Lafooco - Công ty của PAN phải thế chấp nhiều tài sản để duy trì vay vốn ngắn hạn

Để đảm bảo dòng tiền hoạt động, CTCP Chế biến hàng Xuất khẩu Long An (Lafooco) đã phải thế chấp nhiều tài sản quan trọng, bao gồm quyền sử dụng đất, máy móc thiết bị, và hàng tồn kho.

Công ty Cổ phần Chế biến hàng Xuất khẩu Long An (Lafooco, mã: LAF) vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2024, với một số biến động đáng chú ý. Doanh thu thuần trong nửa đầu năm 2024 đạt hơn 211 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, điểm nổi bật là lợi nhuận sau thuế đạt 15,5 tỷ đồng, tăng mạnh 58% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo giải trình từ phía lãnh đạo doanh nghiệp, nguyên nhân chính dẫn đến sự tăng trưởng này là do giá vốn hàng bán trong kỳ giảm, đồng thời giá bán và biên lợi nhuận của một số sản phẩm tiêu thụ đã được cải thiện đáng kể.

Các sản phẩm của LAF

Các sản phẩm của LAF

Tại thời điểm 30/6/2024, tổng tài sản của LAF đạt 334,2 tỷ đồng. Trong số này, tiền gửi ngân hàng chỉ ở mức 4 tỷ đồng, giảm 1,7 tỷ đồng so với đầu năm.

Doanh nghiệp cũng có khoản phải thu ngắn hạn từ khách hàng gần 28 tỷ đồng, trong đó 18,2 triệu đồng là phải thu từ các bên liên quan. Đặc biệt, một phần khoản phải thu ngắn hạn này đã được thế chấp để đảm bảo cho khoản vay ngắn hạn tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Ngoài ra, Lafooco đã thế chấp toàn bộ quyền sử dụng đất tại Cụm Công nghiệp Lợi Bình Nhơn, TP. Tân An, tỉnh Long An để đảm bảo cho các khoản vay ngắn hạn khác.

Hàng tồn kho của LAF ghi nhận mức tăng nhẹ lên 186 tỷ đồng, chiếm 55% tổng tài sản. Trong đó, nguyên vật liệu chiếm 101,3 tỷ đồng, còn thành phẩm ở mức 63,2 tỷ đồng. Giá trị hàng tồn kho này cũng đã được thế chấp để bảo đảm cho các khoản vay ngắn hạn tại Vietcombank.

Về nợ ngắn hạn, đến cuối tháng 6/2024, LAF ghi nhận khoản vay ngắn hạn ở mức 101,8 tỷ đồng, tăng 10,6 tỷ đồng so với đầu năm. Vietcombank là chủ nợ lớn nhất với khoản vay 64,3 tỷ đồng, tiếp theo là VietinBank với 26,7 tỷ đồng, và Ngân hàng Hong Leong Việt Nam với 10,8 tỷ đồng.

Thuyết minh cho thấy, khoản vay với Vietcombank được bảo đảm bằng máy móc thiết bị, hàng tồn kho, hàng hóa luân chuyển, quyền đòi nợ, khoản thu phát sinh từ các hợp đồng thương mại của khách hàng với giá trị tối thiểu bằng số dư cấp tín dụng ngắn hạn của công ty tại Vietcombank.

Trong khi đó, tại VietinBank, khoản vay được bảo đảm bằng một phần quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, máy móc thiết bị tại số 81B, Quốc lộ 62, TP. Tân An (tỉnh Long An) - trụ sở đăng ký của công ty.

Ngoài ra, còn có tài sản gắn liền trên đất tại Lô I.1, đường số 1, cụm Công nghiệp Lợi Bình Nhơn, xã Bình Nhơn, TP. Tân An (tỉnh Long An). Đây được biết là chi nhánh của CTCP Chế biến Hàng Xuất khẩu Long An - Nhà máy Lafoooco. Số dư tín dụng cũng được đảm bảo bằng hàng tồn kho luân chuyển và khoản phải thu khách hàng.

Lương thù lao dàn lãnh đạo trong quý II ở mức 967,3 tỷ đồng (+237,3 tỷ đồng so với quý I/2024). Trong đó, lương thù lao của ông Nguyễn Văn Khải - Chủ tịch HĐQT kiêm thành viên UBKT ở mức 150 triệu đồng (+120 triệu đồng so với quý trước); bà Nguyễn Thái Hạnh Linh - Ủy ban kiểm toán ở mức 96 triệu đồng (+72 triệu đồng); ông Phan Ngọc Sơn TGĐ kiêm Thành viên HĐQT có lương thu lao cao nhất với 397 triệu đồng (+43 triệu đồng); bà Huỳnh Thị Ngọc Mỹ - Phó TGĐ có lương thù lao ở mức 208 triệu đồng...

Trong quý II, LAF giao dịch với các bên liên quan: cho CTCP Cà phê Golden Beans vay 5 tỷ đồng, lãi cho vay Cà phê Golden Beans gần 61 triệu đồng; Mua hàng hóa dịch vụ tại CTCP Khử trùng Việt Nam 123 triệu đồng...

Vốn chủ sở hữu của LAF hiện ở mức 148,3 tỷ đồng, trong đó CTCP Tập đoàn PAN nắm tới 80,52%, còn lại là vốn góp của các đối tượng khác.

Minh Hoàng

Nguồn Thị Trường Tài Chính: https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/chung-khoan/lafooco-cong-ty-cua-pan-phai-the-chap-nhieu-tai-san-de-duy-tri-vay-von-ngan-han-125243.html
Zalo