Lâm Đồng: UBND phường 10 hiểu sai Luật Xây dựng, đưa bờ kè xây trái phép vào hạng mục công trình cấp bách
Một hộ dân tại phường 10, TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) xây bờ kè trái phép và ngang nhiên lấn chiếm đất của người khác. Tuy nhiên cách giải quyết khiếu nại của UBND phường khiến người có đất bị xây lấn chiếm bức xúc, gửi đơn đến các cơ quan có thẩm quyền.
UBND phường “lơ” chỉ đạo của UBND TP?
Đầu tháng 9/2024, bà N.T.H.T (trú tại phường 10, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) có đơn gửi các cơ quan báo chí với nội dung phản ánh về việc đất đai của gia đình bà bị lấn chiếm xây dựng công trình trái phép nhưng không được chính quyền địa phương xử lý dứt điểm, gây thiệt hại kinh tế nặng nề.
Trong đơn, bà T. cho biết bản thân là chủ các lô đất thửa 747, 748 thuộc tờ bản đồ số 7, hẻm Khe Sanh, phường 10, TP Đà Lạt. Các thửa đất này đều đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trước giờ sử dụng ổn định, không có tranh chấp. Phần đất của bà giáp ranh với thửa 438, tờ bản đồ số 7 của bà Trịnh Thị Liên, địa chỉ tại hẻm đường Khe Sanh, phường 10, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
Tháng 4/2024, bà T. phát hiện bà Trịnh Thị Liên cho người xây dựng kè taluy với kết cấu móng, trụ bê tông cốt thép và vách đất trên các thửa đất 747, 748 của gia đình. Bờ kè này có kích thước rộng 1m, dài 16m, cao trung bình 1,2m. Ngày 8/5/2024, bà T. đã làm đơn gửi UBND phường 10 và UBND TP Đà Lạt đề nghị xem xét, xử lý hành vi lấn chiếm đất, xây dựng công trình trái phép của bà Trịnh Thị Liên.
Trước đó, ngày 29/3/2024, ông Đặng Duy Quân - Phó Chủ tịch UBND phường 10 ký văn bản trả lời đơn thư về việc xin xây dựng kè taluy gia cố chân móng của bà Trịnh Thị Liên. Tại văn bản này, ông Quân đã khẳng định đề nghị của gia đình bà Liên là không có cơ sở xem xét. Tuy nhiên sau đó phường 10 vẫn để xảy ra tình trạng bà Liên cho người đưa máy móc chở vật liệu vào xây dựng taluy trên đất của gia đình bà T. Đến khi gia đình bà T. có đơn kiến nghị thì UBND phường 10 mới cử cán bộ xuống kiểm tra thì sự việc “đã rồi”. Sau đó trong nhiều tháng, gia đình bà T. liên tục có đơn thư và chờ đợi nhưng chính quyền cấp phường vẫn không có động thái xử lý dứt điểm.
Ngày 15/5/2024, ông Võ Ngọc Trình - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt đã có văn bản chỉ đạo UBND phường 10 xác minh, báo cáo UBND TP về sự việc lấn chiếm đất, xây dựng công trình trái phép theo đơn của bà T. trước ngày 30/5/2024. Tuy nhiên, đến tận ngày 28/8/2024, UBND phường 10 mới cử cán bộ tới hiện trường lập biên bản vi phạm hành chính hành vi xây dựng không giấy phép của bà Trịnh Thị Liên và có báo cáo gửi UBND TP Đà Lạt về việc này. Điều này thể hiện UBND phường 10 đã chậm trễ trong việc giải quyết công việc theo chỉ đạo của lãnh đạo UBND TP Đà Lạt đến gần 3 tháng.
Việc UBND chậm trễ trong giải quyết, khiếu nại cũng gây thiệt hại cho người dân. Bà T. cho biết, 2 thửa đất của gia đình bà đang thế chấp tại 2 ngân hàng với tổng giá trị là gần 13 tỷ đồng. Gia đình bà rất muốn bán để trả nợ nhưng vướng công trình xây dựng trái phép trên đất nên không thể bán được. Vụ việc xảy ra đã hơn 6 tháng mà chưa được giải quyết dứt điểm khiến hàng tháng gia đình bà T. vẫn phải trả lãi ngân hàng. Tổng số tiền lãi trong 6 tháng đã là hơn 300 triệu đồng.
Bà T. cũng cho biết thêm là khi biết UBND TP Đà Lạt giao cho UBND phường 10 xử lý sự việc trước ngày 30/5/2024 nên giữa tháng 5, gia đình bà đã nhận tiền đặt cọc chuyển nhượng thửa đất số 747 với số tiền 500 triệu đồng và hạn công chứng chuyển nhượng vào giữa tháng 6. Khi chính quyền địa phương không giải quyết dứt điểm, không công chứng chuyển nhượng được, gia đình bà đã phải đền số tiền đặt cọc này, và phải bồi thường tiền hợp đồng làm thiệt hại lớn đến tài chính của gia đình “khó càng thêm khó”.
