Lâm Đồng: Trên 11 ngàn đại biểu tham dự Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 11

Sáng 16/4, tại Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Tổng Bí thư Tô Lâm dự và chỉ đạo hội nghị

Tổng Bí thư Tô Lâm dự và chỉ đạo hội nghị

Tổng Bí thư Tô Lâm dự và chỉ đạo hội nghị. Cùng dự có Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương.

Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến đến hơn 21 ngàn điểm cầu các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương; các ban, bộ, ngành, đơn vị sự nghiệp Trung ương và điểm cầu cấp huyện, cấp xã trên cả nước với sự tham dự của hơn 1,5 triệu đại biểu. Hội nghị còn được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam và phát thanh trực tiếp trên kênh thời sự Đài Tiếng nói Việt Nam để cán bộ, đảng viên và Nhân dân cả nước cùng theo dõi.

Đồng chí Nguyễn Thái Học - Quyền Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Phạm Thị Phúc - Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu Hội trường Tỉnh ủy

Đồng chí Nguyễn Thái Học - Quyền Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Phạm Thị Phúc - Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu Hội trường Tỉnh ủy

Tại điểm cầu tỉnh Lâm Đồng có sự tham dự của các đồng chí: Nguyễn Thái Học - Quyền Bí thư Tỉnh ủy; Phạm Thị Phúc - Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Hồng Thái - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Bùi Thắng - Phó Bí thư Tỉnh ủy.

Đồng chí Trần Hồng Thái - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy dự hội nghị tại điểm cầu Hội trường Tỉnh ủy

Đồng chí Trần Hồng Thái - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy dự hội nghị tại điểm cầu Hội trường Tỉnh ủy

Cùng tham dự có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; các đồng chí nguyên lãnh đạo Trung ương, các đồng chí nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nghỉ hưu trên địa bàn thành phố Đà Lạt; lãnh đạo các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; Trưởng các Ban của HĐND tỉnh; các cơ quan của Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh…

Đồng chí Bùi Thắng - Phó Bí thư Tỉnh ủy cùng các đồng chí nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy dự hội nghị tại điểm cầu Hội trường Tỉnh ủy

Đồng chí Bùi Thắng - Phó Bí thư Tỉnh ủy cùng các đồng chí nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy dự hội nghị tại điểm cầu Hội trường Tỉnh ủy

Hội nghị còn được kết nối đến 158 điểm cầu gồm: Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Hội trường 300 chỗ và 500 chỗ Trung tâm Hành chính tỉnh; các huyện, thành phố; các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh với sự tham dự của trên 11 ngàn đại biểu. Đặc biệt một số đơn vị tổ chức nhiều điểm cầu như Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh 7 điểm cầu, có cả điểm cầu tại các đơn vị ở xa, đóng quân độc lập.

QUÁN TRIỆT NỘI DUNG CỐT LÕI, ĐIỂM MỚI, TRỌNG TÂM CỦA VĂN KIỆN HỘI NGHỊ TRUNG ƯƠNG 11

Theo Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, hội nghị nhằm quán triệt các nội dung cốt lõi, điểm mới, trọng tâm của văn kiện Hội nghị Trung ương 11. Trên cơ sở đó, các cấp ủy, tổ chức đảng, các ban, bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện nội dung văn kiện Hội nghị Trung ương 11 ở địa phương, cơ quan, đơn vị. Qua đó nhằm triển khai nhanh, hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 11, tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong các tầng lớp Nhân dân.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã truyền đạt chuyên đề 1 tại hội nghị

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã truyền đạt chuyên đề 1 tại hội nghị

Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã truyền đạt chuyên đề 1 “Về các dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng: Những điểm mới trong Tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam; Những điểm mới trong dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng trình Đại hội XIV của Đảng; Những điểm mới trong dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIV của Đảng; Những điểm mới trong dự thảo báo cáo 5 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế, xã hội 10 năm 2021 - 2030; phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội 5 năm 2026 - 2030”.

Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy dự hội nghị tại điểm cầu Hội trường Tỉnh ủy

Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy dự hội nghị tại điểm cầu Hội trường Tỉnh ủy

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết: Việc chuẩn bị các văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng đã được Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện từ năm 2023 và được đưa ra xin ý kiến tại Hội nghị Trung ương 10 (tháng 9/2024). Trong thời gian gần đây, bối cảnh tình hình thế giới biến động nhanh, phức tạp, nhiều vấn đề mới phát sinh; ở trong nước, Đảng ta đã ban hành và lãnh đạo thực hiện nhiều chủ trương, quyết sách mới, quan trọng, mang tính lịch sử. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, Bộ Chính trị đã giao các Tiểu ban của Đại hội XIV bổ sung, cập nhật, hoàn thiện dự thảo các văn kiện với các quan điểm, mục tiêu mới và các giải pháp, nhiệm vụ mang tính đột phá, mạnh mẽ hơn nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Lãnh đạo các sở, ngành dự hội nghị tại điểm cầu Hội trường Tỉnh ủy

Lãnh đạo các sở, ngành dự hội nghị tại điểm cầu Hội trường Tỉnh ủy

Tại Hội nghị lần thứ 11 vừa qua, Trung ương đã dành nhiều thời gian thảo luận và đã có 538 lượt ý kiến để hoàn thiện dự thảo các văn kiện. Trong đó có nhiều điểm mới, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng cần tập trung quán triệt tại hội nghị này để các cấp ủy đảng, chính quyền tập trung chuẩn bị triển khai ngay từ thời điểm hiện nay; đồng thời góp phần định hướng cho việc xây dựng văn kiện đại hội đảng các cấp.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn truyền đạt chuyên đề 2 tại hội nghị

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn truyền đạt chuyên đề 2 tại hội nghị

Tiếp đó, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn truyền đạt chuyên đề 2 về “Sửa đổi hiến pháp và pháp luật; Phương hướng bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031”.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Hội trường Tỉnh ủy

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Hội trường Tỉnh ủy

Thực hiện Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, trong đó có việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập cấp xã và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; sắp xếp các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ vào MTTQ Việt Nam… mở ra cục diện mới phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới với tầm nhìn lâu dài.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Bộ CHQS tỉnh

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Bộ CHQS tỉnh

Để đáp ứng yêu cầu nói trên, phạm vi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này tập trung vào 2 nhóm nội dung: Một là, các quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội (tập trung ở Điều 9,10), để đáp ứng yêu cầu sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nêu cao vai trò, trách nhiệm, tính chủ động của MTTQ Việt Nam, vai trò tập hợp các giai cấp, tầng lớp, hướng mạnh về địa bàn dân cư, gần dân, sát dân, đến từng hộ gia đình; Hai là, các quy định tại chương 9 của Hiến pháp năm 2013 để thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Đặc biệt coi trọng việc lấy ý kiến Nhân dân đối với việc sửa đổi Hiến pháp (việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư theo Luật dân chủ ở cơ sở).

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Công an tỉnh

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Công an tỉnh

Theo đó, sẽ sửa những nội dung liên quan trong các Luật như: Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật Cán bộ, công chức, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các luật về tố tụng, Luật Xử lý vi phạm hành chính…liên quan trực tiếp đến tổ chức bộ máy, quyền, lợi ích cơ bản của người dân, tổ chức, doanh nghiệp, thẩm quyền của địa phương và tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội thuộc các lĩnh vực về ngân sách, đầu tư, quy hoạch.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Trung tâm hành chính tỉnh

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Trung tâm hành chính tỉnh

Việc sửa đổi Hiến pháp và các luật, nghị quyết có liên quan phải được hoàn thành trước ngày 30/6/2025 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025. Trong đó, quy định điều khoản chuyển tiếp để hoàn thành việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy và các đơn vị hành chính cấp xã chính thức đi vào hoạt động chậm nhất là trước ngày 15/8/2025, các đơn vị hành chính cấp tỉnh chính thức đi vào hoạt động chậm nhất là trước ngày 15/9/2025.

