Lâm Đồng: Kỳ vọng từ thương hiệu Đà Lạt – kết tinh kỳ diệu từ đất lành
Dù bị ảnh hưởng từ những khó khăn chung của kinh tế toàn cầu, năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Lâm Đồng vẫn tăng trưởng 6,1% so với năm 2023. Để có được kết quả này, ngoài mở rộng liên kết sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, việc xây dựng thương hiệu và quảng bá thương hiệu được tỉnh Lâm Đồng chú trọng thực hiện. Trong đó, thương hiệu Đà Lạt – kết tinh kỳ diệu từ đất lành được kỳ vọng đóng góp lớn cho nền kinh tế địa phương.
Ngành nông nghiệp đóng góp lớn
Theo báo cáo tình hình thực hiện kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2024, phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ năm 2025 của UBND tỉnh Lâm Đồng, tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt 5,1%, chiếm tỷ lệ 43,8% trong cơ cấu kinh tế và tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế Lâm Đồng. Trong số 3 chỉ tiêu vượt so với kế hoạch đề ra, có chỉ tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 986 triệu USD, tăng 6,1% so với năm trước.
Đóng góp vào giá trị xuất khẩu của tỉnh năm qua, ngoài các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu từ ngành khai khoáng, chế biến, chế tạo; đáng kể phải nhắc tới xuất khẩu các mặt hàng nông nhiệp như: cà phê nhân tăng 10,6%; rau, củ, quả các loại tăng 19,5%; hoa các loại tăng 7,3%.
Có được kết quả trên, ngành nông nghiệp Lâm Đồng tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để cơ cấu lại ngành, đổi mới mô hình tăng trưởng hướng đến toàn diện bền vững và hiện đại, nâng cao năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh; phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng cao nhất.
Qua đó, tỉnh đẩy mạnh phát triển, mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, thông minh dựa trên các thành tựu đột phá trong công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ nano, máy móc thiết bị tiên tiến...
Thời điểm này đã có hàng trăm nông dân trồng hoa ở thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng cũng đưa sản phẩm hoa tươi của mình được xuất khẩu nhờ liên kết sản xuất với các đơn vị doanh nghiệp lớn.
Nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn bỏ ra hàng triệu USD đầu tư nghiên cứu nhập nội giống cây trồng, vật nuôi năng suất chất lượng cao, tăng cường ứng dụng công nghệ sinh học chọn tạo giống, bảo đảm nguồn giống phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu.
Các doanh nghiệp, địa phương cũng đang nỗ lực tổ chức sản xuất tập trung các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh theo chuỗi giá trị gắn với chuyển đổi số, ứng dụng các tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt trong nước và quốc tế (như GlobalGAP, HACCP,...) nhằm nâng cao chất lượng, bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đặc biệt, các doanh nghiệp, địa phương của tỉnh đang tiếp tục nâng cao năng lực chế biến, nhất là chế biến sâu để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản; ưu tiên phát triển doanh nghiệp chế biến nông sản quy mô lớn, hiện đại, có trình độ và năng lực công nghệ tiên tiến kết hợp với phát triển các cơ sở sơ chế, bảo quản, chế biến quy mô vừa và nhỏ nhằm tạo sự đồng bộ, gắn kết, lan tỏa theo chuỗi.
Theo đó, các doanh nghiệp tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động kinh tế tập thể, hợp tác xã, liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hợp tác quốc tế kết nối tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Tỉnh Lâm Đồng phấn đấu, đến hết năm 2025, diện tích sản xuất ứng dụng công nghệ cao đạt trên 71.200 ha (gồm 1.000 ha nông nghiệp thông minh) với hệ thống hạ tầng đồng bộ, hình thành vùng sản xuất tập trung quy mô lớn.
Thương hiệu được kỳ vọng lớn
Theo ông Phạm S - Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, thương hiệu “Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng vào năm 2017, với 4 sản phẩm đặc hữu tại TP. Đà Lạt và các huyện lân cận, gồm: rau, hoa, cà phê arabica và du lịch canh nông.
Hiện đã có 768 tổ chức, cá nhân được cấp quyền sử dụng thương hiệu, trong đó chủ yếu là sản phẩm hoa chiếm hơn 82%. Năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Lâm Đồng đạt 986 triệu USD, tăng 6,1% so với cùng kỳ, trong đó có nhiều sản phẩm nông sản xuất khẩu mang thương hiệu “Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”.
Ngoài vấn đề liên kết sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, việc xây dựng thương hiệu và phát huy giá trị thương hiệu là giải pháp quan trọng trong thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng nông sản của tỉnh Lâm Đồng.
Hiện Lâm Đồng đang tiếp tục mở rộng thêm đối tượng sử dụng thương hiệu cho nhiều sản phẩm nông sản khác của địa phương, qua đó tạo điều kiện nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu.
Tỉnh xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm; tổ chức cấp và quản lý, kiểm soát mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói, nhãn mác hàng nông sản bảo đảm truy xuất nguồn gốc; phát triển thêm ít nhất 24 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên; trong đó, 1 sản phẩm 5 sao.
Theo ông Phạm S, vừa qua chính quyền tỉnh Lâm Đồng quyết định mở rộng một số sản phẩm, những sản phẩm này sẽ tham gia sử dụng thương hiệu cùng với 4 sản phẩm chủ lực ban đầu. Có như vậy mới khai thác được giá trị đặc sản của Đà Lạt cũng như nâng cao được vị thế sản xuất, khích lệ được các chủ thể, nhất là người nông dân, chủ trang trại tiếp tục ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp tuần hoàn để khai thác giá trị, tiềm năng của TP. Đà Lạt và vùng phụ cận.
Bước sang năm mới 2025, tỉnh Lâm Đồng tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, chú trọng chuyển đổi số trong nông nghiệp, hướng đến nền nông nghiệp thông minh, hiện đại và bền vững; là trung tâm nghiên cứu, sản xuất nông nghiệp thông minh tầm quốc gia và quốc tế; đưa nông sản của tỉnh tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, trong đó, các sản phẩm mang thương hiệu “Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” là ngành hàng quan trọng, có lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu.
Theo đó, để tạo ra được giá trị nông sản thì chúng ta phải quản lý được 4 khâu quan trọng nhất, đó là thị trường đầu ra, giá cả cho đơn đặt hàng của mình; có kế hoạch sản xuất; quản lý được khâu đầu vào và quản lý được chi phí sản xuất. Sản xuất theo đơn đặt hàng thì không phải lo lắng về tình trạng được mùa mất giá, sự thay đổi giá cả của thị trường, ở đây chỉ cần chúng ta yên tâm sản xuất, đảm bảo chất lượng để giao sản phẩm cho khách hàng mà thôi.
Với các nhiệm vụ, giải pháp nêu trên, khu vực nông, lâm, thủy sản tiếp tục duy trì mức tăng trưởng từ 5,2 - 5,4%, góp phần vào tốc độ tăng trưởng GRDP (theo giá so sánh 2010) của nền kinh tế tỉnh tăng từ 9 - 10% như kế hoạch của Lâm Đồng đề ra trong năm 2025.