Làm gì để hỗ trợ lao động trước 'làn sóng' AI?

Trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang thay đổi cách con người làm việc. Bên cạnh cơ hội, AI đặt ra những thách thức không nhỏ đối với người lao động, đặc biệt là nhóm lao động thủ công và những người ít có khả năng thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ. Để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau, điều cần làm là triển khai các phương án hỗ trợ người lao động ngay từ bây giờ.

AI đã giúp tự động hóa nhiều quy trình, giảm thiểu sai sót và tăng hiệu suất lao động nhưng cũng khiến nhiều công việc truyền thống biến mất. (Ảnh: CP)

AI đã giúp tự động hóa nhiều quy trình, giảm thiểu sai sót và tăng hiệu suất lao động nhưng cũng khiến nhiều công việc truyền thống biến mất. (Ảnh: CP)

Cần cấp thiết “nâng cấp” công nghệ cho người lao động

Một nghiên cứu gần đây của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy trí tuệ nhân tạo có thể ảnh hưởng tới 40% việc làm trên toàn thế giới và 60% ở các nền kinh tế tiên tiến. Còn theo nhận định của chuyên gia thuộc Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), các công việc đòi hỏi kỹ năng thấp có nguy cơ cao nhất rơi vào tay AI, nhưng theo thời gian, AI sẽ dần dần có tác động tích cực, với sự phát triển dự kiến tạo ra khoảng 69 triệu việc làm vào năm 2027.

Trước những chuyển biến nhanh chóng của thị trường, WEF nhận thấy doanh nghiệp đang tăng cường đào tạo nhân viên nhằm nâng cao tay nghề để theo kịp nhu cầu của thời đại và khắc phục tình trạng thiếu hụt nhân lực trong các lĩnh vực quan trọng. AI cũng có thể là cú hích tạo ra các ngành công nghiệp mới, kích thích tăng trưởng của các nền kinh tế.

Tại một hội thảo về lao động - việc làm thời trí tuệ nhân tạo diễn ra tại TP Hồ Chí Minh trong tháng 12 vừa qua, ông Đào Trung Thành - Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ Nhân tạo ABAII đã đưa ra nhận định: “40% người lao động sẽ cần được đào tạo lại kỹ năng từ nay đến năm 2025 để thích nghi với sự phát triển của AI và tự động hóa”. Theo ông Đào Trung Thành, AI không chỉ tạo ra cơ hội việc làm mới còn mang lại mức thu nhập đầy hấp dẫn. Cụ thể, mức lương trung bình của kỹ sư AI hiện nay là 200.000 USD/năm, cao gấp 2,3 lần so với kỹ sư phần mềm thông thường. Những con số này cho thấy AI không chỉ là xu hướng mà còn đang đặt ra yêu cầu cấp thiết về nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời đại số hóa.

Hiện nay, trong nước, tại nhiều tập đoàn lớn, các chương trình đào tạo AI đang được triển khai đối với tất cả các bộ phận. Đối với những người làm việc trong lĩnh vực không trực tiếp liên quan đến công nghệ, một số các khóa học về AI dành cho người không chuyên cũng được triển khai giúp người lao động nhận thức và áp dụng AI vào công việc hàng ngày. Thời gian qua, một số cuộc kí kết hợp tác đào tạo kĩ năng, giúp người lao động nâng cao trình độ giữa các tập đoàn lớn và các doanh nghiệp công nghệ uy tín trong nước đã diễn ra, đây là một tín hiệu đáng mừng cho người lao động cũng như thị trường lao động thời AI lên ngôi.

Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, việc đầu tư vào công nghệ thường giới hạn hơn, nhưng mô hình "learning by doing" - vừa học, vừa làm đã được triển khai. Nhân viên được giao nhiệm vụ áp dụng AI vào quy trình công việc với sự hỗ trợ của các chuyên gia. Phong trào “cập nhật AI cho người lao động” cũng được nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa hưởng ứng, với việc mời các chuyên gia về đào tạo tại chỗ, bổ sung kiến thức, kĩ năng sử dụng AI trong công việc cho người lao động.

Đối với lao động trong khối nhà nước, việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực để phù hợp với tình hình mới cũng cần được coi là bức thiết và đặt lên như một ưu tiên hàng đầu, đặc biệt trong tình hình đất nước đang có sự tinh gọn lao động, hướng đến hiệu quả hoạt động như hiện nay.

Trong bài viết “Trí tuệ nhân tạo và phát triển nguồn nhân lực khu vực công tại Việt Nam” do TS. Trịnh Huyền Mai và ThS. Lê Hồ Vĩ thực hiện đăng tải trên Tạp chí Quản lý nhà nước mới đây, có những đề xuất khá mới mẻ về vấn đề tăng cường đào tạo, nâng cấp lao động trong khu vực công. Theo hai tác giả, việc phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phải kết hợp một phương pháp tiếp cận toàn diện bao gồm tuyển dụng thông minh, đào tạo và giáo dục liên tục và tạo ra một môi trường làm việc hỗ trợ việc học tập và đổi mới. Bằng cách làm như vậy, các cơ quan quản lý nhà nước mới có thể đảm bảo nền tảng vững chắc cho Chính phủ số tương lai để có thể tận dụng các cơ hội và tự tin đối mặt với các thách thức.

