Làm dự án điện mặt trời trên đất nông nghiệp có bị xử phạt?
Theo phản ánh của ông Trần Văn Bình, hiện nay, tại một số tỉnh, các chủ đầu tư làm dự án điện mặt trời áp mái theo cụm 5 x 1 MW hoặc 10 x 1 MW trên các diện tích đất chưa được chuyển đổi (đất trồng cây lâu năm, hằng năm) hoặc đất đã được quy hoạch để xây dựng trụ sở ủy ban…
Theo ông Bình hiểu, các công trình xây dựng trên đất như vậy là để hưởng chính sách giá điện theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg, đến ngày 31/12/2020 các dự án đóng điện sẽ được hưởng giá FIT 8.38 cent.
Ông Bình hỏi, nếu kiểm tra, xác định các công trình đang tồn tại trên đất chưa chuyển đổi trước ngày 31/12/2020 mà vẫn được ghi nhận sản lượng và trả tiền bán điện thì có đúng không?
Về vấn đề này, Bộ Công Thương có ý kiến như sau:
Theo tài liệu, báo cáo của các tổ chức, cá nhân liên quan, nhận thấy đối với phát triển dự án/hệ thống điện mặt trời mái nhà trên đất nông nghiệp thường có hai chủ thể gồm chủ trang trại và chủ dự án/hệ thống điện mặt trời mái nhà.
Theo đó, việc các tổ chức cá nhân có hành vi vi phạm về đất đai sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về đất đai. Đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm về điện lực sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về điện lực.
Trách nhiệm của chủ đầu tư dự án/hệ thống điện mặt trời mái nhà trong lĩnh vực điện lực được quy định tại Luật Điện lực, các Nghị định cùa Chính phủ hướng dẫn Luật Điện lực, Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 cùa Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 18/2020/TT-BCT ngày 17/7/2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương.
Việc xử lý vi phạm cần căn cứ theo quy định của pháp luật về: trình tự, thẩm quyền, hành vi, thời hiệu, thời hạn vi phạm…
Theo đó, cơ quan có thẩm quyền được giao nhiệm vụ kiểm tra chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả kiểm tra.