Lâm Đồng về đích 100% số xã thoát khỏi vùng đặc biệt khó khăn vào năm 2025

Tỉnh Lâm Đồng vừa tổ chức đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024. Căn cứ kết quả hiện tại, UBND tỉnh dự kiến đến cuối năm 2025 có 100% số xã và 50% thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số thoát khỏi vùng đặc biệt khó khăn, đạt mục tiêu đề ra.

Theo đánh giá của UBND tỉnh Lâm Đồng, đến cuối năm 2023, tỷ lệ nghèo đa chiều của đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 14,22% xuống còn 8,75%; dự kiến đến cuối năm 2024, tỷ lệ này chỉ còn khoảng 2,5%. Đáng chú ý trong năm 2023, thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã đạt gần 45 triệu đồng; dự kiến đến cuối năm 2024 đạt gần 50 triệu đồng (tăng gần 2 lần so với năm 2020).

Hiện, toàn bộ các xã và 95% thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn đã có đường ô-tô đến trung tâm được rải nhựa hoặc bê-tông hóa; 99,8% hộ dân đã được sử dụng điện lưới quốc gia; 98,6% đồng bào dân tộc thiểu số được xem truyền hình. Tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế đạt 92,8%, phấn đấu đến cuối năm 2025 đạt 95%...

Năm 2024, Lâm Đồng phân bổ 268,528 tỷ đồng để triển khai 10 dự án thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia. Trong đó, một số dự án có kết quả giải ngân khá như: Dự án Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt (dự kiến hết năm 2024 sẽ giải ngân 100% vốn đầu tư và 51% vốn sự nghiệp); Dự án Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết (dự kiến hết năm 2024 sẽ giải ngân 100% vốn đầu tư); Dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (hiện đã giải ngân 70%, dự kiến hết năm 2024 giải ngân 100% vốn đầu tư)…

Theo Quyết định số 461/QĐ-TTr, ngày 4-6-2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách 3.434 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn 51 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương của cả nước. Trong đó, có 1.673 xã khu vực I; 210 xã khu vực II và 1.551 xã khu vực III là xã đặc biệt khó khăn. Riêng tỉnh Lâm Đồng có 77 xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi phân định theo trình độ phát triển giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, có 4 xã khu vực đặc biệt khó khăn là: Đạ Long, Đạ Tông, Đạ MRông và Liêng Srônh (thuộc huyện Đam Rông); 1 xã khu vực II là Đưng KNớ (thuộc huyện Lạc Dương). Địa phương có 72 xã khu vực I thuộc 11/12 huyện, thành phố của tỉnh Lâm Đồng. Di Linh là huyện có số xã khu vực I nhiều nhất gồm 18 xã và thị trấn Di Linh. Riêng thành phố Bảo Lộc không có xã nằm trong danh sách này.

Chu Quốc Hùng

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/lam-dong-ve-dich-100-so-xa-thoat-khoi-vung-dac-biet-kho-khan-vao-nam-2025-post305365.html
Zalo