Làm gì để thương mại điện tử Việt Nam phát triển bền vững ?
Thị trường thương mại điện tử Việt Nam phát triển nhanh, tăng trưởng đạt 25% song chưa bền vững, cần nhiều giải pháp để khắc phục.
Thông tin nói trên được bàn thảo tại diễn đàn toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam 2024 (VOBF 2024) diễn ra tại Hà Nội sáng 25-4 với chủ đề “Thương mại điện tử bền vững". Diễn đàn do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức.
Phát triển mạnh về quy mô…
Theo bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử (Bộ Công Thương), thương mại điện tử Việt Nam 10 năm qua đã phát triển mạnh mẽ với tốc độ từ 16-30%/năm. Doanh thu bán lẻ năm 2023 tăng 25% so với năm 2022, đạt 20,5 tỷ USD.
Thông qua khảo sát của NielsenIQ Việt Nam, bà Lê Minh Trang, Bộ phận Nghiên cứu bán lẻ NIQ cho hay, lượng người mua qua thương mại số là 60 triệu người. Mỗi ngày có 3,5 triệu lượt truy cập vào các trang thương mại điện tử. Số người mua sắm qua internet hằng tuần ở Việt Nam đạt vị trí thứ 11 toàn cầu, 90% người tiêu dùng có ý định duy trì và tăng sử dụng sàn thương mại điện tử trong mua sắm.
Thông tin từ AccessTrade Việt Nam cũng cho thấy, ba nền tảng livestream bán hàng phổ biến nhất tại Việt Nam là Facebook (31,9%), Shopee (30,9%) và TikTok (17,2%). Bình quân mỗi tháng đang có 2,5 triệu phiên bán hàng livestream, với sự tham gia của hơn 50 nghìn nhà bán. Có tới 77% người tiêu dùng số đã từng xem livestream bán hàng, 71% trong số đó đã mua hàng trong livestream.
Tuy nhiên, tương phản với sự tăng trưởng nhanh về quy mô là tính không bền vững. Đó là, doanh thu thương mại điện tử mới chỉ chiếm 8% trên tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước, thấp hơn mức trung bình 19,4% của thế giới. Thương mại điện tử Việt Nam mới chỉ phát triển tập trung ở các thành phố lớn; thiếu sự liên kết giữa các vùng để tận dụng lợi thế; vi phạm quyền lợi người tiêu dùng còn khá phổ biến; tác động xấu tới môi trường, nhất là khâu giao hàng, đóng gói.
“Đặc biệt, chúng ta chứng kiến nhiều xu hướng mới trên thương mại điện tử, nếu Việt Nam không theo kịp sẽ khiến thương mại điện tử Việt Nam chững lại, không phát huy tiềm năng”, bà Lê Hoàng Oanh nhấn mạnh.
Kết hợp công nghệ và xây dựng thương hiệu
Để phát triển thương mại điện tử rộng khắp, xóa nhòa khoảng cách giữa các vùng miền, các diễn giả tham gia diễn đàn cho rằng, doanh nghiệp, người bán hàng cần tận dụng tối đa các lợi thế của thương mại số.
Về công thức thành công để tăng trưởng bền vững, Tổng Giám đốc điều hành Accesstrade Việt Nam Đỗ Hữu Hưng nêu dẫn chứng về các “ông lớn” thương mại điện tử như: SHEIN, TEMU, SHOPEE… liên tục tăng trưởng là nhờ marketing hiệu quả qua việc sử dụng nội dung giới thiệu đa dạng, xuất hiện một cách chất lượng tới người tiêu dùng, thu hút khách hàng trên mọi điểm chạm và tăng giá trị “vòng đời” khách hàng thông qua tăng số lần mua, tăng giá trị mua, tăng số người giới thiệu.
Ngoài ra, theo ông Thái Hữu Lý (Trưởng phòng Phát triển dịch vụ, Trung tâm Internet Việt Nam), doanh nghiệp cần xây dựng tên miền “.vn” làm cơ sở cho nhận diện thương hiệu số, đồng thời cũng là yếu tố quyết định trong việc tạo dựng niềm tin, bảo đảm an toàn cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Trong khi đó, Tổng Giám đốc điều hành Ecomstone Việt Nam Trần Quý Hiến cho rằng, để tạo tăng trưởng bền vững và lợi thế cho thương mại xuyên biên giới, doanh nghiệp cần sử dụng công nghệ kết hợp với nêu bật dấu ấn giá trị và đặc thù riêng có của sản phẩm hàng Việt. Trong đó, quan trọng là quảng bá sản phẩm thông qua những câu chuyện gắn với nét đặc sắc, những di sản của mỗi vùng quê, địa danh; phát triển các sản phẩm riêng có của Việt Nam… nhằm thu hút người mua quốc tế.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam Nguyễn Ngọc Dũng, từ năm 2019, VECOM đã đề xuất chương trình phát triển thương mại điện tử bền vững và những năm qua đã tích cực triển khai một số hoạt động cụ thể. Giai đoạn 2023-2025, VECOM sẽ tư vấn, hỗ trợ các cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu, đề xuất chính sách và pháp luật hướng tới phát triển bền vững kinh tế số nói chung và thương mại điện tử nói riêng, đồng thời, tuyên truyền, vận động cộng đồng kinh doanh trực tuyến tích cực triển khai các hoạt động cụ thể.
Bộ Công Thương đang triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy thương mại điện tử phát triển. Theo đó, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc xuất xứ (Truyxuat.gov.vn) nhằm truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, chống hàng giả, hàng nhái, xây dựng thương hiệu trực tuyến và tiếp thị sản phẩm trên môi trường điện tử; triển khai mô hình Gian hàng địa phương trên các sàn thương mại điện tử nhằm cung cấp các giải pháp đồng bộ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các địa phương phân phối các sản phẩm địa phương thông qua nền tảng số, thu hẹp khoảng cách vùng miền; Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới…
“Tới đây, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ tham mưu với Bộ Công Thương trình Chính phủ định hướng phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2026-2030, trong đó, tập trung các giải pháp về phát triển thương mại điện tử xanh, bền vững, bảo vệ tốt nhất quyền lợi người tiêu dùng, thu hẹp khoảng cách phát triển thương mại điện tử giữa các tỉnh, thành phố”, bà Lê Hoàng Oanh nói.