Nhà nước cần tập trung đào tạo và phát triển liên tục cán bộ, công chức, viên chức trong bối cảnh chuyển đổi số và cạnh tranh với AI. Các cơ quan nhà nước cần nhận ra rằng học tập liên tục là chìa khóa để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có các kỹ năng và kiến thức phù hợp trong việc ứng dụng AI. Việc tạo ra các chương trình đào tạo, bồi dưỡng phù hợp và hiệu quả là một yếu tố quan trọng. Các chương trình đào tạo, bồi dưỡng này nên được thiết kế để dạy các kỹ năng số cho những cán bộ, công chức, viên chức không có nền tảng công nghệ vững chắc. Bằng cách đào tạo, bồi dưỡng toàn diện, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức sẽ hiểu sâu sắc về các công nghệ được sử dụng trong tổ chức của họ, cho phép họ đóng góp hiệu quả hơn vào những thách thức và cơ hội của việc ứng dụng AI trong lĩnh vực công.

Đừng để lao động phổ thông bị “bỏ lại phía sau”

Có thể khẳng định, AI đã giúp tự động hóa nhiều quy trình, giảm thiểu sai sót và tăng hiệu suất lao động. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng này cũng khiến nhiều công việc truyền thống biến mất, đặt ra nguy cơ thất nghiệp cho những người lao động có trình độ tay nghề thấp. Đặc biệt, những ngành nghề như sản xuất, giao hàng, dịch vụ khách hàng... đang bị đe dọa bởi tính tự động và hiệu quả cao của AI. Ngược lại, AI cũng tạo ra nhiều công việc mới như phát triển mã nguồn, dữ liệu và đào tạo mô hình AI. Tuy nhiên, những công việc này đòi hỏi trình độ chuyên môn cao và kỹ năng kỹ thuật, gây khó khăn cho lực lượng lao động thủ công.

Một trong những thách thức chính trong xã hội chính là “khoảng cách công nghệ”. Công nghệ nói chung và AI nói riêng đang tạo ra sự bất bình đẳng công nghệ giữa các tầng lớp trong xã hội. Nhiều đối tượng sẽ bị bỏ lại phía sau trong tiến trình phát triển công nghệ như người già, người nghèo, người ở vùng sâu, vùng xa…

Đặc biệt, với đối tượng người lao động trung niên và cao tuổi, do hạn chế về tiếp nhận công nghệ, đối mặt nguy cơ bị thay thế bởi các hệ thống AI, đồng thời nguy cơ “bỏ lại phía sau” đang hiện hữu.

Lao động phổ thông là đối tượng thường dễ bị tổn thương nhất trong thời AI do không có kỹ năng chuyên môn. Chính vì thế, theo các chuyên gia, các giải pháp để hỗ trợ lao động trong thời AI rất cần thiết phải nhắm đến đối tượng lao động phổ thông. Trong đó, các chuyên gia đưa ra một số giải pháp lớn nhằm giúp họ không bị “tụt hậu” trong thị trường lao động, nâng cao tay nghề và thích nghi tốt. Những giải pháp này bao gồm việc đầu tư vào các chương trình đào tạo lại và nâng cao tay nghề cho người lao động, giúp họ có khả năng chuyển đổi sang các công việc khác. Ví dụ như khóa đào tạo cấp tốc về AI, những khóa học ngắn hạn về kỹ năng số, phân tích dữ liệu, hoặc quản lý hệ thống AI có thể giúp hội nhập nhanh chóng...

Các chuyên gia cũng đưa ra lời khuyên, doanh nghiệp nên kết hợp đầu tư vào tự động hóa với tăng cường nhân sự cho các công việc đòi hỏi sự tương tác của con người. Chẳng hạn, trong ngành dịch vụ, robot có thể thay thế các nhiệm vụ cơ bản như giao hàng, trong khi nhân viên tập trung vào việc cung cấp trải nghiệm khách hàng chất lượng cao.

Các chuyên gia cho rằng, trong xu hướng AI hóa, doanh nghiệp và Chính phủ cần nhấn mạnh vai trò độc nhất của con người: sự sáng tạo, tính đồng cảm và đạo đức. Chính những khả năng này sẽ làm nên đột phá trong những ngành nghề như nghệ thuật, giáo dục và y tế.

Và một yếu tố quan trọng nữa để người lao động không rơi vào cảnh bơ vơ, mất đi miếng cơm manh áo, thì việc cần làm song song chính là triển khai các chính sách an sinh xã hội như kết nối lao động, tạo thu nhập cơ bản hoặc hỗ trợ tài chính tạm thời cho những người lao động mất việc trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế AI.

Có thể nói, AI không chỉ mang đến thách thức, mà còn mở ra những cơ hội lớn. Việc Chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội có những chính sách hiệu quả để đồng hành với người lao động sẽ là yếu tố quan trọng giúp Việt Nam đáp ứng với cách mạng AI một cách linh hoạt và bền vững.

Ngọc Mai

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/lam-gi-de-ho-tro-lao-dong-truoc-lan-song-ai-post536815.html
Zalo