Lái xe đâm hỏng gác chắn tàu sao chỉ phạt bằng nửa lỗi vượt đèn đỏ?

Quá bất hợp lý khi người lái xe tải băng qua đường sắt khi barie đã hạ xuống, đâm hỏng gác chắn tàu chỉ bị phạt số tiền bằng nửa mức phạt vượt đèn đỏ thông thường.

Tối 8/4, tại điểm giao cắt giữa đường dân sinh và đường sắt ở phường Lê Thiện, quận An Dương, TP Hải Phòng, khi barie hạ xuống báo hiệu tàu hỏa sắp qua, chiếc xe tải do tài xế Mạc Đức Dương lái vẫn tăng tốc cố vượt qua. Hậu quả là chiếc barie bị cong gãy, xe kẹt cứng trên đường ray trong khi đoàn tàu bị chắn đường hú còi liên tục.

Đoạn clip trên nhanh chóng lan tỏa trên mạng xã hội gây kinh hãi và phẫn nộ. Dư luận lên án gay gắt và cho rằng tài xế cần bị phạt thật nặng vì hành vi liều lĩnh, coi thường pháp luật của anh ta không chỉ cản trở giao thông, phá hoại tài sản công mà còn đe dọa tính mạng của rất nhiều người. Khi hình thức xử lý được cơ quan chức năng công bố, cộng đồng mạng cho rằng mức phạt 11 triệu đồng không đủ để ngăn những sự cố đáng sợ tương tự xảy ra.

Tài xế Mạc Đức Dương đâm rào chắn barie rồi kẹt cứng tại đường ray. (Ảnh chụp màn hình)

Tài xế Mạc Đức Dương đâm rào chắn barie rồi kẹt cứng tại đường ray. (Ảnh chụp màn hình)

Theo quy định, hành vi vượt đường ngang khi đèn đỏ bật sáng sẽ bị phạt từ 4 đến 6 triệu đồng; lỗi điều khiển phương tiện giao thông đường bộ làm hỏng rào chắn và các thiết bị khác tại đường ngang bị phạt từ 5 đến 7 triệu đồng. Như vậy, cơ quan chức năng không hề bao che mà đã thực hiện đúng các quy định pháp luật hiện hành khi xử lý tài xế Mạc Đức Dương, số tiền phạt cũng đã gần ở mức cao nhất.

Điều này có nghĩa là, để không còn cảnh tài xế cố băng qua đường ray khi đèn đỏ bật sáng và gác chắn hạ xuống, cần sửa quy định để tăng hình thức xử phạt. Quá bất hợp lý khi hành động nguy hiểm như vậy mà tổng hợp cả hai lỗi, tài xế chỉ bị phạt số tiền bằng nửa mức phạt lỗi vượt đèn đỏ theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP (lái ô tô vượt đèn đỏ nhưng không gây tai nạn giao thông bị phạt tiền từ 18 đến 20 triệu đồng).

Hành vi vượt đường ngang khi đèn đỏ bật sáng cũng tương đương lỗi vượt đèn đỏ nhưng mức phạt tối đa lại thấp bằng 1/4-1/3. Trong khi đó, hành vi của tài xế Dương nguy hiểm hơn lỗi vượt đèn đỏ thông thường nhiều, hậu quả của tai nạn đường sắt có thể rất khủng khiếp. Đã có không ít người chết thảm khốc, tàu đổ, xe bị đâm nát do tài xế cố vượt barie đường sắt, và các thống kê cho thấy loại vi phạm này cực kỳ phổ biến.

Theo số liệu của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, chỉ quý I/2025 đã xảy ra 116 vụ tài xế ô tô cố tình vượt ẩu qua đường ngang, đe dọa mất an toàn đường sắt. Đặc biệt trong tháng 4, ngoài sự việc của tài xế Dương, còn có nhiều sự cố tương tự xảy ra. Sáng 9/4, lúc 4h40, tại đường ngang xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, một ô tô cố tình vượt, làm hỏng cần chắn khi đoàn tàu SE3 chuẩn bị đi qua.

Ngày 3/4, tài xế xe tải Huỳnh Văn Quang bị buộc bồi thường thiệt hại 10,8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 2 tháng vì cố tình rồ ga vượt qua đèn đỏ dù đã có tiếng chuông cảnh báo tàu đang đến, tông gãy hai thanh chắn tại địa phận phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy, TP Huế. Ngày 5/4, một tài xế xe tải bị Công an tỉnh Bình Định xử phạt 11 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 2 tháng vì không chấp hành tín hiệu cảnh báo đường ngang, cố tình vượt qua đường sắt khi tàu sắp đến, làm gãy một cần chắn dài 3,3m.

Rõ ràng, mức phạt trên là quá thấp, không đủ để ngăn hành vi ngông cuồng, bất chấp hiệu lệnh của những tài xế ngang ngược. Thời gian qua, rất nhiều vi phạm giao thông đã được nâng chế tài lên mức "cao vút" để tăng ý thức tuân thủ của người dân, và hiệu quả thực tế đã chứng minh tính đúng đắn của sự điều chỉnh này. Phải chăng cơ quan chức năng đang bỏ quên những vi phạm liên quan đến an toàn đường sắt mà chưa có sự gia tăng mức phạt tương ứng?

Hy vọng rằng phản ứng bất bình của nhiều người dân về chuyện tài xế tông đổ barie đường sắt chỉ bị phạt bằng nửa lỗi vượt đèn đỏ sẽ góp thêm tiếng nói để các đơn vị chức năng sớm xem xét, nghiên cứu để điều chỉnh nâng chế tài.

Lỗi này phải bị xử lý thật nặng, nặng hơn hành vi vượt đèn đỏ thông thường, như vậy mới ngăn được thảm họa, vì khi tàu hỏa đang chạy, quãng đường hãm phanh có thể lên đến 800 - 1.000 mét, ngay cả khi lái tàu nhìn thấy vật cản thì cũng đã quá muộn.

Hoàng Hà

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/lai-xe-dam-hong-gac-chan-tau-sao-chi-phat-bang-nua-loi-vuot-den-do-ar937700.html
Zalo