Làm gì để nhanh khỏi ho mùa lạnh?

Ho là một triệu chứng phổ biến của các căn bệnh về đường hô hấp như cảm lạnh, viêm họng, viêm phế quản… Mùa đông thời tiết lạnh khiến cho tình trạng ho kéo dài gây ra nhiều bất tiện cho người bệnh trong sinh hoạt hằng ngày.

Vào mùa đông, cơ thể sẽ rất dễ nhiễm lạnh; hơn nữa virus, vi khuẩn cũng có cơ hội phát triển và lây lan gây ra các bệnh ho cảm, viêm đường hô hấp. Có rất nhiều cách để điều trị ho cảm mùa lạnh đơn giản, hiệu quả mà không phải quá lạm dụng thuốc tây, kháng sinh.

Cách giúp giảm ho hiệu quả tại nhà

Uống nước ấm

Nước có vai trò rất quan trọng đối với cơ thể. Khi bị ho cảm, cơ thể chúng ta cần nhiều nước để thải độc tố và các tác nhân gây hại như virus, vi khuẩn gây bệnh ra bên ngoài, giúp cơ thể nhanh chóng khỏi bệnh. Uống nhiều nước còn giúp làm tan đờm, giảm ho và làm dịu cơn đau họng. Mùa lạnh nên uống nước ấm và có thể thêm vài lát gừng hoặc pha mật ong và chanh để làm tăng hiệu quả trị bệnh.

Vào mùa đông, cơ thể sẽ rất dễ nhiễm lạnh.

Vào mùa đông, cơ thể sẽ rất dễ nhiễm lạnh.

Nhớ tích cực uống nhiều nước cũng giúp làm loãng chất nhầy trong cổ họng, giúp giảm ho dễ khạc ra và làm sạch đường thở.

Súc miệng với nước muối

Khi bị ho nhiều nên súc miệng với nước muối ấm loãng vài lần trong ngày. Điều này cũng giúp cổ họng đỡ bị khô, sẽ giúp giảm đau họng hoặc ngứa cổ họng, tình trạng thường đi kèm với cơn ho.

Súc miệng và họng là biện pháp tuyệt vời giúp giảm nhanh chóng triệu chứng, phối hợp tăng cường hiệu quả điều trị bệnh lý đường hô hấp trên từ khu vực họng, thanh quản để ngăn xâm lấn xuống đường hô hấp dưới và gây ra các nguy cơ biến chứng.

Hòa tan nửa thìa cà phê muối trong 1 cốc nước ấm, súc miệng trong vài giây và nhổ ra. Khi súc họng để dung dịch xuống sâu nhất vùng cổ họng mà bạn có thể chịu được. Mỗi lần khoảng 2 phút, trong đó có 3 lần đưa xuống họng, mỗi lần khoảng 15 giây, để các hoạt chất phát huy tác dụng. Không nên để lâu thì nước súc miệng sẽ gây ảnh hưởng không tốt cho niêm mạc miệng. Nước muối giúp giảm viêm và tiêu diệt vi khuẩn, làm sự giảm giảm ngứa, giảm đau tạm thời.

Tránh tiếp xúc với các chất gây kích ứng gây ho

Ho dị ứng thường xảy ra khi chúng ta hít phải hoặc tiếp xúc với các chất lạ và cơ thể phản ứng lại với những chất đó thông qua việc phản ứng ho để đẩy các tác nhân ra ngoài cơ thể.

Các chất gây kích ứng môi trường như khói, bụi hoặc mùi nồng có thể làm trầm trọng thêm cơn ho. Thời tiết lạnh nhiệt độ thay đổi khiến nhiều người chưa kịp thích ứng cũng rất dễ bị ho. Vì vậy, nên tránh tiếp xúc với các chất gây kích ứng ho.

Giữ môi trường sạch sẽ và tránh tiếp xúc với các chất gây kích ứng có thể giúp điều trị và làm giảm cơn ho.

Bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể

Dinh dưỡng cũng góp phần quan trọng trong việc điều trị các bệnh ho cảm. Một số thực phẩm lành mạnh nên ăn giúp cơ thể mau chóng khỏe lại, đồng thời tăng cường miễn dịch có thể kể đến như nấm, tỏi, hành, hẹ, kiwi, sữa chua, yến mạch, thịt bò, khoai tây, mật ong, cải bó xôi, cải xoăn, bắp cải… Nên ăn các loại súp, cháo loãng, sữa… mềm, dễ nuốt, dễ tiêu hóa nhưng vẫn chứa đầy đủ dưỡng chất cần thiết cho người bệnh.

Sử dụng thảo dược

Các loại trà thảo dược có thể giúp giảm phản xạ ho.

Các loại trà thảo dược có thể giúp giảm phản xạ ho.

Một số loại trà thảo dược, chẳng hạn như cỏ xạ hương, hoa cúc, bạc hà và rễ cam thảo, có thể có lợi cho cơn ho. Những loại trà này được biết đến với đặc tính làm dịu và có thể giúp giảm phản xạ ho. Hơi ấm từ trà cũng có thể kích thích sản xuất nước bọt, làm giảm khô cổ và kích ứng. Ví dụ, cỏ xạ hương đã được sử dụng trong y học cổ truyền để điều trị các bệnh về đường hô hấp. Để ho và giảm viêm cũng có thể sử dụng chanh muối. Thái lát quả chanh và ngâm với một chút muối, sau đó ngậm trong miệng sẽ giúp làm giảm cơn ho. Hoặc có thể pha nước ấm kết hợp giữa chanh và mật ong hoặc đường cũng có tác dụng.

Lấy 10 lát gừng, rửa sạch đun sôi với 3 ly nước trong khoảng 20 phút, cho thêm một chút chanh hoặc mật ong để uống giúp giảm ho đáng kể.

Đối với trường hợp ho kéo dài không khỏi dù đã áp dụng các cách giảm ho khác nhau thì cần đi khám. Bởi ho dai dẳng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến giấc ngủ, sinh hoạt và sức khỏe. Đặc biệt, ho kèm theo sốt cao, khò khè, khó thở, khi thở có tiếng rít, ho khạc ra đờm xanh cần đi khám càng sớm càng tốt.

BS Nguyễn Văn Bàng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/lam-gi-de-nhanh-khoi-ho-mua-lanh-169250113154720788.htm
Zalo