Làm gì để tránh rủi ro khi lao động ở nước ngoài?

Những vụ việc thương tâm xảy ra với lao động Việt Nam ở nước ngoài thời gian qua đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về ý thức chấp hành pháp luật và kỹ năng tự bảo vệ bản thân của người lao động.

Thân nhân thắp hương cho một lao động ở Chí Linh từng bỏ mạng ở Đài Loan (Trung Quốc) do tai nạn trong lúc làm việc (ảnh tư liệu)

Thân nhân thắp hương cho một lao động ở Chí Linh từng bỏ mạng ở Đài Loan (Trung Quốc) do tai nạn trong lúc làm việc (ảnh tư liệu)

Cuối tháng 4 vừa qua, thông tin vợ chồng anh H.V.H. (sinh năm 1981) quê xã Hồng Phong, huyện Thanh Miện (Hải Dương) bị sát hại tại Angola khiến dư luận bàng hoàng, xót thương.

Sau khi xảy ra sự việc, hai con nhỏ của anh chị (một cháu 2 tuổi và một cháu mới 3 tháng tuổi) đã khóc ngất bên thi thể bố mẹ, đến mức đói khát và kiệt sức. Theo điều tra ban đầu của cơ quan chức năng, anh chị đã bị 3 nghi phạm người Angola sát hại dã man ngay tại nơi sinh sống và làm việc.

Ngay sau đó, đầu tháng 5, dư luận lại bàng hoàng khi 4 công dân Việt Nam tử vong tại một căn hộ ở TP Đào Viên (Đài Loan, Trung Quốc). 4 người đều có tuổi đời còn rất trẻ, quê ở các tỉnh Quảng Bình và Nghệ An sang Đài Loan làm việc và du học. Ngày 12/5, đại diện Hội Đồng hương Quảng Bình tại Đài Loan thông tin, tro cốt của 4 nạn nhân xấu số trong vụ ngạt khí CO trên đã được đưa về Việt Nam.

Cơ quan chức năng chưa có thống kê chính thức về số người lao động Việt Nam tử vong hằng năm khi làm việc ở nước ngoài. Bởi thực tế còn rất nhiều người thuộc diện lao động bất hợp pháp. Như trong vụ 4 người tử vong ở Đài Loan nêu trên thì có 2 người lao động bất hợp pháp. Tuy nhiên, theo Cục Quản lý lao động nước ngoài, tỷ lệ lao động Việt Nam tử vong khi làm việc ở nước ngoài cao hơn nhiều so với làm việc trong nước.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hậu quả đau lòng này. Ngoài số ít người chết do tai nạn lao động, số còn lại do các nguyên nhân khác như mâu thuẫn dẫn đến va chạm, đánh nhau, tai nạn giao thông, đột tử…

Bên cạnh đó, cũng có những nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ rất nhiều thế yếu mà người lao động Việt Nam gặp phải khi đi lao động ở nước ngoài. Đó là khi sang một môi trường làm việc hoàn toàn xa lạ nhưng người lao động lại không được chuẩn bị kỹ về ngôn ngữ, kiến thức pháp luật, văn hóa và an toàn lao động trước khi xuất cảnh. Việc thiếu hiểu biết pháp luật và hạn chế về ngoại ngữ khiến người lao động không thể tự bảo vệ quyền lợi, dễ bị lừa đảo hoặc bị xâm hại sức khỏe, tính mạng.

4 lao động ở các tỉnh miền Trung Việt Nam thiệt mạng ở Đài Loan đều còn rất trẻ

4 lao động ở các tỉnh miền Trung Việt Nam thiệt mạng ở Đài Loan đều còn rất trẻ

Không ít người đi “chui” sang nước ngoài, hoặc sau khi hết hạn visa vẫn trốn ở lại làm việc. Điều này khiến họ dễ bị bóc lột lao động, không được pháp luật nước sở tại bảo vệ. Đa phần lao động Việt Nam sang nước ngoài làm xây dựng, công nghiệp nặng, nông nghiệp, đánh cá và một số công việc khác có nguy cơ tai nạn lao động cao. Nhiều người để đi lao động ở nước ngoài đã phải vay mượn một khoản tiền không nhỏ. Vì thế khi đã sang nước ngoài họ lựa chọn cách làm việc "cày ngày cày đêm" để trả nợ, áp lực công việc lớn khiến sức khỏe suy kiệt.

Nhiều quốc gia có khí hậu khắc nghiệt cũng khiến người lao động Việt Nam khó thích nghi dễ dẫn đến đột tử hoặc sức khỏe giảm sút. Thậm chí có trường hợp do thói quen tụ tập, ăn uống quá đà trong những ngày nghỉ dẫn tới đột tử sau những cuộc vui trên đất khách quê người…

Rời bỏ quê hương để kiếm kế mưu sinh nơi xứ người, người lao động phải chịu không ít thiệt thòi để đánh đổi lấy kinh tế. Trường hợp rủi ro dẫn đến thiệt mạng không chỉ để lại nỗi đau lớn cho gia đình, mà còn kéo theo gánh nặng kinh tế khi người thân phải lo chi phí đưa thi thể về nước, trong khi nhiều khoản nợ từ chi phí xuất khẩu lao động vẫn chưa được thanh toán.

Để giấc mơ đổi đời nhờ xuất khẩu lao động thành hiện thực, hạn chế tối đa những rủi ro bất trắc, người lao động cần nghiêm túc học tập, tìm hiểu về lối sống, tập tục, các quy định pháp luật của nước sở tại.

Đặc biệt, người lao động cần quan tâm đến lối sống, tạo dựng các mối quan hệ tốt để tránh mâu thuẫn, xô xát; không nên ra ngoài làm việc bất hợp pháp để bảo đảm các quyền lợi của mình.

NGỌC THANH

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/lam-gi-de-tranh-rui-ro-khi-lao-dong-o-nuoc-ngoai-411553.html
Zalo