Làm gì để đảm bảo an ninh nguồn nước cho Đà Nẵng?

Đà Nẵng và Quảng Nam nằm trong vùng hạ lưu lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn, hiện đang đối mặt với nhiều thách thức trong quản lý và vận hành hồ chứa, đặc biệt trong mùa khô hạn và mùa mưa bão. Tình trạng thiếu nước vào mùa khô, lũ lụt vào mùa mưa và những rủi ro do thiên tai đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân và sự phát triển bền vững của thành phố.

TS Lê Hùng chia sẻ các giải pháp ứng phó với ngập úng đô thị Đà Nẵng.

TS Lê Hùng chia sẻ các giải pháp ứng phó với ngập úng đô thị Đà Nẵng.

Chia sẻ tại hội thảo về đảm bảo an ninh nguồn nước cho Đà Nẵng ngày 14-5, bà Đặng Nguyễn Thục Anh, Phó Chi cục Quản lý tài nguyên nước và Thủy lợi Đà Nẵng cho biết, trong bối cảnh nguồn nước Việt Nam được đánh giá là “quá thừa, quá thiếu, quá bẩn” thì Luật Tài nguyên nước 2023 đánh dấu một bước tiến rất lớn thay đổi phương thức quản trị tài nguyên nước, bảo đảm tài nguyên nước được quản lý như tài sản công. Trong đó, nội dung trọng tâm là vấn đề đảm bảo an ninh nguồn nước cho sinh hoạt, sản xuất; việc tổ chức thực hiện các biện pháp ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do hạn hán, thiếu nước gây ra trên các lưu vực sông. Đặc biệt, việc phục hồi, làm sống lại các “dòng sông chết” nhằm khôi phục nguồn nước, tạo dòng chảy, cải tạo cảnh quan môi trường sinh thái cần ưu tiên thực hiện thời gian tới. Bởi lẽ, quá trình đô thị hóa, phát triển nhanh chóng về kinh tế kèm theo hoạt động xả nước thải, nhất là nước thải chưa được xử lý đạt tiêu chuẩn vào nguồn nước, đã tác động nghiêm trọng đến số lượng, chất lượng nguồn nước các sông, suối, các tầng chứa nước.

Ông Hồ Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng phòng Thủy lợi và Phòng chống thiên tai, Sở Nông nghiệp và Môi trường Đà Nẵng cho biết, hiện nay thành phố có 19 công trình hồ, đập phục vụ nông nghiệp và một phần cấp nước sinh hoạt. Tuy nhiên, một số công trình đã xuống cấp; việc phối hợp vận hành liên hồ chứa trong mùa mưa lũ chưa đồng bộ; công tác dự báo, cảnh báo và quản lý rủi ro thiên tai chưa được đầu tư đồng bộ, ảnh hưởng đến hiệu quả điều tiết nước. Ngoài ra, do biến đổi khí hậu khiến lượng mưa trở nên thất thường, ảnh hưởng đến khả năng tích trữ nước của các hồ chứa; việc đô thị hóa nhanh chóng làm giảm diện tích thấm nước tự nhiên, dẫn đến nguy cơ lũ lụt gia tăng; một số hồ chứa chưa được trang bị hệ thống quan trắc tự động, gây khó khăn trong việc theo dõi và kiểm soát an toàn công trình. Ông Dũng đề xuất cần tăng cường giám sát, bảo dưỡng hồ, đập kịp thời; vận hành liên hồ chứa, quản lý rủi ro thiên tai hiệu quả; kiểm soát chặt chẽ các hoạt động khai thác tài nguyên nước để tránh suy thoái nguồn nước, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi xả thải gây ô nhiễm nguồn nước, khai thác nước ngầm trái phép.

Nguồn nước sông Cu Đê là tài nguyên quý giá của Đà Nẵng hiện nay. TP đã từ chối nhiều dự án để đảm bảo nguồn nước sông Cu Đê.

