Lâm Đồng : bò sữa chết hàng loạt, nguyên nhân do đâu?

Những ngày qua, trên địa bàn các huyện Đơn Dương, Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng đã xảy ra tình trạng bò sữa chết bất thường sau khi tiêm vắc xin, con số đã lên đến trên 100 con.

Theo thông tin từ Chi cục Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Lâm Đồng, hiện cơ quan chức năng ghi nhận tình trạng bò sữa có biểu hiện bệnh và chết xảy ra ở các xã Ka Đô, Quảng Lập, Tu Tra, Đạ Ròn (huyện Đơn Dương) và Hiệp Thạnh (huyện Đức Trọng).

Sau khi nhận thông tin, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Lâm Đồng đã chỉ đạo các địa phương dừng việc tiêm vaccine phòng bệnh viêm da, nổi cục. Đồng thời, chi cục này cử cán bộ phối hợp cùng các địa phương tổ chức điều trị cho số lượng bò sữa đang có biểu hiện bất thường về sức khỏe.

Loại thuốc được tiêm có tên gọi là vaccine nhược độc đông khô NAVET-LPVAC của Công ty Cổ phần thuốc thú y Trung ương NAVETCO (trụ sở tại Thuận An, tỉnh Bình Dương).

Vắc xin nhược độc đông khô NAVET-LPVAC của Công ty Cổ phần thuốc thú y Trung ương NAVETCO (trụ sở tại Thuận An, tỉnh Bình Dương).

Vắc xin nhược độc đông khô NAVET-LPVAC của Công ty Cổ phần thuốc thú y Trung ương NAVETCO (trụ sở tại Thuận An, tỉnh Bình Dương).

Ngày 9/8/2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các địa phương, các sở, ban ngành, các cơ quan chuyên môn và chủ gia súc triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa. Văn bản nêu rõ, yêu cầu tạm dừng sử dụng vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục và các vắc xin phòng các dịch bệnh khác trên đàn bò trên phạm vi toàn tỉnh để tổ chức điều tra, xác định nguyên nhân đàn bò sữa bị tiêu chảy và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Tăng cường kiểm dịch giết mổ, không để xảy ra tình trạng bán chạy, vận chuyển gia súc bị bệnh hoặc giết mổ gia súc bị bệnh ở nơi có dịch bệnh. Kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia súc ra khỏi địa bàn xã, huyện và tỉnh, nhất là với trâu bò, bò sữa có nguy cơ bị bệnh. Cùng với đó là các biện pháp vệ sinh phòng dịch, phun thuốc sát trùng, sử dụng vôi bột để sát trùng, vệ sinh, tiêu độc tại các cơ sở, hộ chăn nuôi và khu vực xung quanh có gia súc bị bệnh, chết, buộc tiêu hủy.

Bò sữa của người dân bị chết, mang đi tiêu hủy

Bò sữa của người dân bị chết, mang đi tiêu hủy

UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã cử lãnh đạo cùng đại diện chính quyền, cơ quan chuyên môn, các tổ chức đoàn thể đến trao đổi, động viên các gia đình chăn nuôi gia súc. Đặc biệt quan tâm đến các hộ có gia súc bị bệnh, bị chết yên tâm phối hợp với chính quyền và các cơ quan chuyên môn triển khai các biện pháp phòng, chống, điều tra xác định nguyên nhân. Xây dựng phương án hỗ trợ trước mắt cho các hộ nông dân chăn nuôi bị thiệt hại.

Trước đó, ngày 8/8, Sở NN&PTNT Lâm Đồng cho biết, Đoàn công tác Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cùng Chi cục Thú y vùng V đã có mặt ở Lâm Đồng, phối hợp cơ quan chức năng địa phương đến hai huyện Đức Trọng và Đơn Dương lấy mẫu sinh phẩm nhằm xác định nguyên nhân hàng chục bò sữa sau tiêm vắc xin PCVDNC bị tiêu chảy và chết. Dự kiến trong một vài ngày tới đây sẽ có kết quả chính thức.

Nhận định nguyên nhân ban đầu, qua kiểm tra lâm sàng ghi nhận bò mắc bệnh tiêu chảy có thể do thời tiết tại các huyện Đơn Dương và Đức Trọng mưa nhiều trong suốt mấy tuần, môi trường ẩm ướt, kết hợp sức đề kháng của bò giảm sau khi tiêm vắc xin PCVDNC... đã tạo điều kiện vi sinh vật cơ hội tấn công gây rối loạn đường tiêu hóa.

Phương Đông

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/lam-dong-bo-sua-chet-hang-loat-nguyen-nhan-do-dau.html
Zalo