Làm gì để khai thác 'mỏ vàng trắng' từ nghề nuôi, dẫn dụ chim yến?

Nuôi, dẫn dụ chim yến và sản phẩm chế biến từ tổ yến hiện được đánh giá là 'mỏ vàng trắng' của ngành nông nghiệp Việt Nam. Bởi giá trị kinh tế từ tổ yến, sản phẩm chế biến từ tổ yến có thể đem về cho nước ta mỗi năm con số hàng tỷ USD.

Cơ hội phát triển và tiềm năng mang lại giá trị kinh tế

Ông Trần Phước Sỹ, Giám đốc Công ty TNHH Yến sào Tiên Sa, Chủ tịch Hội Yến sào Quảng Nam-Đà Nẵng trò chuyện với Phóng viên Báo Quân đội nhân dân cho biết: "Hiện giá tổ yến thô bán trong nước khoảng 25-30 triệu đồng/kg (tùy theo size, màu sắc sản phẩm yến), còn tổ yến làm sạch khoảng 35-40 triệu đồng/kg. Yến xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc hiện có giá 50-80 triệu đồng/kg. Sản phẩm tổ yến sau khi sơ chế của công ty tôi chủ yếu cung ứng cho Công ty cổ phần Dinh dưỡng Avanest Việt Nam trung bình 10 tấn tổ yến/năm để sản xuất, chế biến xuất khẩu. Hiện Công ty Yến Tiên Sa có 60 lao động: 40 lao động sơ chế yến (nhặt lông yến dính vào tổ), 20 cán bộ kỹ thuật, mức lương công nhân thấp nhất 8 triệu đồng/tháng".

Được biết, ông Trần Phước Sỹ, người có 13 năm làm nghề nuôi, dẫn dụ chim yến. Công ty của ông hiện có các nhà nuôi, dẫn dụ chim yến ở 40 tỉnh, thành phố với tổng cộng 80 nhà yến. Số nhà nuôi, dẫn dự chim yến do công ty trực tiếp đầu tư, xây dựng 50 nhà, số nhà yến còn lại công ty cổ phần liên kết.

Một tổ yến (khối màu trắng) trong nhà nuôi, dẫn dụ chim yến của Công ty TNHH Yến sào Tiên Sa.

Một tổ yến (khối màu trắng) trong nhà nuôi, dẫn dụ chim yến của Công ty TNHH Yến sào Tiên Sa.

Theo ông Sỹ, cũng tùy theo nhà nuôi, dẫn dụ, tùy theo năm, tùy theo thời gian mà cho lượng tổ yến các mức khác nhau. Trung bình mỗi nhà nuôi, dẫn dụ chim yến thu được khoảng 5-10kg tổ yến/tháng. Đặc biệt có nhà yến có thể thu hoạch được 30-50kg/tháng. Kết quả xét nghiệm của công ty, chất lượng tổ yến dinh dưỡng vùng miền Trung là cao nhất, sau đó là ở Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long, từ Thanh Hóa trở vào là có thể nuôi yến, hiệu quả nhất nghề nuôi yến là từ Nam đèo Hải Vân. Đầu tư nhà nuôi, dẫn dụ yến từ 1,5 - 5 tỷ đồng/nhà.

Tổ yến của Công ty TNHH Yến sào Tiên Sa sau khi sơ chế.

Tổ yến của Công ty TNHH Yến sào Tiên Sa sau khi sơ chế.

Tại Việt Nam, nghề nuôi, dẫn dụ chim yến với mục đích thương mại là một hoạt động sản xuất mới xuất hiện từ năm 2004 ở một số tỉnh Nam Bộ. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, nghề này đã phát triển nhanh với nhiều loại hình và quy mô khác nhau. Nhiều tỉnh, thành có lợi thế về tự nhiên để phát triển nghề nuôi chim yến, tạo việc làm và nguồn thu đáng kể cho người dân. Hiện tổng số nhà nuôi, dẫn dụ yến cả nước khoảng 22.000 nhà yến. Sản lượng tổ yến của Việt Nam khoảng 150 tấn, giá trị trên 600 triệu USD. Ngành yến (nuôi, dẫn dụ, chế biến tổ yến) của Việt Nam đang có nhiều cơ hội phát triển và tiềm năng mang lại giá trị kinh tế rất cao, đặc biệt là sau khi Nghị định thư về xuất khẩu chính ngạch tổ yến và sản phẩm chế biến từ tổ yến sang thị trường Trung Quốc được ký kết giữa Việt Nam - Trung Quốc.

Trung tuần tháng 11- 2023, Avanest là công ty đầu tiên xuất khẩu sản phẩm tổ yến chế biến chính ngạch vào Trung Quốc. Đây là tin vui đối với người nuôi, dẫn dụ yến lẫn doanh nghiệp nuôi, chế biến xuất khẩu tổ yến của Việt Nam. Hiện Trung Quốc là thị trường tiêu thụ tổ yến, sản phẩm chế biến từ yến lớn nhất thế giới.

