Làm gì để hạn chế việc thiếu nguyên liệu đạt chuẩn cho chế biến?

Tiêu thụ, xuất khẩu nông sản đang có nhiều tín hiệu tích cực nhưng thực tế các doanh nghiệp, HTX vẫn phải đối diện với bài toán về đảm bảo nguyên liệu để sản xuất kinh doanh.

Ông Nguyễn Văn Quân, Giám đốc HTX thương mại - dịch vụ, sản xuất nghệ Đại Hưng (Hưng Yên), cho biết HTX thường xuyên đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu để chế biến.

"Đau đầu" với bài toán “đầu vào”

Ngay như với sản phẩm dầu ăn chế biến từ hạt lạc, hiện địa phương đứng trước thách thức đô thị hóa, người dân còn ít đất sản xuất nên các vùng trồng lạc cũng rất hạn chế. Nhiều gia đình chỉ trồng xen canh, cung cấp sản lượng thấp khiến máy móc của HTX không thể hoạt động hết công suất. HTX cũng phải nhập nguyên liệu từ các địa phương khác làm gia tăng chi phí, khó bảo đảm chất lượng.

Bà Đinh Thị Hải Yến, Giám đốc Công ty thực phẩm sạch Từ Tâm (Hà Nội) chia sẻ dù liên kết với một số HTX cá sạch ở huyện Ứng Hòa để thực hiện chế biến, phát triển chuỗi cá kho nhưng doanh nghiệp vẫn đứng trước nguy cơ thiếu nguyên liệu sản xuất.

Thực tế, nguồn cung các loại cá trên thị trường rất lớn nhưng có đảm bảo chất lượng đầu vào hay không là cả vấn đề. Vì thực tế hiện nay, hầu hết các vùng nuôi cá trên địa bàn thành phố Hà Nội đều nhập từ Hải Dương. Và ngay khi ở trại giống Hải Dương, cá đã được “tắm” chất Xanh Methylen nhằm hạn chế bệnh ngoài da. Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc đảm bảo sản phẩm an toàn 100% khi đến tay người tiêu dùng.

Vùng nguyên liệu đạt chuẩn vẫn còn thiếu khiến các cơ sở chế biến chưa phát huy hết công suất.

Vùng nguyên liệu đạt chuẩn vẫn còn thiếu khiến các cơ sở chế biến chưa phát huy hết công suất.

Trong khi đó, bà Lê Thị Thanh Thủy, Giám đốc Công ty cổ phần sản xuất và thương mại Eherbal nêu thực trạng nguồn dược liệu đạt chuẩn đầu vào để doanh nghiệp chế biến vẫn còn thiếu. Nhiều loại rau như diếp cá, tía tô... nhiều lúc rơi vào tình trạng "cháy hàng", không có để thu mua.

Có thể thấy, nhu cầu thị trường về các sản phẩm hàng hóa chế biến là không nhỏ nhưng các HTX, doanh nghiệp hiện nay lại chưa thể phát huy được hết năng lực của mình.

Và một trong những nút thắt lớn hiện nay chính là chất lượng nguồn nguyên liệu cho các HTX, doanh nghiệp chế biến. Bởi Việt Nam có lợi thế phát triển nhiều loại nông sản, quy mô sản xuất cũng không hề nhỏ nhưng để đáp ứng các quy định thị trường thì nguyên liệu đầu vào phải được kiểm soát chất lượng, vệ sinh an toàn của vùng nguyên liệu.

Bà Lê Thị Thanh Thủy cho rằng, một trong những cách chế biến phổ biến ở Việt Nam hiện nay là sấy nông sản, trong đó sấy chân không giữ đến 90% chất dinh dưỡng của nguyên liệu. Điều này đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng là đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng tối đa, đáp ứng được nguyên tắc đưa nông sản từ trang trại đến bàn ăn.

