Lại một mùa Giáng sinh buồn ở Gaza
Những người theo Cơ đốc giáo ở Gaza tiếp tục đón một mùa Giáng sinh buồn khi xung đột vẫn chưa chấm dứt và điều kiện sống vẫn rất khó khăn.
Ông Ramez Souri – một người theo Cơ đốc giáo ở Gaza – nói rằng ông nhận ra chẳng có điều gì đáng để ăn mừng vào dịp Giáng sinh này.
Sau 14 tháng xung đột, ông phải ngủ trên khuôn viên của nhà thờ St. Porphyrius ở TP Gaza. Sau cuộc không kích của Israel vào TP này vào năm 2023, 3 đứa con của ông đã thiệt mạng.
"Năm nay, chúng tôi tiến hành các nghi lễ tôn giáo và thế là xong. Chúng tôi vẫn đang để tang và quá buồn để có thể ăn mừng hoặc làm bất cứ điều gì ngoại trừ cầu nguyện cho hòa bình" – ông Souri nói.
Kể từ khi xung đột Israel-Hamas nổ ra vào tháng 10-2023, hàng trăm người theo Cơ đốc giáo tại Gaza đã tụ tập tại hai nhà thờ ở TP Gaza: nhà thờ Chính thống giáo St. Porphyrius và nhà thờ Công giáo Holy Family.
Nhưng hiện tại, một số người cho rằng cộng đồng này có thể đang gặp nguy cơ không thể tiếp nối lịch sử 1.600 năm của họ. Giống như nhiều người dân Gaza, một số người theo Cơ Đốc giáo chỉ hy vọng thoát khỏi vùng đất này sau nhiều tháng chứng kiến cảnh thiếu thốn, mất mát và bị tấn công. Đối với nhiều người rời bỏ mảnh đất này, họ vẫn chưa cảm thấy đủ an toàn để có thể quay về nhà.
"Tương lai của người theo Cơ đốc giáo ở Gaza đang bị thử thách. Tôi yêu quê hương của mình. Tất cả chúng ta đều yêu quê hương nhưng tôi sẽ không trở về trước khi đánh giá tình hình chính trị và kinh tế" – ông Kamel Ayyad, người làm việc tại nhà thờ St. Porphyrius cho biết. Ông Ayyad đã chạy trốn sang Ai Cập vào tháng 11-2023.
14 tháng khó khăn
Theo ước tính, dân số ở Gaza theo Cơ đốc giáo dao động từ khoảng 800 đến hơn 1.000 người. Hàng trăm người trong số họ được cho là đã rời Gaza đến Ai Cập, Canada và Úc kể từ khi xung đột bắt đầu. Họ bao gồm người Công giáo – những người mừng Giáng sinh vào ngày 25-12 và Chính thống giáo – những người mừng lễ Giáng sinh vào ngày 7-1.
Linh mục Munther Isaac – linh mục người Palestine ở Bethlehem (thuộc Bờ Tây) – cho biết nhiều người theo Công giáo ở lại Gaza đã chứng kiến cảnh nhà cửa của họ bị phá hủy và giờ đây chỉ muốn giữ an toàn cho con cái của họ.
“Tôi hy vọng mình sai, nhưng tôi sẽ ngạc nhiên nếu có sự hiện diện mạnh mẽ của Cơ đốc giáo sau xung đột ở Gaza. Họ [những tín đồ Cơ đốc giáo] nói với chúng tôi: ‘Chúng tôi chỉ muốn rời đi, chúng tôi chỉ muốn thoát khỏi địa ngục này’” – linh mục Isaac nói.
Sau khi Israel đổ bộ vào Gaza, nhiều người theo Cơ đốc giáo ở lại miền bắc dải đất phải trú ngụ trong các nhà thờ.
"Chúng tôi nhanh chóng hiểu rằng cuộc xung đột này không giống như các cuộc chiến trước đây, vốn được cộng đồng quốc tế can thiệp sau 1 hoặc 2 tuần" – ông George Anton, một người dân Gaza trú ẩn tại nhà thờ Holy Family, cho biết.
