Làm gì để vượt qua 'nỗi sợ đèn giao thông'?

Tại nhiều nơi, đèn giao thông biểu thị thời gian theo tín hiệu còn 5-10 giây, phía trước thông thoáng nhưng dòng xe vẫn dừng lại.

Ngày 24-1, trao đổi với phóng viên Báo SGGP, lãnh đạo Phòng CSGT (TPHCM) cho biết, gần đây, không ít người dân khi lưu thông trên đường có cảm giác “sợ” đèn giao thông tại các giao lộ, dẫn đến việc không tuân thủ, chấp hành đúng các quy định.

Hiện nay có tình trạng, tại những nơi có biểu thị thời gian theo đèn tín hiệu còn 5-10 giây, phía trước thông thoáng nhưng dòng xe vẫn dừng lại, hoặc chạy thật chậm để dừng lại trước vạch sơn trước khi đèn tín hiệu chuyển sang đỏ. Ngoài ra, tại nơi có đèn vàng nhấp nháy, người điều khiển ô tô không di chuyển, gây cản trở giao thông.

Theo Khoản 4, Điều 11 của Luật Trật tự An toàn giao thông đường bộ năm 2024, tín hiệu đèn giao thông có 3 màu gồm: màu xanh, màu vàng, màu đỏ; có hiển thị thời gian hoặc không hiển thị thời gian.

Tín hiệu đèn màu xanh là được đi và chỉ giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường. Tín hiệu đèn màu vàng phải dừng lại trước vạch dừng, trường hợp đang đi trên vạch dừng hoặc đã đi qua vạch dừng mà tín hiệu đèn màu vàng thì được đi tiếp. Tín hiệu đèn màu đỏ là cấm đi.

 Các phương tiện dừng đèn đỏ trước vạch sơn dừng thể hiện sự thay đổi về ý thức chấp hành đèn tín hiệu giao thông của người dân TPHCM

Các phương tiện dừng đèn đỏ trước vạch sơn dừng thể hiện sự thay đổi về ý thức chấp hành đèn tín hiệu giao thông của người dân TPHCM

Theo lãnh đạo Phòng PC08, người lái xe cần chủ động quan sát để đảm bảo an toàn cho mình và chấp hành đúng các quy định. Khi gần đến giao lộ hoặc ngã rẽ thì cần chủ động quan sát từ xa để xác định hướng đi, làn đường cho phù hợp. Đồng thời quan sát đèn giao thông để xác định tại giao lộ sẽ được di chuyển tiếp qua giao lộ (khi đèn xanh) hay phải giảm tốc độ dừng lại trước vạch sơn dừng (khi đèn đỏ).

 CSGT điều tiết giao thông ở TPHCM

CSGT điều tiết giao thông ở TPHCM

Việc quan sát từ sớm, từ xa sẽ giúp tính toán được thời gian đèn giao thông chuyển pha cùng lúc khi đi qua đèn hay không để có hành động phù hợp. Khi đến gần giao lộ, dù đèn tín hiệu đang xanh nhưng thời gian đếm ngược còn rất ít mà phía trước ùn ứ thì cũng cần giảm tốc độ dừng trước giao lộ khi đèn chuyển sang đỏ.

Nếu phía trước thông thoáng, không có người đi bộ đi và thời gian đèn tín hiệu màu xanh còn đủ để xe đi qua giao lộ an toàn thì người lái xe tiếp tục di chuyển qua.

 Người dân khi phát hiện hệ thống đèn tín hiệu có sự cố thì báo cho lực lượng chức năng bằng số điện thoại niêm yết tại tủ điều khiển

Người dân khi phát hiện hệ thống đèn tín hiệu có sự cố thì báo cho lực lượng chức năng bằng số điện thoại niêm yết tại tủ điều khiển

Khi gặp đèn vàng nhấp nháy, người lái xe được phép đi qua giao lộ, nhưng cần chú ý quan sát, giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật...

Khi gặp đèn đỏ, người lái xe phải dừng lại trước vạch sơn dừng hoặc trước đèn tín hiệu giao thông (không có vạch sơn dừng).

Phòng PC08 đề nghị khi phát hiện tình trạng bất cập, có sự cố của đèn tín hiệu giao thông, người dân phản ảnh cho các đơn vị phụ trách được niêm yết ngay tại “tủ điều khiển đèn tín hiệu giao thông” gần giao lộ để CSGT tiếp nhận, xử lý kịp thời.

Người điều khiển phương tiện được phép di chuyển qua giao lộ khi:

1. Có hiệu lệnh của người điều khiển giao thông cho phép di chuyển.

2. Có đèn phụ cho phép di chuyển (đi thẳng hoặc rẽ)

3. Có biển báo (nền xanh) viết bằng chữ (màu trắng) cho phép di chuyển.

4. Có tổ chức giao thông cho phép rẽ trước khi đến trụ đèn tín hiệu giao thông (có tiểu đảo, phần làn đường cho phép rẽ trước khi đến cột đèn tín hiệu giao thông)

5. Khi phải nhường đường cho xe ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên thực hiện nhiệm vụ.

CHÍ THẠCH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/lam-gi-de-vuot-qua-noi-so-den-giao-thong-post779315.html
Zalo