Làm ăn chân chính trên biển, có dễ?
Dự kiến đầu tháng 5, EC sẽ sang Việt Nam thanh tra lần 5 về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Tỉnh Kiên Giang là một trong những địa phương trọng điểm tại đợt thanh tra này, bởi đây là tỉnh có số lượng tàu cá nhiều nhất cả nước và cũng là nơi xảy ra số vụ tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài nhiều nhất nước.
1. Thực hiện quyết liệt trong công tác điều tra, xác minh, xử lý các hành vi khai thác IUU, đến nay tỉnh này đã khởi tố 19 vụ việc hình sự và đã đưa ra truy tố, xét xử 2 vụ, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, răn đe, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật trong cộng đồng ngư dân. Đặc biệt là đầu năm 2024, Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang đã tuyên phạt 4 bị cáo về tội tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép, vi phạm quy định về chống khai thác bất hợp pháp IUU từ 1 đến 8 năm tù giam. Đây là vụ án được xử đầu tiên của cả nước sau hơn 5 năm chống khai thác bất hợp pháp nhưng chưa xử lý trường hợp nào.

Từ đầu năm 2025 đến nay, vẫn còn xảy ra tình trạng tàu cá vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
Mặc dù tỉnh Kiên Giang đã nỗ lực thực hiện các giải pháp cứng rắn lẫn mềm dẻo chống khai thác IUU, nhưng đến nay vẫn còn tồn tại các hạn chế. Trong đó, kết quả điều tra, xác minh, xử lý các hành vi vi phạm quy định về VMS, vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài... vẫn còn thấp so với các vụ việc được phát hiện. Đặc biệt, từ đầu năm 2025 đến nay, vẫn còn xảy ra tình trạng tàu cá địa phương vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; trong đó vụ việc ngày 24/2/2025, tàu cá KG-95541-TS bị Thái Lan bắt giữ và có khoảng 10 tàu cá khác đã chạy thoát. Phía EC đã nắm thông tin và là một trong những lý do chính mà EC chưa sang thanh tra thực tế tại Việt Nam theo dự kiến vào cuối tháng 3/2025.

Hầu hết ngư dân trong tỉnh đều chấp hành các quy định khá nghiêm túc.
2. Mới đây, tại Vũng Tàu, TAND tỉnh cũng đưa ra xét xử lưu động và tuyên phạt 2 bị cáo tỉnh này 7 năm tù vì hành vi đánh bắt hải sản trái phép. Phiên tòa thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật và quan điểm không khoan nhượng trong cuộc chiến chống khai thác IUU. Đây là một trong rất nhiều trường hợp trong cả nước ngư dân tháo, gửi thiết bị VMS cho tàu cá khác để đi đánh bắt vùng biển cấm. Bản án cho những ngư dân đó là lời cảnh tỉnh cho những ai đang coi thường pháp luật. Là hồi chuông báo động về hệ lụy của hành vi bất chấp hậu quả, bởi việc này không chỉ tác động nghiêm trọng đến hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam mà còn ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh, uy tín, vị thế ngoại giao của quốc gia trên trường quốc tế.
Từ năm 2017, khi Ủy ban châu Âu (EC) áp dụng “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam, Chính phủ cùng các địa phương ven biển, trong đó Bình Thuận đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp khắc phục. Các quy định về chống khai thác IUU được siết chặt, tàu “3 không” được xóa bỏ, việc quản lý tàu thuyền trên bờ lẫn ngoài khơi dần đi vào khuôn khổ. Công tác kiểm soát tàu cá được tăng cường. Thế nhưng, vẫn có những cá nhân cố tình vi phạm, bất chấp nỗ lực chung của cả nước.

Bình Thuận chưa phát hiện trường hợp nào ngư dân tháo, gửi thiết bị VMS.
3. Có lẽ từ không biết, không hiểu IUU là gì, thì nay hầu hết ngư dân trong tỉnh đều chấp hành các quy định khá nghiêm túc, tuân thủ pháp luật để góp phần gỡ “thẻ vàng”. Biết rằng, đây là giai đoạn nghề biển gặp nhiều khó khăn khi nguồn lợi ngày càng khan hiếm, phí tổn tăng cao trong khi giá hải sản thì không ổn định, đi biển không đơn thuần như cha ông ngày xưa, mà phải “đi thưa về trình”, viết nhật ký khai thác, tàu cá phải được đăng ký, đăng kiểm, vẽ sơn theo quy định và phải bật thiết bị giám sát hành trình trong suốt quá trình đánh bắt ngoài khơi xa.
Là địa phương có ngư trường trọng điểm, hơn 7 năm qua Bình Thuận đã nỗ lực trong việc thực thi các quy định chống khai thác IUU. Tỉnh đã có nhiều biện pháp quyết liệt như tăng cường quản lý, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá, kiểm soát chặt chẽ hoạt động ra vào cảng và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tính đến thời điểm này, Bình Thuận chưa phát hiện trường hợp nào ngư dân tháo, gửi thiết bị VMS hoặc vô hiệu hóa thiết bị để mon men đánh bắt cá trái phép. Tuy nhiên, từ vụ việc ở Kiên Giang và Vũng Tàu cho thấy, luôn còn lỗ hổng để những “con tàu ma” hoạt động trên biển và lực lượng chức năng không được chủ quan để phát hiện từ sớm, từ xa những con tàu này.
Hơn ai hết, ngư dân là những người cần hiểu rõ, tuân thủ luật khai thác thủy sản không chỉ là nghĩa vụ pháp lý mà còn là cách bảo vệ chính tương lai của mình. Việc khai thác trái phép không chỉ làm suy kiệt nguồn lợi thủy sản, mà còn khiến hình ảnh ngành thủy sản Việt Nam bị tổn hại, đe dọa nghiêm trọng đến xuất khẩu - một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Chỉ cần mỗi ngư dân ý thức được trách nhiệm của mình – khai thác hợp pháp, đánh bắt trong vùng biển của Việt Nam và không tham gia cũng như tiếp tay vào các hoạt động đánh bắt trái phép, tháo, gửi thiết bị VMS, làm ăn gian dối, rồi để lại hậu quả dài lâu. Ngư dân, muốn giàu lên từ biển, chỉ còn cách đoàn kết, hợp lực vừa khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, vừa là giám sát viên để những “con tàu ma” không thể vươn khơi!