Còn với sấy thăng hoa, nguyên tắc đặt ra là phải giữ được chất lượng, màu sắc của nguyên liệu đầu vào. Nguyên liệu đầu vào như thế nào thì sau quá trình sấy thăng hoa sẽ cho sản phẩm đầu ra với màu sắc chất dinh dưỡng như vậy. Do đó, nếu nguyên liệu không đảm bảo chất lượng, thì rất khó sơ chế, chế biến được sản phẩm đạt yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, cảm quan…

Tăng liên kết doanh nghiệp - HTX

Theo các chuyên gia, rõ ràng vấn đề đảm bảo nông sản là nguyên liệu đầu vào phục vụ cho chế biến đang gặp lực cản. Trong đó, một trong những lực cản rõ nhất là các đơn vị chế biến chưa liên kết được với các HTX, nông dân để cùng phát triển vùng nguyên liệu đạt chuẩn.

Ông Nguyễn Sang, Giám đốc chuỗi cửa hàng Vua Đặc Sản cho biết, doanh nghiệp đầu tư công nghệ và liên kết với nông dân, HTX luôn mong muốn có thể thu mua toàn bộ diện tích đã ký kết nếu đảm bảo quy trình, tiêu chuẩn. Vì nếu liên kết đầu tư vùng nguyên liệu nhưng người dân, HTX không đảm bảo chất lượng nguyên liệu đầu vào thì vừa khó cho doanh nghiệp, vừa khó cho HTX.

Bên cạnh đó, đầu tư vùng nguyên liệu ra rồi thì vấn đề đầu ra như thế nào, kết nối giữa HTX và doanh nghiệp ra sao cũng quan trọng. Bởi các tiêu chí về an toàn trong quá trình sản xuất vùng nguyên liệu của Việt Nam tuy đã có nhưng liệu đã đáp ứng được các yêu cầu của các đối tác nước ngoài chưa? Điển hình như Nhật Bản chưa chấp nhận những sản phẩm được chứng nhận hữu cơ theo quy trình của Việt Nam.

Rõ ràng, muốn phát triển bền vững từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ thì điều quan trọng hiện nay là phải nâng chất lượng, đầu tư cho vùng nguyên liệu. Ông Ngô Sỹ Đạt, Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường và Thể chế nông nghiệp cho rằng, vấn đề nông dân, HTX cần làm theo yêu cầu, tiêu chuẩn của doanh nghiệp là điều cần thiết.

Nhưng đối với người dân, HTX hiện nay, doanh nghiệp liên kết nếu chỉ bỏ tiền đầu tư và thu mua nông sản với giá cao hơn so với đơn vị khác thì chưa chắc đã thuyết phục được họ. Bởi ngoài giá thu mua nông sản cao, người dân, HTX còn cần nhiều điều khác nữa mới có thể hình thành được mối liên kết bền chặt, như vấn đề hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ thông tin thị trường, kết nối với cơ quan quản lý…

Đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông cho biết, Tây Nguyên phát triển khá mạnh nhiều loại nông sản nhưng nếu việc kết nối giao thông được đẩy nhanh và mạnh hơn nữa thì sẽ giải quyết phần nào được bài toán thiếu nguyên liệu cho sơ chế, chế biến.

Bên cạnh đó, Tây Nguyên ngoài phát triển cây công nghiệp còn phát triển các loại cây ăn quả nên cần nguồn phân bón đảm bảo chất lượng rất lớn để phục vụ sản xuất. Và Tây Nguyên cũng là vùng phát triển chăn nuôi, do đó cần có chính sách mạnh hơn để hỗ trợ người dân, HTX tận dụng được nguồn phế phụ phẩm, chất thải trong trồng trọt, chăn nuôi để đầu tư trở lại cho vùng nguyên liệu một cách hiệu quả.

Huyền Trang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//hop-tac-xa/lam-gi-de-han-che-viec-thieu-nguyen-lieu-dat-chuan-cho-che-bien-1102802.html
Zalo