Lâm Đồng: Hạ tải trọng đất trên đỉnh đồi, mái dốc phòng chống sạt lở

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản hướng dẫn các địa phương thực hiện hạ tải trọng đất đỉnh đồi, mái dốc nhằm giảm thiểu nguy cơ sạt lở trong mùa mưa bão.

Cụ thể, theo Sở Tài nguyên và Môi trường, việc thực hiện hạ tải đất trên đỉnh đồi, mái dốc được xem là một trong những phương án, giải pháp để thực hiện việc phòng tránh sạt lở đất tại những khu vực có nguy cơ xảy ra việc sạt lở đất.

Do đó, đề nghị thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh tại văn bản số 6477/UBND-GT ngày 31/7/2024 về việc rút kinh nghiệm và tiếp tục triển khai công tác phòng chống sạt lở trong mùa mưa bão năm 2024 thì UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương kiểm tra, rà soát những khu vực có nguy cơ sạt lở trên địa bàn quản lý, tùy theo tình hình thực tế để xây dựng, phê duyệt phương án cụ thể cho từng vị trí, địa điểm để thực hiện trong thời gian sớm nhất nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản người dân, tổ chức bị ảnh hưởng.

Cơ quan được giao chủ đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng theo pháp luật về xây dựng, đầu tư, Quyết định số 30/2022/QĐ-UBND ngày 16/5/2022 của UBND tỉnh Lâm Đồng và các quy định liên quan để thực hiện.

 Sau những vụ sạt lở, UBND xã Đạ K'nàng, huyện Đam Rông chủ động đề xuất thực hiện việc hạ tải trọng đất trên các đỉnh đồi, mái dốc để loại bỏ nguy cơ sạt lở, đảm bảo tính mạng và tài sản của người dân.

Sau những vụ sạt lở, UBND xã Đạ K'nàng, huyện Đam Rông chủ động đề xuất thực hiện việc hạ tải trọng đất trên các đỉnh đồi, mái dốc để loại bỏ nguy cơ sạt lở, đảm bảo tính mạng và tài sản của người dân.

Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng cho biết, theo quy định của Luật Khoáng sản năm 2010, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản thì hiện nay không có quy định việc đào, hạ tải trọng đất trên đỉnh đồi, mái dốc hoặc tận thu, thu hồi khối lượng khoáng sản dôi dư từ dự án này để sử dụng cho dự án khác (chỉ có 04 trường hợp đó là cấp giấy phép khai thác khoáng sản, đăng ký khai thác phục vụ nội bộ dự án, khai thác khoáng sản ở khu vực có dự án đầu tư xây dựng công trình và khai thác tận thu khoáng sản ở bãi thải của mỏ đã có quyết định đóng cửa mỏ).

Do vậy, trước mắt, đối với khối lượng đất đá dôi dư trong quá trình thực hiện thì trong phương án xử lý, khắc phục, xác định vị trí tập kết và tổ chức quản lý, bảo vệ cho đến khi có ý kiến xử lý của cơ quan có thẩm quyền để tránh thất thoát ngân sách nhà nước.

Trong trường hợp đánh giá đất, đá dôi dư không đạt tiêu chuẩn đề làm vật liệu xây dựng, san lấp thì có thể chọn vị trí thích hợp để xây dựng phương án đổ thải theo quy định.

Trước đó, trong tháng 7/2024, trên địa bàn huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng đã xảy ra liên tiếp 2 vụ sạt lở khiến 3 người tử vong. Và theo số liệu thống kê từ cơ quan chức năng thì hiện nay, hầu hết trên địa bàn các huyện, thành phố vẫn còn tồn tại các điểm có nguy cơ sạt lở cao trong mùa mưa bão sắp tới.

Nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do các vụ sạt lở, thiên tai gây ra, UBND tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan thực hiện xây dựng các phương án phòng, chống sạt lở. Trong đó, có nội dung giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, hướng dẫn các địa phương thực hiện các thủ tục theo quy định để có thể triển khai việc hạ tải trọng đất trên đỉnh đồi, mái dốc, xử lý đất tại chỗ phù hợp với quy định của Luật Khoáng sản nhằm giảm thiểu nguy cơ xảy ra sạt lở đất, nhất là các khu vực dân cư sống tập trung.

Thanh Tùng - Cao Hiếu

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/lam-dong-ha-tai-trong-dat-tren-dinh-doi-mai-doc-phong-chong-sat-lo-91683.html
Zalo