Dù vậy, nhà thờ cũng không phải là nơi an toàn. Vào ngày 19-10-2023, một cuộc không kích của Israel đã đánh trúng vào một công trình gần nhà thờ St. Porphyrius, phá hủy một tòa nhà bên trong khuôn viên nhà thờ, khiến 18 người thiệt mạng.
Phía Israel cho biết họ coi 2 nhà thờ Thiên chúa giáo ở Gaza là "những địa điểm nhạy cảm" và thực hiện các biện pháp phòng ngừa để tránh gây hại cho những nơi này.
Tuy nhiên, cuộc không kích vào nhà thờ St. Porphyrius không phải là lần cuối cùng cơ sở thờ tự của Cơ đốc giáo tại Gaza bị tấn công. Vào tháng 12-2023, 2 phụ nữ đã thiệt mạng tại nhà thờ Holy Family, khi lực lượng bộ binh của Israel đang chiến đấu trong TP.
Thay đổi sau khi Hamas nắm quyền
Trước xung đột, những người theo Cơ đốc giáo ở Gaza là những người thành đạt sống ở Rimal - một khu phố từng thịnh vượng ở TP Gaza. Họ thường gửi con đến trường học ban ngày tại nhà thờ Holy Family, đi lễ tại nhà thờ St. Porphyrius – một trong những nhà thờ lâu đời nhất trên thế giới.
Tuy nhiên, giống như những người dân Gaza khác, nhiều người theo Cơ đốc giáo ở vùng đất này cho biết cuộc sống của họ từ lâu đã bị cuộc xung đột và lệnh phong tỏa của Israel ảnh hưởng nặng nề. Chính quyền Hồi giáo của vùng đất này, vốn do Hamas lãnh đạo, cũng khiến họ đặc biệt lo lắng.
Hamas đã có một số động thái tiếp cận với những người theo Cơ đốc giáo, chẳng hạn cho phép các quan chức cấp cao công khai chào mừng các ngày lễ của đạo Thiên chúa. Tuy nhiên, theo nhà phân tích chính trị Khalil Sayegh, Hamas có một số động thái khiến cộng đồng Cơ đốc giáo không thể thực hiện những quyền hợp pháp của họ.
Trước khi Hamas nắm quyền kiểm soát hoàn toàn Gaza vào năm 2007, những người theo Cơ đốc giáo thường đặt một cây thông Noel lớn gần một quảng trường lớn ở TP Gaza. Nhiều người mặc đồng phục đầy màu sắc diễu hành trên đường phố, cùng nhau chơi nhạc lễ hội để chào đón ngày lễ.
Ông Sayegh kể sau khi Hamas giành được quyền lãnh đạo Gaza, những người theo Cơ đốc giáo chủ yếu tổ chức lễ tại nhà và nhà thờ.
"Những người theo Cơ đốc giáo được phép thờ phụng tại nhà thờ, diễu hành trên đất của nhà thờ. Nhưng mặt khác, họ không có tự do" – ông Sayegh cho biết.
Dù khó khăn là vậy, những người theo Cơ đốc giáo ở Gaza vẫn tiếp tục dựa vào đức tin của mình khi xung đột vẫn tiếp diễn. Tình đoàn kết cộng đồng vẫn tồn tại, ngay cả khi phải chịu đựng nạn đói và tình trạng phải sơ tán. Họ cũng nhận được sự hỗ trợ từ các nhà thờ trên khắp thế giới.
Giữa khó khăn, họ vẫn mở lớp học tại nhà thờ, nấu món ăn bằng tất cả nguyên liệu họ có để phân phát cho những người bị đói.
"Mặc dù nó không có hương vị như mong đợi, chúng tôi muốn làm điều gì đó để chứng tỏ rằng chúng tôi vẫn ở đây, bất chấp tất cả" – ông Souri cho biết.