Nguồn nước sông Cu Đê là tài nguyên quý giá của Đà Nẵng hiện nay. TP đã từ chối nhiều dự án để đảm bảo nguồn nước sông Cu Đê.

Quá trình đô thị hóa, phát triển kinh tế “nóng”, xây dựng các tuyến đường giao thông chặn ngang dòng thoát lũ... đã tác động đến tự nhiên, gia tăng tình trạng ngập úng đô thị Đà Nẵng những năm gần đây. Trong thực tế, số lượng các đợt mưa lớn, gây ra lũ lụt, ngập úng đô thị Đà Nẵng ngày càng gia tăng, mức độ nghiêm trọng hơn. TS Lê Hùng, Giảng viên Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng cho rằng, việc vận hành hiệu quả hồ đập, góp phần nâng cao năng lực ứng phó ngập úng cho đô thị Đà Nẵng. Theo TS Hùng, cần xây dựng quy trình vận hành điều tiết các hồ theo đó phải kết hợp đầu tư thêm cửa van, trạm bơm để có thể vận hành điều tiết theo thời gian thực nhằm tạo không gian chứa nước khi mưa lớn, cắt giảm lưu lượng cho tuyến cống hạ lưu. Có thể đưa phương án bơm hạ mực nước các hồ trước khi mưa khoảng 6-12 giờ. Bên cạnh đó, các tuyến đường giao thông chắn ngang dòng chảy lũ, khi thiết kế kỹ thuật cần tính toán kích thước các tuyến cống qua đường theo số liệu khảo sát chi tiết đặc biệt là thoát lũ sông phải tính theo các kịch bản thoát lũ phía thượng nguồn với số liệu địa hình, thủy văn cập nhật. Cần tính toán đường ống nối từ cửa thu nước đến hố ga với cao trình và kích thước phù hợp, để đảm bảo chuyển nước được thuận dòng, tránh tình trạng sốc ngược nước như tại một số điểm thoát.

Ngập úng đô thị Đà Nẵng ngày càng gia tăng.

Ngập úng đô thị Đà Nẵng ngày càng gia tăng.

Cũng theo TS Lê Hùng, hệ thống kỹ thuật thoát nước và phòng chống lũ lụt của mỗi đô thị đều có những tiêu chuẩn phòng lũ nhất định. Khi lượng mưa vượt quá tiêu chuẩn phòng lũ, các biện pháp ứng phó khẩn cấp phải được thực hiện theo các kế hoạch khẩn cấp có liên quan. Phần lớn cơ sở hạ tầng thoát nước và phòng chống lũ lụt đô thị của Đà Nẵng hiện nay đều chưa hoặc chỉ đang trong quá trình hoàn thiện; vậy nên, để đề phòng xảy ra rủi ro, ngay cả khi lượng mưa chưa vượt quá tiêu chuẩn cũng nên kích hoạt sẵn các phương án khẩn cấp để kịp thời xử lý mọi trường hợp. Cần phải hoàn thiện các bản đồ ngập lụt chi tiết cho Đà Nẵng, bao gồm lưu vực Túy Loan, Cu Đê và Vu Gia Thu Bồn. Đồng thời, cần xây dựng bản đồ di dời dân khi lũ ảnh hưởng (di dời người dân các vùng trũng thấp, và đưa ra chỉ dẫn hướng di chuyển và các vị trí cần di chuyển người dân lên cao); xác định lại mốc phòng chống lụt bão cho khu vực Hòa Vang hạ lưu Vu Gia là trạm An Trạch hoặc tạm thời căn cứ vào mực nước Ái Nghĩa để ứng phó.

Bảo vệ, sử dụng hiệu quả nguồn nước- tài nguyên thiết yếu và không thể thay thế chính là nền tảng để xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố an toàn, linh hoạt, thích ứng hiệu quả với thiên tai, biến đổi khí hậu trong tương lai.

HẢI QUỲNH

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/lam-gi-de-dam-bao-an-ninh-nguon-nuoc-cho-da-nang-post313066.html
Zalo