Lâm Đồng: Qua kiểm tra chưa phát hiện cơ sở kinh doanh sữa giả

Ngày 29/4, đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh, buôn bán sản phẩm sữa, thực phẩm bảo vệ sức khỏe và thuốc chữa bệnh trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã tiến hành kiểm tra tại các địa bàn Đà Lạt, Bảo Lộc, Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lâm, Lâm Hà.

Đoàn kiểm tra tại cơ sở kinh doanh thuốc

Đoàn kiểm tra tại cơ sở kinh doanh thuốc

Đoàn kiểm tra được Sở Y tế Lâm Đồng quyết định thành lập, do ông Đoàn Quang Huy - Chánh Thanh tra Sở Y tế làm Trưởng đoàn, cùng các thành viên thuộc Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh, Đội 5 Chi cục Quản lý thị trường; Thanh tra Sở Y tế.

Nhiệm vụ của đoàn là kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh buôn bán sản phẩm sữa, thực phẩm bảo vệ sức khỏe và thuốc chữa bệnh trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; có hình thức xử lý theo quy định của pháp luật đối với những cơ sở có hành vi vi phạm.

Thời gian kiểm tra từ ngày 29/4 đến hết ngày 31/5/2025 tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Đến thời điểm này, đoàn đã tiến hành kiểm tra 18 cơ sở kinh doanh dược, chưa phát hiện bất kỳ trường hợp thuốc giả theo danh sách Bộ Y tế công bố và chưa phát hiện việc cơ sở kinh doanh sữa giả.

Đoàn kiểm tra làm việc với chủ cơ sở kinh doanh dược phẩm

Đoàn kiểm tra làm việc với chủ cơ sở kinh doanh dược phẩm

Trước đó, Sở Y tế Lâm Đồng đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thành phố; Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng; Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lâm Đồng phối hợp kiểm tra, giám sát sản phẩm thực phẩm, dinh dưỡng (sữa dạng bột) là hàng giả.

Căn cứ công văn của Cục An toàn thực phẩm về việc thu hồi sản phẩm thực phẩm, dinh dưỡng (sữa dạng bột) là hàng giả. Theo đó, 12 sản phẩm thực phẩm, dinh dưỡng (dạng sữa bột) của Công ty cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma, Công ty cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group được kết luận là hàng giả và 72 sản phẩm khác đang được tiếp tục điều tra.

Nhằm kiểm soát việc lưu thông trên thị trường, giúp người dân nhận biết và không mua phải thực phẩm giả, không đảm bảo chất lượng đối với các loại sản phẩm này, Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng đề nghị các đơn vị phối hợp, chỉ đạo các phòng, ban, các đơn vị liên quan thực hiện ngay các nội dung cụ thể: Rà soát, kiểm tra và tiến hành thu hồi kịp thời toàn bộ 12 sản phẩm là hàng giả nếu phát hiện đang lưu thông trên địa bàn; xử lý nghiêm các trường hợp có vi phạm theo quy định nhằm đảm bảo tính răn đe; đồng thời, công khai kết quả xử lý trên phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và lựa chọn sản phẩm an toàn.

Kiểm tra nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm sữa

Kiểm tra nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm sữa

Tiếp tục thực hiện nghiêm các nội dung theo chỉ đạo của Cục An toàn thực phẩm về việc tăng cường kiểm tra, hậu kiểm thực phẩm giả kém chất lượng; văn bản của Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng về việc tăng cường kiểm tra, hậu kiểm nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý thực phẩm giả, kém chất lượng và Công điện số 41/CĐ-TTg ngày 17/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ về xử lý vụ việc sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Khuyến cáo người dân không nên sử dụng 72 sản phẩm sữa đang được tiếp tục điều tra của Công ty cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma, Công ty cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group cho đến khi có kết luận cuối cùng của Cơ quan Công an.

DANH SÁCH CÁC SẢN PHẨM ĐÃ ĐƯỢC XÁC ĐỊNH LÀ HÀNG GIẢ

DANH SÁCH CÁC SẢN PHẨM ĐANG ĐƯỢC ĐIỀU TRA

AN NHIÊN

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/xa-hoi/202504/lam-dong-qua-kiem-tra-chua-phat-hien-co-so-kinh-doanh-sua-gia-94434a2/
Zalo