Lãnh đạo TP Bảo Lộc dự hội nghị tại điểm cầu Thành ủy Bảo Lộc. Ảnh: Nguyễn Hoàn

Lãnh đạo TP Bảo Lộc dự hội nghị tại điểm cầu Thành ủy Bảo Lộc. Ảnh: Nguyễn Hoàn

Về phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 16 và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031, dự kiến bầu cử sớm hơn so với kỳ bầu cử trước để tạo sự đồng bộ với cấp ủy các cấp, kịp thời triển khai nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 14. Dự kiến Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 16 và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031 là ngày Chủ nhật 15/3/2026 và ngày 6/4/2026 họp phiên họp thứ nhất của Quốc hội.Vì vậy các cơ quan, đơn vị, địa phương phải chủ động chuẩn bị từ sớm, từ xa, ngay từ bây giờ.

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng truyền đạt chuyên đề 3 tại hội nghị

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng truyền đạt chuyên đề 3 tại hội nghị

Cũng tại hội nghị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng truyền đạt chuyên đề 3 “Về tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; sửa đổi bổ sung các quy định thi hành Điều lệ Đảng; Chỉ thị số 45-CT/TW, ngày 14/4/2025 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng”. Kế hoạch triển khai thực hiện.

Theo đó, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập cấp xã và xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp; sắp xếp các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ vào Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; sắp xếp, tinh gọn bộ máy Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân; xây dựng hệ thống tổ chức đảng ở địa phương.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Huyện ủy Lạc Dương

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Huyện ủy Lạc Dương

Số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố (28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương). Sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã bảo đảm cả nước giảm khoảng 60 - 70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã so với hiện nay.

Sửa đổi, bổ sung Quy định số 232-QĐ/TW, ngày 20/01/2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về thi hành Điều lệ Đảng; Quy định số 22-QĐ/TW, ngày 28/7/2021 và Quy định số 262-QĐ/TW, ngày 03/02/2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng.

Chỉ thị số 45-CT/TW, ngày 14/4/2025 của Bộ Chính trị thay thế Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 14/6/2024 về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; Kết luận số 118-KL/TW, ngày 18/01/2025 của Bộ Chính trị về việc điều chỉnh, bổ sung một số nội dung Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 14/6/2024.

Hội nghị được kết nối đến điểm cầu các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh

Hội nghị được kết nối đến điểm cầu các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh

TẠO SỰ THỐNG NHẤT, ĐỒNG THUẬN, SỚM ĐƯA NGHỊ QUYẾT ĐI VÀO CUỘC SỐNG

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: Đây là hội nghị có tầm quan trọng nhằm quán triệt sâu rộng các nội dung cốt lõi để triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 11, được đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân theo dõi và mong muốn sớm được triển khai. Bởi Hội nghị Trung ương 11 (khóa XIII) là hội nghị có tính lịch sử, quyết sách những vấn đề quan trọng trong giai đoạn cách mạng mới của Việt Nam.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Hội trường Tỉnh ủy

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Hội trường Tỉnh ủy

Hội nghị Trung ương 11 (khóa XIII) họp từ ngày 10/4 - 12/4/2025 tại Thủ đô Hà Nội. Hội nghị đã thảo luận, cho ý kiến về 2 nhóm vấn đề, đó là: Nhóm vấn đề tiếp tục sắp xếp, tinh gọn các cơ quan hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; Nhóm vấn đề công tác chuẩn bị Đại hội XIV và bầu cử Quốc hội khóa XVI, bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031.

Ngày 12/4/2025, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 60-NQ/TW Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII.

Trước yêu cầu cùng lúc phải triển khai khối lượng công việc lớn, phạm vi rộng, thời gian ngắn, nhiều việc chưa có tiền lệ, Tổng Bí thư đề nghị các cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu các cấp phải sâu sát, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể để triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 11.

