Làm chủ các công nghệ trong quá trình chuyển đổi số

Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức ngày 15/01. Đây là sự kiện thường niên nhằm thúc đẩy phát triển và chuyển đổi số của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Đồng chí Tô Lâm - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng - dự và phát biểu chỉ đạo Diễn đàn.

Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các đại biểu tham dự Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI. Ảnh: Bộ TT&TT

Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các đại biểu tham dự Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI. Ảnh: Bộ TT&TT

Mục tiêu của Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam là đưa ra những chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, nhằm làm chủ công nghệ số, công nghệ chiến lược; đề xuất nhận nhiệm vụ chiến lược triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (Nghị quyết 57), tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Doanh nghiệp công nghệ số ngày càng đóng vai trò chủ lực trong nền kinh tế

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT), hiện nay, doanh nghiệp công nghệ số ngày càng đóng vai trò chủ lực trong nền kinh tế. Năm 2024, tổng doanh thu công nghiệp công nghệ số ước đạt 157,984 tỷ USD, tăng 10,2% (so với 2023). Giá trị Việt Nam trong tổng doanh thu công nghiệp công nghệ số đạt 31,8%, tăng từ 21,35% vào năm 2019.

Việt Nam đang được xếp hạng đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu điện thoại di động thông minh; đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu linh kiện máy tính; đứng thứ 6 thế giới về xuất khẩu thiết bị máy tính; đứng thứ 8 thế giới về thiết bị linh kiện điện tử; đứng thứ 7 thế giới về gia công phần mềm.

Tổng số nhân lực đạt 1,67 triệu người, tăng 67% so với năm 2019; toàn ngành có 73.788 doanh nghiệp đang hoạt động tăng 10,12% (so với 2023). Theo số liệu tổng hợp, tính đến hết năm 2024, gần 1.900 doanh nghiệp công nghệ số có doanh thu từ thị trường nước ngoài, tăng 26,67% so với năm 2023, với tổng doanh thu khoảng 11,5 tỷ USD, tăng 53,3% so với năm 2023. Trong đó, thị trường đã hình thành một số doanh nghiệp phần mềm lớn có khả năng cạnh tranh, cung cấp dịch vụ cho các thị trường hàng đầu thế giới như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu…

Ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 57, trong đó có quan điểm làm chủ công nghệ và các nhiệm vụ làm chủ công nghệ chiến lược. Sự ra đời của Nghị quyết 57 là kim chỉ nam, khai sáng với mọi ngành nghề, không chỉ có tính thúc đẩy và thay đổi về bản chất cách thức hoạt động mà còn tác động sâu sắc đối với cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.

Việc làm chủ các công nghệ số được xem là nền tảng quan trọng cho Việt Nam "cất cánh" vươn lên, phát triển mạnh mẽ. Phát biểu tại Diễn đàn, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định vai trò tiên phong của doanh nghiệp công nghệ số trong phát triển kinh tế, xã hội, nâng tầm vị thế Việt Nam trên bản đồ công nghệ toàn cầu. Tổng Bí thư cho rằng, chuyển đổi số không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là yêu cầu cấp thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thu hẹp khoảng cách phát triển của Việt Nam với khu vực và thế giới.

Make in Viet Nam: Nền tảng để Việt Nam nâng tầm vóc quốc tế

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Bộ TT&TT

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Bộ TT&TT

"Sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam và doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam là để Make in Viet Nam" - là chủ trương, định hướng sáng tạo lớn để khơi dậy nội lực, khát vọng của đất nước phát triển trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đây là nội dung đã được tuyên bố vào năm 2019 tại Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ I và đã trở thành khẩu hiệu hành động của Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam.

Trong những năm qua, "Make in Viet Nam" đã được cộng đồng doanh nghiệp không chỉ trong lĩnh vực công nghệ số hưởng ứng mà đã tạo hiệu ứng tích cực trong tất cả các ngành, lĩnh vực khác; cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp đã thay đổi tư duy, định hướng sáng tạo, sản xuất các sản phẩm chất lượng của người Việt cho thị trường trong nước và định hướng toàn cầu. Các sản phẩm công nghệ số "Make in Viet Nam" đã được người tiêu dùng Việt Nam đón nhận và đi ra thị trường nước ngoài.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định vai trò của chiến lược Make in Viet Nam trong hành trình phát triển công nghệ số Việt Nam. Make in Viet Nam là sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, làm ra tại Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam và bởi các doanh nghiệp Việt Nam. Make in Viet Nam là một khẩu hiệu hành động. Make in Viet Nam là một tinh thần. Tinh thần tự cường. Tinh thần làm chủ ứng dụng và làm chủ công nghệ. Từ làm chủ ứng dụng tới làm chủ công nghệ. Make in Viet Nam sẽ không chỉ giúp Việt Nam thịnh vượng mà còn giúp Việt Nam có hòa bình lâu dài vì nó góp phần phát triển ngành công nghiệp quốc phòng, an ninh hùng mạnh.

Bộ trưởng cho biết, sau 5 năm thực hiện Make in Viet Nam, giá trị Việt Nam trong ngành công nghiệp công nghệ số đã tăng từ 20% lên 32%. Năm 2024, giá trị Việt Nam trong 158 tỷ USD của ngành công nghiệp công nghệ số là 32%. Với hơn 74.000 doanh nghiệp công nghệ số, Việt Nam hiện thuộc nhóm các quốc gia có tỷ lệ doanh nghiệp công nghệ số/đầu dân cao nhất trong các nước đang phát triển.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Việt Nam phải làm chủ các công nghệ chiến lược để làm chủ tiến trình chuyển đổi số Việt Nam. Chỉ như vậy, Việt Nam mới có thể phát triển bền vững. Nghị quyết 57 định hướng giao các doanh nghiệp nòng cốt làm các dự án lớn, trọng điểm quốc gia về chuyển đổi số, giao các doanh nghiệp nòng cốt làm chủ các công nghệ chiến lược. Đây là một mũi tên trúng 2 đích: Vừa làm chủ tiến trình chuyển đổi số, làm chủ công nghệ chuyển đổi số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ lớn của đất nước, có năng lực cạnh tranh quốc tế.

Lần đầu tiên, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số nằm chung trong một Nghị quyết của Bộ Chính trị. Đồng thời nằm chung trong một Bộ hợp nhất của Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ TT&TT. Sự liên thông và không thể tách rời sẽ tạo động lực mới mang tính đột phá và cách mạng cho phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trên môi trường số. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng kỳ vọng, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số sẽ góp phần đặc biệt quan trọng để Việt Nam vươn mình đứng dậy, trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.

Cũng tại Diễn đàn, Bộ TT&TT đã công bố và trao Giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam tiêu biểu năm 2024.

Trong khuôn khổ Diễn đàn, khu trưng bày triển lãm được thiết kế gồm gần 40 gian hàng để đại biểu tham dự có thể tham quan, trải nghiệm trực quan các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số Make in Viet Nam do doanh nghiệp Việt Nam làm chủ công nghệ, làm chủ quá trình chuyển đổi số quốc gia.

LINH BÙI

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/lam-chu-cac-cong-nghe-trong-qua-trinh-chuyen-doi-so-37774.html
Zalo