Lâm Đồng thực hiện nhiều giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ nữ, cán bộ trẻ

Lâm Đồng đã và đang tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ nữ, đào tạo bồi dưỡng cán bộ trẻ, tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo của địa phương.

 Ngày 26/8/2024, Tỉnh Lâm Đồng thực hiện điều động, bổ nhiệm 11 cán bộ chủ chốt. Ảnh: M.V

Ngày 26/8/2024, Tỉnh Lâm Đồng thực hiện điều động, bổ nhiệm 11 cán bộ chủ chốt. Ảnh: M.V

Tăng cường vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong tình hình mới

Trong những năm gần đây, công tác cán bộ nữ trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả khả quan, cán bộ nữ ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu và nhiệm vụ trong tình hình mới. Nhằm tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách (giai đoạn 2021-2030), trên cơ sở hướng dẫn của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành các kế hoạch, văn bản để tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và vai trò, vị trí, tiềm năng của phụ nữ trong thời kỳ mới. Các văn bản này được phổ biến rộng rãi đến cán bộ, công chức, viên chức các cấp; qua đó giúp nhận thức đầy đủ về trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, người đứng đầu trong việc tiếp tục thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới và công tác cán bộ nữ.

Toàn tỉnh Lâm Đồng có 104/155 đơn vị có cán bộ chủ chốt là nữ (chiếm tỷ lệ 67,1%); có 2.774 cán bộ nữ/10.558 cán bộ lãnh đạo quản lý (chiếm tỷ lệ 26,2%), đảm bảo tỷ lệ cán bộ nữ trong quy hoạch từ 25% trở lên theo quy định của Đảng; tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức nữ trong diện quy hoạch các chức danh quản lý, lãnh đạo các cấp được đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực đạt tỷ lệ 82%; tỷ lệ nữ đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo chính quyền là 303 nữ/1.515 người (chiếm tỷ lệ 20%); tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy các cấp là 847 nữ/4.130 (chiếm tỷ lệ 20,51%); tỷ lệ nữ tham gia đại biểu Quốc hội là 1 (chiếm 14,29%); tỷ lệ nữ tham gia Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 là 1.030 đại biểy (chiếm tỷ lệ 27,79%)...

Trên thực tế, số lượng cán bộ nữ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đưa vào quy hoạch ngày càng tăng, phần lớn cán bộ nữ quy hoạch đều được đào tạo đạt chuẩn về chuyên môn, lý luận chính trị, có phẩm chất đạo đức và năng lực công tác. Công tác quy hoạch cán bộ nữ được thực hiện theo đúng quy trình, quy định, đảm bảo tỷ lệ cán bộ nữ vào nguồn quy hoạch cấp ủy các cấp. Việc tổ chức rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch đội ngũ cán bộ nữ lãnh đạo được thực hiện thường xuyên và định kỳ, tăng tỷ lệ cán bộ nữ ở các cấp, cán bộ nữ là người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí đề bạt cán bộ nữ có chuyển biến tích cực; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ theo tiêu chuẩn, chức danh, yêu cầu công việc được mở rộng về quy mô; đa dạng về hình thức như: Đào tạo, bồi dưỡng qua thực tiễn, hướng dẫn kèm cặp, đào tạo trực tuyến, cung cấp các kiến thức nghiệp vụ, kỹ năng bổ trợ cho cán bộ nữ, chú trọng về chất lượng và đạt được nhiều kết quả. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý nữ ngày càng trưởng thành cả về số lượng lẫn chất lượng.

Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh Lâm Đồng triển khai nhiệm vụ năm 2024

Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh Lâm Đồng triển khai nhiệm vụ năm 2024

Theo thống kê, tính đến cuối tháng 12/2023, tổng số cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh Lâm Đồng là 29.631 người (nữ là 17.977 người, chiếm tỷ lệ 60,67%). Trong đó, cán bộ, công chức cấp tỉnh là 1.116 người (nữ là 305 người, chiếm tỷ lệ 27%); cán bộ, công chức cấp huyện là 1.097 người (nữ là 428 người, chiếm tỷ lệ 39,02%); viên chức là 24.566 người (nữ là 16.272 người, chiếm tỷ lệ 66,24%); cán bộ, công chức cấp xã là 2.838 (nữ là 972 người, chiếm tỷ lệ 34,25%).

