Lãi suất huy động vẫn 'nóng', lãi vay khó giảm thêm?
Lãi suất huy động tiếp tục được các ngân hàng thương mại điều chỉnh tăng thời gian qua. Xu hướng này không chỉ diễn ra ở các ngân hàng quy mô nhỏ mà còn ở nhóm Big4.

Lãi suất huy động của các ngân hàng vẫn chưa hạ nhiệt. Ảnh minh họa.
Hiện một số ngân hàng đang rục rịch điều chỉnh lãi suất tiền gửi, nối tiếp đà tăng từ cuối năm ngoái. Thống kê của Hiệp hội Ngân hàng, từ 6/1-14/2, bảng lãi suất huy động của 36 ngân hàng, có 7/36 nơi tăng lãi suất, 3 nhà băng điều chỉnh giảm, 2 đồng thời tăng và giảm ở một số kỳ hạn.
Ghi nhận tại Vikki Bank, lãi suất tăng 0,3%/năm, trong khi kỳ hạn 3-5 tháng tăng 0,1%/năm, nâng mức lãi suất huy động lên 4,4%/năm. Kỳ hạn 6-8 tháng tăng nhẹ 0,05%/năm, lên 5,6%/năm; trong khi kỳ hạn 12 tháng tăng 0,1%/năm lên 5,9%/năm.
Hay BVBank tăng 0,32% kỳ hạn 36 tháng tại quầy lên mức 6,32%/năm. Các kỳ hạn từ 15-24 tháng online tại ngân hàng này hiện được niêm yết mức lãi suất cao trong hệ thống là 6,25-6,45%/năm.
Ngoài ra, thị trường tiền gửi ngân hàng đang tồn tại mức lãi suất cao đột biến lên đến 9%/năm, song phải đáp ứng các điều kiện đặc biệt. PVcomBank hiện đang dẫn đầu với lãi suất lên tới 9%/năm cho kỳ hạn 12-13 tháng, áp dụng cho số dư tối thiểu 2.000 tỷ đồng khi gửi tại quầy.
Còn MSB công bố mức 8%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, 7%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, với điều kiện khoản tiền gửi tối thiểu 500 tỷ đồng.
Vikki Bank duy trì mức 7,5%/năm cho kỳ hạn 13 tháng trở lên, yêu cầu tối thiểu 200 tỷ đồng.
Có thể thấy, xu hướng tăng lãi suất huy động chủ yếu diễn ra ở các ngân hàng thương mại quy mô nhỏ, khi các nhà băng cần chuẩn bị nguồn vốn lớn để phục vụ cho kế hoạch tín dụng trong năm nay.
Đáng chú ý, các “ông lớn” Big4 ngân hàng cũng nhập cuộc đua tăng lãi suất huy động. BIDV và Vietcombank vừa điều chỉnh tăng lãi suất ở kỳ hạn tiền gửi 36 tháng, thêm 0,1%. Mặc dù chỉ tăng nhẹ 0,1%/năm, nhưng đây là tín hiệu cho thấy các ngân hàng lớn bắt đầu tăng lãi suất huy động.
Hiện, Agribank đang áp dụng mức lãi 3,7%/năm cho kỳ hạn 6 tháng và 4,8%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. BIDV và VietinBank niêm yết 3,3%/năm cho kỳ hạn 6 tháng, 4,7%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. Vietcombank đưa ra mức thấp hơn, chỉ 2,9%/năm cho kỳ hạn 6 tháng và 4,6%/năm cho kỳ hạn 12 tháng.
Ở chiều ngược lại, một số ngân hàng giảm lãi suất tiền gửi. Chẳng hạn BacABank, NCB và TPBank giảm lãi suất từ 0,1-0,3%/năm các kỳ hạn từ 1-36 tháng, tại quầy và online.
Sự gia tăng của lãi suất huy động, một cách tất yếu, sẽ tác động tới lãi suất cho vay. Thông thường, biên độ giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay sẽ là 3,5% - 4%. Điều này đồng nghĩa với việc lãi suất cho vay sẽ “nhích” lên theo đà tăng của lãi suất huy động.
Lãi suất huy động còn tăng?
Dự báo về xu hướng lãi suất thời gian tới, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng diễn biến lãi suất giai đoạn cuối năm 2024, đầu năm 2025 là một chỉ dấu cho thấy nhiều khả năng mặt bằng lãi suất năm 2025 sẽ tăng lên.
Tuy nhiên, mức tăng của lãi suất sẽ là không lớn, bởi Chính phủ sẽ ưu tiên mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đồng nghĩa với việc sẽ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước giữ mặt bằng lãi suất ở mức thấp.
“Tôi cho rằng lãi suất có thể tăng 1 điểm % và đây là mức chấp nhận được", ông Huân nói.
Còn Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) kỳ vọng tốc độ tăng lãi suất huy động sẽ theo hướng nhích dần đều, nhưng vẫn ở mặt bằng thấp so với giai đoạn trước Covid-19.
VCBS nhận định mức lãi suất huy động sẽ tăng nhẹ từ 0,2 - 0,3 điểm % ở các kỳ hạn trung và dài hạn cho giai đoạn cuối năm 2024 và đi ngang trong năm 2025.
Ngày 24/2, trong công điện gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Thủ tướng cho biết thời gian qua Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo ngành ngân hàng tiếp tục có giải pháp giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, vừa qua vẫn có một số ngân hàng thương mại điều chỉnh tăng lãi suất huy động, là yếu tố tác động làm tăng lãi suất cho vay.
Do đó, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan thanh, kiểm tra các ngân hàng thương mại điều chỉnh tăng lãi suất huy động thời gian qua.