Làm gì để các đơn vị hành chính cấp xã hoạt động hiệu quả sau sáp nhập? Bài 2 - Nâng tầm cán bộ cơ sở
Sau sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã đòi hỏi phải nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở, bảo đảm đoàn kết, thống nhất trong tổ chức bộ máy.

Dự kiến hầu hết chức năng, nhiệm vụ của cấp huyện sẽ được chuyển về cấp xã đòi hỏi chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở thời gian tới phải nâng lên. Trong ảnh: Cán bộ, công chức xã Đức Phúc - xã hợp nhất từ 2 xã Hồng Đức, Vạn Phúc (Ninh Giang) trao đổi công việc
Loại trừ tư tưởng cục bộ
Khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, kết thúc hoạt động của cấp huyện, cùng với đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã hiện có sẽ có số lượng lớn cán bộ, công chức ở cấp huyện được điều chuyển về cơ sở. Vì vậy, các địa phương cần chú trọng công tác sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức để tổ chức, bộ máy mới vận hành trơn tru, thông suốt, hiệu quả.
Trong các năm 2019 và 2024, huyện Thanh Hà đã thực hiện sáp nhập 13 xã thành 6 xã. Theo lãnh đạo Huyện ủy Thanh Hà, việc sắp xếp bố trí, sử dụng cán bộ nhận được sự đồng thuận cao của các cán bộ, công chức và người dân. Tuy nhiên, cũng một số ít cán bộ có tâm tư vì đang giữ cấp trưởng xuống cấp phó hoặc từ đơn vị này sang đơn vị khác, phải đi lại xa hơn để làm việc, môi trường công tác mới, nhiệm vụ mới…
“Đến nay trong huyện không phát sinh vấn đề gì trong việc sắp xếp cán bộ tại các địa phương sáp nhập. Kinh nghiệm của huyện là cần làm tốt công tác tư tưởng, tạo sự động thuận, phát huy dân chủ, khách quan, công bằng trong việc đánh giá, bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức. Mỗi cán bộ, công chức cũng cần chủ động phát huy vai trò đảng viên, nhận thức đúng vị trí, trách nhiệm của cá nhân với nhiệm vụ mới được giao”, đồng chí Phạm Văn Hùng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Hà cho biết thêm.
Cùng với huyện Thanh Hà, khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, các địa phương khác trong tỉnh đã bố trí, sử dụng cán bộ theo đúng quy trình, quy định của Trung ương và của tỉnh. Nhiều địa phương thực hiện giải pháp để phòng ngừa phát sinh tư tưởng cục bộ, địa phương trong đội ngũ cán bộ, công chức. Đó là bố trí đội ngũ cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các đoàn thể chính trị - xã hội có sự đan xen, bảo đảm hài hòa giữa các địa phương cũ. Một số nơi thực hiện điều động, bổ nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền là cán bộ huyện, ở địa phương khác về địa phương sau sáp nhập. Huyện Tứ Kỳ còn chủ động thực hiện điều động, luân chuyển “ngang” nhiều cán bộ chủ chốt giữa các xã, thị trấn.
Đúng người, đúng việc

Toàn tỉnh có 4.203 cán bộ, công chức cấp xã, trong đó có 2.192 cán bộ, 2.011 công chức (ảnh minh họa)
Dự kiến hầu hết chức năng, nhiệm vụ của cấp huyện sẽ được chuyển về cấp xã. Với nhiệm vụ nặng nề, yêu cầu cao hơn, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã hiện nay sẽ khó có thể đáp ứng ngay được công việc. Chính vì vậy, cùng với việc tăng cường cán bộ, công chức ở tỉnh, cấp huyện về cơ sở, cấp có thẩm quyền cần đánh giá, sàng lọc, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức ở các đơn vị hành chính hiện có khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.
Giống như nhiều địa phương khác trong tỉnh, huyện Nam Sách đang tiến hành các bước chuẩn bị thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Theo ông Đặng Văn Duy, Trưởng Phòng Nội vụ huyện, để đáp ứng được công việc mới, đội ngũ cán bộ, công chức xã phải chủ động tự thay đổi, thích nghi. “Xã to lên, công việc nhiều và phức tạp hơn, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay sẽ đặt ra những yêu cầu cao hơn nhiều so với trước, đòi hỏi cán bộ, công chức xã phải thay đổi tư duy, cách làm việc với tinh thần làm việc gần dân hơn, trực tiếp với dân”, ông Duy phân tích.
Tìm hiểu của phóng viên Báo Hải Dương ở nhiều địa phương, hiện tỷ lệ cán bộ, công chức xã có tốt nghiệp đại học chính quy cũng đã được nâng lên, có nơi đạt 30%. Phần lớn những trường hợp học tại chức tuổi cũng khá cao, có nhiều người có nguyện vọng xin nghỉ hưu trước tuổi khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Vì vậy, nếu được bổ sung cán bộ, công chức cấp huyện thì đội ngũ cán bộ, công chức xã sẽ mạnh hơn.
