu”, vì từ sau giải phóng với bộn bề khó khăn nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Với ông, điều tự hào nhất chính là sự tin tưởng, đồng thuận của nhân dân với những chủ trương, đường lối của Đảng. Đó chính là nền tảng để tỉnh có diện mạo, cơ sở hạ tầng khang trang, kinh tế phát triển vượt bậc, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao hơn…

Nhà nông Phạm Ngọc Danh chăm chút, cẩn thận tỉa cành, uốn tạo dáng vườn cây sinh vật cảnh của gia đình mình
Bình Phước với nhiều lợi thế về khí hậu, đất đai đã trở thành mảnh đất trù phú, màu mỡ giúp người dân dễ dàng lựa chọn cho mình những cách làm kinh tế đa dạng và phù hợp. Với nhà nông Phạm Ngọc Danh, không chỉ để làm giàu chính đáng cho gia đình, các hội viên, đó cũng là cách để ông trả nợ ân tình, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.