Lạm dụng đồ uống có đường dẫn đến nhiều hệ lụy lớn
Theo các chuyên gia y tế, tiêu thụ thường xuyên đồ uống có đường (ĐUCĐ) trong đó có nước giải khát (NGK) có đường được xác định là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều hệ lụy tới sức khỏe.
Điển hình là tình trạng thừa cân, béo phì và các rối loạn chuyển hóa cả ở người trưởng thành và trẻ em, làm gia tăng tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2, tăng huyết áp cũng như các biến chứng về bệnh tim mạch, đột quỵ, tử vong và các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, bệnh răng miệng...
Hệ lụy tới sức khỏe người tiêu dùng khi tiêu thụ quá mức ĐUCĐ
Ở Việt Nam, việc tiêu thụ ĐUCĐ đã tăng nhanh trong những năm gần đây. Theo số liệu của Euromonitor 2023, tổng tiêu thụ ĐUCĐ đã tăng nhanh từ 1,59 tỷ lít năm 2009 lên 6,67 tỷ lít năm 2023 (tăng 420%). Tiêu thụ tính trên đầu người cũng tăng nhanh tương ứng, từ mức 18 lít/người năm 2009, lên 66 lít/người năm 2023 (tăng 350%).
Theo Cục Y tế Dự phòng, trung bình một người Việt Nam tiêu thụ khoảng 46,5g đường tự do/ngày, gần bằng mức giới hạn tối đa (50g/ngày) theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và cao gần gấp đôi so với ngưỡng đường có lợi cho sức khỏe là < 25g/ngày (cho một người trưởng thành có khẩu phần 2000 Kcal/ngày).
Theo PGS.TS Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng cho hay, đồ uống có đường cũng là nguyên nhân của ít nhất 9 nhóm bệnh (nguy cơ thừa cân béo phì, tiểu đường tuýp 2, hội chứng rối loạn chuyển hóa, tim mạch, tiết niệu, tiêu hóa, ung thư đường tiêu hóa, sa sút trí tuệ…).
Tiêu thụ ĐUCĐ/NGK có đường gây ra những tác động nặng nề lên nền kinh tế, không chỉ ở cấp quốc gia mà còn ảnh hưởng đến nhiều nhóm đối tượng khác nhau.
Theo các nghiên cứu của WHO, tiêu thụ nhiều và thường xuyên ĐUCĐ/NGK có đường là một nguyên nhân gây thừa cân, béo phì. Đường dạng lỏng trong ĐUCĐ được dung nạp một cách nhanh chóng khiến cơ thể không kịp ghi nhận lượng calo vừa nạp vào và gửi tín hiệu no đến não bộ, vì vậy, cơ thể sẽ tiếp tục nạp năng lượng vào một cách không kiểm soát.
Đáng chú ý, ĐUCĐ/NGK có đường cũng khiến gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Nam giới uống 354ml đồ uống có đường/ngày có nguy cơ bị mạch vành hoặc tử vong do bệnh mạch vành > 20%. Nữ giới uống 708ml đồ uống có đường mỗi ngày có nguy cơ bị bệnh mạch vành hoặc tử vong do bệnh mạch vành cao hơn 40%.
Bên cạnh đó, việc tiêu thụ nhiều và thường xuyên ĐUCĐ/NGK có nguy cơ bị tăng huyết áp > 1,36 lần; gia tăng nguy cơ mắc bệnh gút ở cả nam và nữ. Cụ thể, phụ nữ uống một lon ĐUCĐ mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh gút > 75%. Nam giới uống 1 lon ĐUCĐ mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh gút > 1,45 lần, và uống >1 lon mỗi ngày có nguy cơ > 1,85 lần.
Cần thiết áp thuế tiêu thụ đặc biệt với ĐUCĐ
Bộ Tài chính đang chủ trì xây dựng dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) (sửa đổi) với việc điều chỉnh một số nội dung quan trọng. Trong đó, dự thảo có quy định: Nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN), có hàm lượng đường trên 5g/100ml được bổ sung vào đối tượng chịu thuế (tại khoản 1l, Điều 2) với mức thuế suất là 10% (tại Điều 8).
Tuy nhiên WHO lưu ý rằng thuế suất thuế TTĐB theo tỷ lệ 10% trên giá xuất xưởng theo đề xuất của Bộ Tài chính trong dự thảo Luật sẽ có tác động rất khiêm tốn đến giá bán lẻ của ĐUCĐ (khoảng 5%) và do đó tác dụng giảm mức tiêu thụ ĐUCĐ cũng là rất khiêm tốn.
Đặc biệt, việc áp dụng thành công thuế TTĐB với sản phẩm này sẽ là yếu tố quan trọng.
Nó cũng sẽ cung cấp một cơ chế để theo dõi mức tiêu thụ và để xây dựng các phương án thuế với ĐUCĐ hiệu quả hơn trong tương lai.
WHO khuyến nghị Bộ Tài chính xem xét đưa ra một lộ trình tăng thuế suất TTĐB đến năm 2030 là 40% giá xuất xưởng để giá bán lẻ các sản phẩm ĐUCĐ tăng thêm 20% (theo giá thực đã tính đến lạm phát) nhằm giảm khả năng chi trả đối với các sản phẩm này, và đảo ngược xu hướng gia tăng nhanh chóng mức tiêu thụ các sản phẩm ĐUCĐ hiện nay.
Tại Việt Nam, nghiên cứu được thực hiện bởi Đại học Y tế Công cộng đã chỉ ra nếu áp thuế với mức thuế suất để tăng giá bán lẻ lên 20% sẽ dẫn đến giảm tiêu dùng và giảm được 2,1% tỷ lệ thừa cân, 1,5% tỷ lệ béo phì, phòng tránh được 81,462 ca đái tháo đường tuýp 2 và tiết kiệm được 24,55 triệu đô la Mỹ chi phí y tế.
Đánh giá chính sách áp thuế tiêu thụ đặc biệt với ĐUCĐ, ThS.BS. Nguyễn Thị An, Giám đốc Tổ chức Nhịp cầu sức khỏe tại Việt Nam cho hay, tỉ lệ tiêu thụ nước ngọt bình quân đầu người ở Việt Nam đến năm 2020 đã lên đến gần 70 lít. Chứng tỏ, người Việt ngày càng “nghiện” nước ngọt.
Một số nhóm giải khát được tiêu thụ mạnh, tăng trưởng hơn nhiều so với những năm trước đó như nước có ga, nước tăng lực, nước uống thể thao, trà pha sẵn,... tỉ lệ thuận với đó là số lượng trẻ em thừa cân béo phì tại Việt Nam tăng cao hơn so với các nước trong khu vực.
Áp thuế cho ĐUCĐ được coi là biện pháp can thiệp rất hiệu quả. Đánh thuế ĐUCĐ sẽ làm tăng giá sản phẩm, giá tăng khiến người mua hạn chế tiêu thụ, từ đó giảm thừa cân béo phì và các bệnh liên quan khác. Như vậy sẽ giảm gánh nặng bệnh tật cho hệ thống y tế.
Nguồn thu có được từ thuế đối với ĐUCĐ/NGK có đường có thể được tái đầu tư vào các chương trình cải thiện sức khỏe cộng đồng như trợ cấp cho cơ sở hạ tầng, nước uống, hỗ trợ các bữa ăn lành mạnh tại trường học hoặc cung cấp quỹ tài chính cho các chiến dịch truyền thông sức khỏe. Đồng thời giúp tăng chi cho các hoạt động chăm sóc sức khỏe, các chương trình xã hội và thực hiện các đề án phục hồi kinh tế hậu Covid-19.