Về việc có nên lấy tiêu chí tốt nghiệp đại học chính quy hay tại chức làm căn cứ để đánh giá, sắp xếp cán bộ, công chức cấp xã hiện tại, theo ông Đặng Đình Chiến, nguyên Phó Trưởng Khoa Xây dựng Đảng, Trường Chính trị tỉnh Hải Dương, khi lựa chọn cán bộ cấp xã cần thực hiện đánh giá trên tất cả mọi mặt về trình độ đào tạo, năng lực và thực tiễn. Việc đánh giá chất lượng cán bộ, ngoài bằng cấp chuyên môn còn phải căn cứ vào thực tiễn như mức độ hoàn thành nhiệm vụ, năng lực thực thi công vụ từ 3 - 5 năm. Ông Chiến cho rằng công tác cán bộ trong thời điểm này cần phải làm dân chủ, công khai, minh bạch, đúng người, đúng việc để bảo đảm bộ máy tổ chức mới đi vào hoạt động hiệu quả. “Lựa chọn, sắp xếp cán bộ, công chức cũng cần lưu ý vào các yếu tố có tâm và có tầm. Tâm ở đây là sự nhiệt huyết, trách nhiệm với công việc. Bộ máy gần dân thì càng đòi hỏi cán bộ phải có cái tâm. Còn cái tầm đó là tầm nhìn, nhận thức chính trị, bao quát được công việc để hoạch định, đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy phát triển của địa phương”, ông Chiến nêu quan điểm.
Từ trước đến nay các địa phương mới chỉ thu hút nhân tài, nhân lực trình độ cao về cấp tỉnh, cấp huyện mà chưa có cơ chế riêng thu hút về cấp xã.
Quan tâm cán bộ, công chức dôi dư
Khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, bỏ cấp huyện, một số lượng không nhỏ cán bộ, công chức cấp xã sẽ nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ hưu hoặc thôi việc. Đây là điều cần thiết để tinh gọn bộ máy thực chất, đúng mục tiêu đề ra.
Theo yêu cầu của Trung ương, số lượng cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị hành chính cấp xã mới sau sắp xếp tối đa không vượt quá tổng số cán bộ, công chức có mặt tại các đơn vị hành chính cấp xã trước sắp xếp và số lượng cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện được bố trí xuống làm việc tại đơn vị hành chính cấp xã mới. Số lượng này sẽ giảm dần trong thời hạn 5 năm kể từ ngày nghị quyết về sắp xếp đối với từng đơn vị hành chính có hiệu lực thi hành.
So với các giai đoạn từ năm 2019 - 2021 và từ năm 2023 - 2025, việc sắp xếp các đơn vị hành chính hiện nay có nhiều thuận lợi hơn. Các Nghị định 178/2024/NĐ-CP và Nghị định 67/2025/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị có độ bao phủ đầy đủ các đối tượng, hỗ trợ tối đa những người ảnh hưởng do sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) đang được lấy ý kiến cũng đề xuất không còn có sự phân biệt giữa cán bộ, công chức cấp xã với các cấp còn lại. Điều này sẽ tạo thuận lợi trong việc điều động, luân chuyển cán bộ, công chức giữa các cấp; đồng thời cơ chế, chính sách với cán bộ, công chức cấp xã cũng sẽ được nâng lên so với hiện nay.
Lãnh đạo một số địa phương còn cho rằng để tạo thuận lợi hơn cho sắp xếp, tinh gọn bộ máy, Trung ương có thể nghiên cứu, xem xét mở rộng đối tượng được hỗ trợ theo Nghị định 178/2024/NĐ-CP và Nghị định 67/2025/NĐ-CP của Chính phủ đối với những cán bộ, công chức, viên chức còn trên 10 năm công tác với mức hỗ trợ phù hợp.
Theo đồng chí Nguyễn Thị Việt Nga, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, cùng với làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, tư tưởng để cán bộ, công chức đồng thuận, tự nguyện hy sinh quyền lợi chính trị và vật chất phục vụ cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức, bộ máy thì ở tầm vĩ mô, Trung ương và các địa phương cần có thêm những cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển lĩnh vực kinh tế tư nhân, trong đó có các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh gia đình về thủ tục hành chính, tín dụng, thuế… để góp phần thu hút lao động, tạo việc làm cho những người ở khu vực nhà nước nghỉ hưu, thôi việc khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy. “Từ trước đến nay các địa phương mới chỉ thu hút nhân tài, nhân lực trình độ cao về cấp tỉnh, cấp huyện mà chưa có cơ chế riêng thu hút về cấp xã. Khi yêu cầu đối với cán bộ, công chức cấp xã cao hơn thì tỉnh, thành phố cũng cần phải bổ sung những cơ chế, chính sách thu hút người có năng lực về cơ sở làm việc”, đồng chí Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị.
Theo tổng hợp của Sở Nội vụ tỉnh Hải Dương, hiện toàn tỉnh có 4.203 cán bộ, công chức cấp xã, trong đó có 2.192 cán bộ, 2.011 công chức. Về độ tuổi, có 675 cán bộ (chiếm 31%), 224 công chức (chiếm 11%) trên 55 tuổi. Về trình độ chuyên môn, 2.038 cán bộ (chiếm 93%), 1.909 công chức (chiếm 95%) có trình độ đại học hoặc sau đại học.