Lạc Sơn trao sinh kế để người nghèo vươn lên

Tham gia dự án hỗ trợ sinh kế, các hộ được tự lựa chọn trâu, bò theo hợp đồng đã ký kết với đơn vị cung ứng, được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi.

Năm 2024, huyện Lạc Sơn (Hòa Bình) được phân bổ trên 30 tỷ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Trong đó, huyện ưu tiên kinh phí trên 19,3 tỷ đồng cho dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; 5 tỷ đồng cho dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng trong lĩnh vực nông nghiệp. Nguồn vốn còn lại thực hiện dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; truyền thông và giảm nghèo về thông tin; nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá thực hiện chương trình.

Chăm lo chiều thiếu hụt việc làm, tạo sinh kế cho người dân nghèo tăng cơ hội nâng cao thu nhập và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, huyện Lạc Sơn đang đẩy mạnh thực hiện Dự án 2 – Đa dạng hóa sinh kế phát triển mô hình giảm nghèo và Dự án 3, tiểu dự án 1 – Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp.

Tổng nguồn kinh phí thực hiện dự án trên 24,3 tỷ đồng, từ Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững năm 2024. Huyện triển khai 22 dự án chăn nuôi trâu, bò sinh sản; 10 dự án chăn nuôi gà ri Lạc Sơn. Đối tượng tham gia mô hình là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.

Hiện nay, các xã đang tổ chức bàn giao, cấp con giống đến các hộ hưởng lợi. Trước đó, các hộ tham gia mô hình được tự lựa chọn trâu, bò theo hợp đồng đã ký kết với đơn vị cung ứng; được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi. Các dự án trao sinh kế này nhằm tạo cơ hội để các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nguồn sinh kế lâu dài, tạo thu nhập ổn định, nâng cao đời sống.

Các dự án hỗ trợ này nhằm tạo cơ hội để các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nguồn sinh kế lâu dài.

Các dự án hỗ trợ này nhằm tạo cơ hội để các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nguồn sinh kế lâu dài.

Ngọc Lâu là xã vùng cao, đặc biệt khó khăn thuộc huyện Lạc Sơn. Nhờ thực hiện các chương trình MTQG, trong đó có chương trình giảm nghèo bền vững, người nghèo, hộ nghèo ở đây tăng cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, cải thiện chất lượng cuộc sống. Hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo còn 31,91% (giảm 5,65% so với năm 2022); hộ cận nghèo còn 25,5% (giảm 6,56% so với năm 2022).

Năm 2024, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo của 5/5 xóm về con giống, thức ăn chăn nuôi. Theo đó, mỗi hộ tham gia mô hình được dự án bàn giao, tiếp nhận 180 con gà ri Lạc Sơn và 234 kg thức ăn chăn nuôi.

Năm 2024, sau gần 1 năm thực hiện dự án chăn nuôi bò sinh sản thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững huyện (kéo dài 36 tháng), đàn bò do các hộ nghèo, cận nghèo tại xã Ngọc Lâu nuôi, đang phát triển khỏe mạnh, một số con sắp ở thời kỳ sinh sản.

Bà Bùi Thị Nga, hộ cận nghèo xóm Xê, chia sẻ nhờ được hỗ trợ con giống tạo nguồn sinh kế ban đầu và tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, những hộ cận nghèo như nhà bà có thêm động lực vươn lên thoát nghèo. Theo bà, các hộ tham gia mô hình còn hăng hái sản xuất, chủ động gia cố, vệ sinh khu vực chuồng trại, mở rộng diện tích trồng cỏ và chuẩn bị thức ăn dự trữ cho vật nuôi.

Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, xã Ngọc Lâu định hướng vừa phát triển sản xuất chăn nuôi, trồng trọt, vừa chú trọng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, đẩy mạnh chương trình đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với thu nhập cao, chế độ đãi ngộ tốt.

Tại xã Định Cư, theo Kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững huyện năm 2024, xã phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 10,57%, hộ cận nghèo còn 4,26%. Để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, xã Định Cư triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Trong đó, xã nhân rộng một số mô hình kinh tế hiệu quả, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo qua từng năm, nâng cao thu nhập, chất lượng đời sống nhân dân.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/hoa-binh-lac-son-trao-sinh-ke-de-nguoi-ngheo-vuon-len-2332073.html
Zalo