Đầu tư chế biến để gia tăng giá trị kinh tế

Vậy để xuất khẩu tổ yến và sản phẩm chính ngạch sang thị trường Trung Quốc thì phải đáp ứng được yêu cầu gì? Trước hết, tổ yến, sản phẩm từ tổ yến phải đảm bảo chất lượng vệ sinh thực phẩm, đáp ứng được yêu cầu về kiểm dịch thú y, nhà nuôi, dẫn dụ yến phải có mã số, cơ sở sơ chế, chế biến tổ yến cũng phải có mã số. Những mã số này nhằm đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc sản phẩm từ thị trường và người tiêu dùng của nước nhập khẩu. Được biết, mã số của các cơ sở nuôi chim yến, Bộ NN-PTNT đã giao cho Cục Chăn nuôi xây dựng, trình Bộ ban hành quy định về việc cấp mã số. Đây cũng là cơ sở để các chi cục chăn nuôi-thú y các địa phương cấp mã số nhà yến đủ điều kiện theo quy định. Khi mã số nhà yến được cấp chính là công cụ quan trọng phục vụ việc truy xuất nguồn gốc, đây chính là yêu cầu theo Nghị định thư mà chúng ta đã ký kết với phía Trung Quốc.

Lô hàng của Công ty TNHH MTV Thương mại Hải Yến Nha Trang chuẩn bị xuất khẩu chính ngạch bằng đường hàng không sang Trung Quốc

Lô hàng của Công ty TNHH MTV Thương mại Hải Yến Nha Trang chuẩn bị xuất khẩu chính ngạch bằng đường hàng không sang Trung Quốc

Vậy để được cấp mã số nhà yến phải đáp ứng những tiêu chí nào? Ông Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cho biết: Có nhiều điều kiện khác nhau và những điều kiện cơ bản: Thứ nhất là phải nằm trong vùng được phép nuôi yến của các địa phương nếu như các địa phương đã quy hoạch. Thứ hai, người nuôi, dẫn dụ yến phải đảm bảo quy định nhà yến đáp ứng các yêu cầu về nuôi yến theo quy định của Nghị định 13. Đồng thời, khi nuôi, dẫn dụ yến họ phải đảm bảo quy định kê khai sản phẩm đầu tiên với UBND cấp xã.

Việc xuất khẩu tổ yến và các sản phẩm từ tổ yến sang các nước thì về mặt nguyên tắc chúng ta phải tuân thủ quy định nước nhập khẩu, cụ thể là Trung Quốc về kiểm dịch, an toàn thực phẩm, tập quán của người Trung Quốc trong việc sử dụng sản phẩm tổ yến. Vì thế, doanh nghiệp phải có cách tiếp cận các quy định về quản lý nhà nước về nhập khẩu tổ yến và các sản phẩm chế biến từ tổ yến của phía Trung Quốc để đáp ứng đầy đủ quy định. Đây là vấn đề kiên quyết trong quá trình xuất khẩu. Chúng tôi cho rằng các doanh nghiệp khi xuất khẩu yến cần có sự cần liên kết, hợp tác chặt chẽ với nhau để chia sẻ thông tin, giúp đỡ lẫn nhau, phát triển thị trường, đồng thời qua đó, chúng ta giảm được chi phí logistics, chia sẻ kinh nghiệm, phục vụ việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm yến được đảm bảo. Định hướng rất quan trọng đối các doanh nghiệp ngành yến là chúng ta dần dần, có lộ trình phải đầu tư bài bản, có lộ trình vào chế biến sâu. Chỉ có chế biến sâu chúng ta mới có thể thu được giá trị gia tăng từ tổ yến, còn nếu chỉ bán sản phẩm tổ yến thô (chỉ sơ chế) thì giá trị gia tăng nó rất là nhỏ.

Đồng quan điểm này, Phó chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Văn Trọng cho hay: "Việc quản lý chim yến đã được quy định trong Luật Chăn nuôi, do đó, muốn quản lý hiệu quả, xuất khẩu được sản phẩm từ yến thì phải tuân thủ Luật Chăn nuôi. Bởi đây chính là cơ sở để gắn với mã số cho mỗi nhà yến, phục vụ việc truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng được yêu cầu của thị trường nội địa lẫn xuất khẩu".

Lô sản phẩm chế biến từ tổ yến của Công ty cổ phần Dinh dưỡng Avanest Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch đầu tiên vào thị trường Trung Quốc.

Lô sản phẩm chế biến từ tổ yến của Công ty cổ phần Dinh dưỡng Avanest Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch đầu tiên vào thị trường Trung Quốc.

Các chuyên gia về chăn nuôi cho rằng trong tương lai ngành yến (nuôi, dẫn dụ, chế biến) của Việt Nam có khả năng đem lại kim ngạch xuất khẩu khoảng 1 tỷ USD/năm. Nếu được đầu tư, chế biến sâu, tổ yến và sản phẩm từ tổ yến có thể đem lại giá trị kinh tế thêm khoảng 1 tỷ USD nữa. Vì thế, nghề nuôi, dẫn dụ chim yến, chế biến tổ yến được hiện được coi là “mỏ vàng trắng” của ngành nông nghiệp Việt Nam.

Bài và ảnh: NGUYỄN KIỂM

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/lam-gi-de-khai-thac-mo-vang-trang-tu-nghe-nuoi-dan-du-chim-yen-763993
Zalo