Bên cạnh đó, công tác phát triển đảng viên nữ cũng được chú trọng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo cho các thành ủy, huyện ủy và đảng ủy trực thuộc tiến hành điều tra, khảo sát, xây dựng và triển khai thực hiện công tác phát triển đảng viên nữ, nhất là ở các chi bộ, đảng bộ cơ sở tạo nguồn phát triển đảng viên nữ, đặc biệt quan tâm các địa phương vùng khó khăn, vùng đồng bào tôn giáo, DTTS. Trong vòng 5 năm (2018-2023), toàn tỉnh phát triển mới trên 1.000 đảng viên nữ.

Để tăng tỷ lệ cán bộ nữ nói chung, cán bộ nữ DTTS giữ các chức danh lãnh đạo chủ chốt trong các cơ quan Đảng, Nhà nước trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo tiếp tục chỉ đạo cấp ủy Đảng, các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã quan tâm tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển toàn diện, thực hiện hiệu quả công tác cán bộ nữ nói chung, cán bộ nữ DTTS tạo nguồn cán bộ nữ chất lượng cao (đặc biệt trong khâu tuyển dụng công chức, viên chức (đưa chỉ tiêu riêng để tuyển dụng là người DTTS); bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giữa nam và nữ trong các khâu công tác cán bộ, nhất là quy hoạch, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm... Đồng thời, tiếp tục quan tâm công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên nữ. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị cho cán bộ làm công tác Hội Phụ nữ các cấp, nhất là cấp cơ sở để có đủ kiến thức, kỹ năng vận dụng vào thực tiễn...

Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ người DTTS

Đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ, tỉnh Lâm Đồng đã triển khai một số chính sách tạo điều kiện để thế hệ trẻ được tham gia vào các hoạt động xã hội, đóng góp tích cực vào sự phát triển của địa phương. Các chương trình, dự án như "600 Phó Chủ tịch xã", "Tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng trí thức trẻ là người dân tộc gốc Tây Nguyên" không chỉ tạo cơ hội cho các bạn trẻ được cống hiến mà còn góp phần giải quyết vấn đề thiếu hụt cán bộ ở các địa bàn khó khăn.

Việc quan tâm đào tạo và bồi dưỡng cán bộ trẻ tại tỉnh Lâm Đồng đã nhận được sự chú ý đặc biệt. Các lớp học về lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ được tổ chức thường xuyên, trong đó dành ưu tiên đặc biệt cho việc đào tạo cán bộ trẻ. Điều này giúp đội ngũ cán bộ trẻ không chỉ có kiến thức chuyên sâu mà còn được trang bị kỹ năng mềm cần thiết để đáp ứng yêu cầu công việc. Hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở quan tâm thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhất là xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ có phẩm chất đạo đức, uy tín, năng lực nhằm khắc phục tình trạng thiếu hụt, thiếu cán bộ trẻ.

Để kế thừa và phát huy năng lực của đội ngũ cán bộ kế cận, tỉnh Lâm Đồng rất chú trọng đến việc phát hiện và theo dõi quá trình phát triển của các tài năng trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên xuất sắc và cá nhân nổi bật trong các phong trào thanh niên. Vệc tạo điều kiện thuận lợi để phát huy tài năng trẻ tham gia phát triển địa phương và đất nước đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm. Chính sách sử dụng và đãi ngộ hợp lý hướng tới thu hút tài năng trẻ, cũng như bố trí cán bộ trẻ có tài năng đảm nhiệm các vị trí chủ chốt, được xem là một phần quan trọng của công tác cán bộ của Đảng.

