Lãi suất huy động vẫn đua tăng, xuất hiện lãi suất đặc biệt lên đến 9,5%/năm

Xu hướng tăng lãi suất huy động vẫn tiếp diễn ở hầu hết các ngân hàng trong tháng 9 nhưng có sự phân hóa khi xuất hiện một vài ngân hàng áp dụng mức lãi suất đặc biệt lên đến 9,5%/năm.

Theo biểu lãi suất tiết kiệm của 28 ngân hàng thương mại tại ngày 17/9, một số ngân hàng tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất từ 0,1 - 0,7 điểm phần trăm so với tháng cuối tháng 8, chủ yếu tăng mạnh ở các kỳ hạn 1-3 tháng…

Nửa đầu tháng 9 có 9 ngân hàng tăng lãi suất

Thống kê từ đầu tháng 9 đến nay có 9 ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động: Dong A Bank, OceanBank, VietBank, GPBank, Agribank, Bac A Bank, NCB, OCB, BVBank.

Ngược lại, ABBank là ngân hàng đầu tiên giảm lãi suất huy động với mức giảm từ 0,1-0,4%/năm các kỳ hạn 1-12 tháng.

Mức lãi suất 6,1%/năm cũng được xem là hiếm hoi hiện nay và chỉ được một số nhà băng niêm yết cho tiền gửi kỳ hạn dài. Điển hình, HDBank niêm yết mức lãi suất này cho kỳ hạn 18 tháng. SHB và Saigonbank cũng đang niêm yết lãi suất 6,1%/năm cho kỳ hạn 36 tháng; OceanBank từ lâu đã niêm yết mức lãi suất này cho tiền gửi kỳ hạn từ 18-36 tháng.

Trong khi đó, mức lãi suất 6%/năm đang được áp dụng tại các ngân hàng như BaoViet Bank với kỳ hạn 15-36 tháng; Dong A Bank với kỳ hạn 18-36 tháng; Saigonbank với kỳ hạn 13-24 tháng và HDBank với kỳ hạn 15 tháng.

Từ đầu tháng 9 đến nay có 9 ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động.

Từ đầu tháng 9 đến nay có 9 ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động.

Tại các ngân hàng, khách hàng gửi tiết kiệm trực tuyến (online) thường nhận được lãi suất cao hơn so với gửi tại quầy từ 0,2 - 0,3 điểm phần trăm.

Ngoài mức lãi suất niêm yết, hiện nay, nhiều nhà băng có những chính sách lãi suất đặc biệt dao động trong khoảng 7,0-9,5%/năm, áp dụng cho nhiều đối tượng khách hàng khác nhau, tùy thuộc vào giá trị tiền gửi.

Cao nhất thị trường là lãi suất 9,5%/năm được niêm yết tại PVcomBank: Khách hàng của PVcomBank sẽ được hưởng mức lãi suất đặc biệt 9,5%/năm khi có số dư tiền gửi mở mới từ 2.000 tỷ đồng trở lên.

HDBank cũng niêm yết mức lãi suất đặc biệt 7,7%/năm ở kỳ hạn 12 tháng và 8,1%/năm ở kỳ hạn 13 tháng, áp dụng cho các khoản tiết kiệm tối thiểu từ 500 tỷ đồng trở lên/thẻ tiết kiệm, không áp dụng huy động hình thức lãi đầu kỳ, lãi định kỳ.

Dong A Bank đang niêm yết mức lãi suất đặc biệt 7,5%/năm với khách hàng gửi kỳ hạn từ 13 tháng trở lên, lãi cuối kỳ với khoản tiền gửi từ 200 tỷ đồng trở lên.

MSB áp dụng lãi suất đặc biệt 7,0%/năm với khách hàng có sổ tiết kiệm mở mới hoặc sổ tiết kiệm mở từ ngày 1/1/2018 tự động gia hạn có kỳ hạn gửi 12 tháng, 13 tháng và số tiền gửi từ 500 tỷ đồng.

Lãi vay sẽ ra sao?

Làn sóng tăng lãi suất tiết kiệm bắt đầu mạnh lên từ đầu tháng 4 năm nay. Thời điểm đó, lãi suất cao nhất hệ thống cho kỳ hạn 12 tháng chỉ quanh 5%/năm, hiện lên 6,2%/năm. Số ngân hàng trả lãi suất từ 5% trở lên hiện cũng nhiều hơn, từ 12 lên 29 đơn vị.

Về diễn biến lãi suất thời gian qua, MBS Research cho rằng, đà tăng của lãi suất tiết kiệm vẫn tiếp tục duy trì trong tháng 8 trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng đang lấy lại đà phục hồi khiến các nhà băng phải điều chỉnh lãi suất nhằm thu hút tiền gửi.

Việc nợ xấu tăng cao (nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống đến cuối tháng 6 năm nay đã tăng 5,77% so với cuối năm 2023) cũng góp phần thúc đẩy các ngân hàng đẩy mạnh việc huy động vốn mới nhằm đảm bảo thanh khoản.

Theo giới phân tích, lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại lớn có thể tăng nhẹ trong những tháng cuối năm. Công ty chứng khoán MBS Research dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn sẽ có thể nhích thêm 0,5% vào cuối năm.

Ở chiều ngược lại, trong bối cảnh nhiều ngân hàng đang phải cạnh tranh thu hút tiền gửi, việc giữ ổn định biên lợi nhuận (NIM) là ưu tiên, nên các ngân hàng sẽ cân nhắc rất kỹ trước khi quyết định giảm lãi suất cho vay, đặc biệt với các khoản vay dài hạn hoặc trong các lĩnh vực có rủi ro cao.

Các chuyên gia nhận định lãi suất đầu ra sẽ vẫn duy trì ở mặt bằng hiện tại trong bối cảnh các cơ quan quản lý và các ngân hàng thương mại đang nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn. Đặc biệt, sau những thiệt hại do cơn bão số 3 (Yagi) gây ra, ngành ngân hàng đang khẩn trương vào cuộc cơ cấu nợ, giảm lãi suất và cho vay mới để phục hồi sản xuất kinh doanh theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.

Theo đó, nhiều ngân hàng đã công bố giảm lãi suất cho vay cũ và mới từ 0,5 -2% như: VPBank, MSB, Agribank, BIDV, VietinBank, ACB…

Hiện tại, lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng dao động từ 6,3-7,8%; vay ưu đãi các lĩnh vực ưu tiên ở mức 5 - 6%/năm. Vì vậy, với mức giảm 0,5-2%/năm từ phía các nhà băng, người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bão Yagi có nguồn lực phục hồi sản xuất, từ đó có nguồn tiền hoàn trả lại ngân hàng.

Với lãi cho vay các đối tượng khách hàng thông thường, các chuyên gia nhận định, mặc dù Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, nhưng khả năng thực hiện sẽ không đồng đều giữa các ngân hàng. Các ngân hàng có thanh khoản dồi dào hoặc cơ cấu vốn mạnh có thể thực hiện giảm lãi suất nhanh hơn so với các ngân hàng nhỏ, có tỷ lệ NIM thấp và phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn huy động từ thị trường. Những ngân hàng có lượng tiền gửi không kỳ hạn lớn (CASA cao) có thể dễ dàng giảm lãi suất hơn so với những ngân hàng có tỷ lệ tiền gửi dài hạn lớn với lãi suất huy động cao.

Huyền Anh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/lai-suat-huy-dong-van-dua-tang-xuat-hien-lai-suat-dac-biet-len-den-9-5-nam-1102428.html
Zalo