Trong đó, Tổng Bí thư nhấn mạnh 3 yêu cầu và 4 lưu ý để thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Trước hết cần xác định quyết tâm chính trị cao nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 11; xác định đây là một cuộc cách mạng về sắp xếp tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính và cải cách, đổi mới để phát triển đất nước. Các cấp ủy, tổ chức Đảng và người đứng đầu các cấp phải sâu sát, quyết liệt trong chỉ đạo, quán triệt cho đội ngũ cán bộ, đảng viên nhận thức đầy đủ, sâu sắc tầm quan trọng đặc biệt của chủ trương này, tạo được sự thống nhất trong nhận thức, tư tưởng trong toàn đảng và lan tỏa ra toàn xã hội, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, định hướng mà Trung ương đã đề ra.

Triển khai các công việc trên tinh thần "vừa chạy vừa xếp hàng", nhưng phải thận trọng, chắc chắn, bài bản, không nóng vội, chủ quan; có thứ tự ưu tiên, làm việc nào chắc việc đó, làm việc này phải tính đến việc khác có liên quan và phải thực hiện đúng các quy trình thủ tục theo quy định, không làm tắt, làm ẩu, làm qua loa đại khái bất cứ công việc nào. Cần có sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng từ trung ương đến địa phương, giữa các địa phương với nhau. Quá trình triển khai cần tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân.

Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Các quy trình thủ tục lấy ý kiến nhân dân phải được thực hiện đúng quy định, nhất là những nội dung liên quan đến sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, sáp nhập các tỉnh, sáp nhập các xã...

4 vấn đề lưu ý, Tổng Bí thư nhấn mạnh: thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy là chủ trương xuất phát từ tầm nhìn chiến lược, chủ trương lâu dài. Thứ nhất, tinh gọn bộ máy nhằm điều chỉnh, hình thành và mở rộng không gian phát triển kinh tế - văn hóa, xã hội; cũng là cơ hội để sắp xếp, xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Thứ hai, chính quyền địa phương sau khi sắp xếp sẽ tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát dân, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy khoa học công nghệ, chuyển đổi số, chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, chủ động hướng về Nhân dân để phục vụ tốt hơn; sau khi sắp xếp, sáp nhập, bộ máy mới sẽ tốt hơn bộ máy cũ, hướng đến hoạt động đồng bộ, thống nhất, thông suốt, hiệu quả. Bố trí cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo ổn định, công tâm, khách quan, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ khi sắp xếp tinh gọn bộ máy, bố trí đúng người, đúng việc.

Thứ ba, về Đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, bên cạnh công tác nhân sự cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, chuẩn bị chu đáo văn kiện đại hội đảng các cấp. C ần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức Đại hội bảo đảm chặt chẽ, bài bản theo đúng tinh thần Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị, nhất là những địa phương mới sáp nhập, hợp nhất.

Thứ tư, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 11 với quyết tâm cao nhất để hoàn thành các mục tiêu đã đề ra, nhất là trong thời điểm đất nước đang hướng đến những ngày kỷ niệm lớn, khơi dậy khí thế hào hùng hướng tới kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), chuẩn bị nền tảng vững chắc tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm và triển khai công tác tuyên truyền kết quả Hội nghị Trung ương 11

Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm và triển khai công tác tuyên truyền kết quả Hội nghị Trung ương 11

Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm; đồng thời triển khai công tác tuyên truyền kết quả Hội nghị Trung ương 11. Đồng chí nhấn mạnh: Cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền, quán triệt sâu rộng Nghị quyết Hội nghị Trung ương 11 đến toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân, góp phần tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động, nhanh chóng đưa nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng đi vào cuộc sống.

TUẤN HƯƠNG

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/chinh-tri/202504/lam-dong-tren-11-ngan-dai-bieu-tham-du-hoi-nghi-toan-quoc-quan-triet-trien-khai-thuc-hien-nghi-quyet-hoi-nghi-trung-uong-11-b147628/
Zalo