Liên đoàn Lao động tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội thảo “Nâng cao chất lượng hoạt động công tác nữ công trong tình hình mới”. Ảnh: Mai Hương

Liên đoàn Lao động tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội thảo “Nâng cao chất lượng hoạt động công tác nữ công trong tình hình mới”. Ảnh: Mai Hương

Đề án tuyển chọn, đào tạo và bồi dưỡng trí thức trẻ là người dân tộc gốc Tây Nguyên để tăng cường đội ngũ Phó Chủ tịch UBND các xã thuộc tỉnh Lâm Đồng đã đạt được kết quả đáng mừng. Cụ thể, Đề án tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng trí thức trẻ là người dân tộc gốc Tây Nguyên để tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND các xã thuộc tỉnh Lâm Đồng (được triển khai thực hiện từ năm 2013) đã tuyển chọn được 43 nhân tố tham gia lớp bồi dưỡng và được bố trí công tác về các xã trong tỉnh.

UBND tỉnh cũng đã triển khai Dự án "600 Phó Chủ tịch xã" và đã tuyển chọn được 5 Phó Chủ tịch xã thuộc huyện Đam Rông. Sau khi kết thúc Dự án, đã có 1 người được bố trí vào chức danh Phó Trưởng Ban Dân tộc HĐND huyện; 1 người giữ vị trí Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã; 3 người tiếp tục giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND xã

Có thế nói, việc kết hợp đào tạo với quy hoạch cán bộ đã giúp xây dựng một đội ngũ kế cận chất lượng và hiệu quả. Tỷ lệ cán bộ trẻ tham gia cấp ủy tăng cao. Số lượng đoàn viên, thanh niên trúng cử đại biểu HĐND các cấp tăng qua các kỳ. Đội ngũ cán bộ trẻ được bổ sung thường xuyên.

Theo thống kê của địa phương, có 95% đồng chí Bí thư Đoàn cấp huyện và cơ sở tham gia cấp ủy tại địa phương, đơn vị. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, số cán bộ Đoàn tham gia cấp ủy Đảng có sự chuyển biến mạnh cả về chất lượng và số lượng. Cụ thể, ở cấp cơ sở có 523 người; cấp huyện có 16 người; cấp tỉnh có 1 người.

Trong cuộc bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016, toàn tỉnh Lâm Đồng có 195 đoàn viên, thanh niên trúng cử HĐND các cấp (cấp tỉnh 4, cấp huyện 18, cấp xã 173); nhiệm kỳ 2016 - 2021 có 220 đoàn viên, thanh niên trúng cử HĐND các cấp (cấp tỉnh 3, cấp huyện 19, cấp xã 198); nhiệm kỳ 2021 - 2026 có 316 đoàn viên, thanh niên trúng cử HĐND các cấp (cấp tỉnh 4, cấp huyện 14, cấp xã 298).

Xác định thực tiễn công tác tại cơ sở là môi trường rèn luyện hiệu quả nhất, công tác luân chuyển cán bộ trẻ về đào tạo, thử thách tại cơ sở luôn được Ban Thường vụ Tỉnh ủy quan tâm thực hiện tốt; giúp cán bộ trẻ có đủ phẩm chất, năng lực và trải nghiệm trong thực tiễn đảm nhiệm được chức vụ lãnh đạo, quản lý theo quy hoạch và đem đến nhân tố mới cho địa phương, cơ quan.

Với các chính sách và sự đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho thế hệ trẻ, Lâm Đồng đã đạt được nhiều kết quả đáng mừng trong công tác cán bộ, đặc biệt là công tác cán bộ nữ và xây dựng nguồn cán bộ trẻ là người DTTS tại chỗ. Bình đẳng giới trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội có sự chuyển biến rõ rệt; vị trí của người phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được khẳng định và nâng cao. Đây sẽ là tiền đề, yếu tố quan trọng góp phần vào sự phát triển của Lâm Đồng nói chung, công tác bình đẳng giới, tạo nguồn cán bộ nữ, cán bộ trẻ người DTTS trên địa bàn tỉnh nói riêng.

(Bài viết có tham khảo nguồn tài liệu báo cáo của Tỉnh ủy Lâm Đồng, Sở Nội vụ Lâm Đồng, Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng, Báo Lâm Đồng)

Song Nghi

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/lam-dong-thuc-hien-nhieu-giai-phap-xay-dung-doi-ngu-can-bo-nu-can-bo-tre-20240909233918382.htm
Zalo