Ngày 17/9, khi phóng viên thực tế khảo sát tại khu đất cho thấy, đoạn kè khoảng 16m nêu trên vẫn đang nằm trên phần đất của bà T. Chính quyền địa phương vẫn chưa xử lý dứt điểm dù trước đó đã kiểm tra, lập biên bản xác nhận bà Trịnh Thị Liên có hành vi xây dựng công trình trái phép trên đất lấn chiếm của người khác.
UBND phường dẫn Luật không đúng?
Trong báo cáo do ông Tôn Thất Thanh Vũ - Chủ tịch UBND phường 10 ký và gửi UBND TP Đà Lạt ngày 29/8/2024 chỉ đề cập đến nguyện vọng của gia đình bà Trịnh Thị Liên, không nêu các ý kiến của gia đình bà T. vốn đang bức xúc vì đất bị lấn chiếm xây công trình trái phép và chưa được giải quyết dứt điểm.
Tại báo cáo do ông Vũ ký có viện dẫn Điều 130 Luật Xây dựng 2014 (được sửa đổi bởi Khoản 48 Điều 1 Luật Xây dựng 2020) quy định về các công trình xây dựng khẩn cấp. Theo nội dung này, UBND 10 nhận định công trình kè taluy do bà T.T.L. xây dựng (trên đất của gia đình bà T.) là công trình thuộc diện cấp bách. Theo Luật sư Lê Văn Anh - Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng thì quy định pháp luật về “công trình cấp bách” được quy định trong pháp luật rất cụ thể. Theo Khoản 1 Điều 130 Luật Xây dựng 2014, được sửa đổi bởi khoản 48 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020 quy định về các công trình xây dựng khẩn cấp, cụ thể gồm:
(1) Công trình được xây dựng mới hoặc sửa chữa, cải tạo nhằm kịp thời phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, các nhiệm vụ cấp bách để bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại theo quyết định của cấp có thẩm quyền;
(2) Công trình được xây dựng mới hoặc sửa chữa, cải tạo phải thực hiện nhanh để kịp thời đáp ứng yêu cầu giải quyết các vấn đề bức thiết về bảo đảm an ninh năng lượng, nguồn nước, ứng phó sự cố môi trường, phát triển hệ thống công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Cùng với đó, Luật này cũng quy định rõ thẩm quyền quyết định xây dựng công trình khẩn cấp đối với từng loại công trình.
Từ viện dẫn quy định Luật Xây dựng, Luật sư Lê Văn Anh cho rằng việc bà Liên xây dựng kè như nêu trên không thuộc công trình khẩn cấp và chưa được người có thẩm quyền quyết định, cho phép đối với công trình xây taluy của bà Liên là thủ tục mượn giấy phép xây dựng nên cần phải có giấy phép của cấp thẩm quyền cho phép.
Cũng tại báo cáo này, UBND phường 10 đề cập đến “nguyện vọng” của bà Trịnh Thị Liên, là muốn gia đình bà T. phải hoàn trả tiền công xây dựng kè trái phép nêu trên, và bà Trịnh Thị Liên sẽ bàn giao công trình cho bà T. sử dụng. Đề cập về yêu cầu của gia đình bà Trịnh Thị Liên được UBND phường 10 nêu trong báo cáo, gia đình bà T. bức xúc cho biết sẽ tiếp tục gửi đơn đến các cơ quan chức năng, yêu cầu tháo dỡ dứt điểm công trình xây dựng trên đất lấn chiếm của gia đình mình.
“Gia đình tôi thấy vô lý vì người xây dựng công trình trái phép trên đất của gia đình tôi lại yêu cầu phải đền bù tiền xây dựng mới trả lại đất. Nếu người vi phạm không tự nguyện tháo dỡ thì yêu cầu chính quyền địa phương có phương án cưỡng chế, trả lại phần đất bị lấn chiếm cho gia đình tôi. Chúng tôi rất mong muốn sự giải quyết thấu tình đạt lý của các cấp chính quyền TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng để đem lại sự công bằng và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân theo quy định của pháp luật”, bà T. bức xúc trình bày trong đơn.
Ngày 17/9, phóng viên đã liên hệ trực tiếp với đại diện UBND TP Đà Lạt để trao đổi về nội dung vụ việc. Ông Nguyễn Đức Dũng, Chánh VP HĐND - UBND TP Đà Lạt cho biết TP Đà Lạt đã nhận được báo cáo của phường 10 và sẽ giao lại cho các phòng chuyên môn (gồm phòng Quản lý đô thị và phòng Tài nguyên Môi trường) xem xét, xử lý. Đại diện phòng Quản lý đô thị TP Đà Lạt cũng cho biết, sẽ có kết luận về sự việc trước ngày 27/9/2024.