Làm gì để phục trang trong phim 'bắt mắt'?

Gần đây, nhiều ý kiến tranh luận thế nào là trang phục Việt? Nhất là sau khi một số bộ phim cổ trang, hoặc phim lịch sử trình chiếu thì dư luận càng thêm sôi nổi.

Phim “Người vợ cuối cùng” của đạo diễn Victor Vũ được khen về phục trang. Ảnh: ĐPCC.

Phim “Người vợ cuối cùng” của đạo diễn Victor Vũ được khen về phục trang. Ảnh: ĐPCC.

Đáng chú ý khi những phim lịch sử hoặc có yếu tố lịch sử gần đây, như “Người vợ cuối cùng”, “Tết ở làng địa ngục”, “Hồng Hà nữ sĩ”... nhiều ý kiến cho rằng phục trang của các nhân vật trong phim có đúng với bối cảnh thời bấy giờ hay không? Có người còn cho rằng việc “thăng hạng” cho trang phục phim cổ trang đã làm sai lạc lịch sử.

Theo đại diện Ỷ Vân Hiên - đơn vị chuyên về cổ phục, thì các nhà sản xuất phim từ Bắc chí Nam thời gian qua đã quan tâm đầu tư hơn về phục trang. Cùng đó, cũng đã xuất hiện một lớp khán giả trẻ có niềm say mê tìm hiểu văn hóa Việt Nam qua phục trang trên phim.

Thực tế thì phục trang là nội dung quan trọng trong phim, nhất là phim cổ trang, phim có yếu tố lịch sử. Ví dụ phim “Người vợ cuối cùng” khi mới ra rạp dẫu có bị chê về kịch bản nhưng lại được chấm điểm cao về phục trang. Hay là phim kinh dị cổ trang “Tết ở làng địa ngục” cũng được khen về yếu tố phục trang và hóa trang khi trang phục của nhân vật thỏa mãn phần nhìn, khắc họa rõ hơn tính cách từng nhân vật, phù hợp với cốt truyện.

Với phim “Hồng Hà nữ sĩ”, không ít người bất ngờ về phần phục trang trong một phim do Nhà nước đặt hàng.

Đó là những tín hiệu mới cho điện ảnh Việt Nam khi mà trước đó phim cổ trang chưa được đầu tư đúng mức, phục trang nhân vật “thật thà” quá. Nói tóm lại, vấn đề phục trang trên phim ảnh chưa được quan tâm đầu tư một cách đúng mức, khi mà nhiều nhà sản xuất phim ở ta hay có suy nghĩ giảm chi phí cho phục trang càng nhiều càng tốt. Đó là chưa kể đến việc không ít phim không có giám đốc mỹ thuật để bao quát “phần nhìn”. Phục trang được giao hết cho họa sĩ hoặc diễn viên “tự xử”.

Một chuyên gia thiết kế trang phục cho nhiều bộ phim chia sẻ, anh từng “đụng độ” về mặt quan điểm khi tham gia làm phục trang cho một vài phim do nhà nước đặt hàng. Người ta cứ nghĩ phục trang của người Việt xưa thì phải cũ kỹ, nghèo nàn, lạc hậu dẫn đến tình trạng phục trang lên phim nhạt nhòa, không có điểm nhấn, ấn tượng. Có người thắc mắc sao trang phục đẹp thế, lộng lẫy thế, phẳng phiu thế. Vậy thì chẳng lẽ phải “nghèo”, phải “xấu “ mới là đúng. Theo nhà thiết kế này, đó là những tư duy cũ nhưng đáng tiếc lại đã định hình thẩm mỹ cho một bộ phận công chúng.

Vì thế, khi thấy mới, thấy khác thì phản ứng.

Không chỉ phim điện ảnh, một số phim truyền hình khi lên sóng cũng vấp phải thắc mắc: Những diễn viên chính trong phim mặc đồ đẹp như vậy liệu có phi thực tế so với đời thường?

Ví dụ như phim “Cuộc đời vẫn đẹp sao”, phát sóng trên VTV3, người xem xúc động với câu chuyện phim nhưng một số người lại cho rằng nhân vật sống trong nghèo khó mà quần là áo lượt, mới toanh... trông không thực tế lắm. Trang phục nữ diễn viên chính trong phim được nhận xét là quá mới.

Nhân đây, xin được dẫn ý kiến của đạo diễn Nhâm Minh Hiền: “Tôi có làm việc với một số nhà sản xuất phim nước ngoài, họ cho rằng làm phim truyện khác với làm phim tài liệu, trang phục vẫn có thể làm cách điệu lên một chút. Điều quan trọng là đoàn phim phải trao đổi kỹ với diễn viên và quán xuyến để tạo đồng bộ, hài hòa trang phục cho tất cả nhân vật trong một bộ phim”.

Tất nhiên, ai cũng hiểu rằng thiết kế phục trang cho phim cần lưu ý vào bối cảnh, thời gian câu chuyện diễn ra để từ đó chọn kiểu dáng. Tính cách của nhân vật sẽ được thể hiện qua cách ăn mặc - kiểu dáng, chất liệu, màu sắc khác nhau của phục trang. Nghề nghiệp của nhân vật cũng là yếu tố quyết định cho việc chọn lựa trang phục sao cho phù hợp.

Tuy nhiên, phục trang làm cho nhân vật “xấu đi như thật” lại là yếu tố khiến phim bị cũ và cũng thiếu sự hấp dẫn. Vì vậy, tìm được điểm trung hòa về trang phục trong phim, nhất là phim cổ trang, phim có yếu tố lịch sử là việc rất cần thiết.

miên thảo

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/lam-gi-de-phuc-trang-trong-phim-bat-mat-10271370.html
Zalo