Lạc quan cách mạng - năng lượng tinh thần tích cực của Bộ đội Cụ Hồ

Tinh thần lạc quan là một trong những phẩm chất ưu việt có tính đặc trưng của Bộ đội Cụ Hồ. Đại tướng Pháp Marcel Bigeard khi viết hồi ký vẫn chưa xóa hết ấn tượng kinh ngạc về đối phương. Đó là hình ảnh 'những ngươi lính dẻo dai có thể đi bộ 50km trong đêm tối bằng sức của một bát cơm, trên những đôi giày ba-ta và hát vang trên đường ra trận'. Nỗi kinh ngạc đó đồng thời hàm chứa một phát hiện sinh động về phẩm chất lạc quan của bộ đội ta.

Một thuộc tính tinh thần tích cực của Bộ đội Cụ Hồ

Lạc quan là một phẩm chất tư tưởng, một dạng cảm xúc tâm lý, song cũng có thể ngưng đọng, kết tinh trên bình diện tư tưởng, như một cách nhìn cuộc sống, một quan điểm, lập trường một khía cạnh của thế giới quan. Người lạc quan là người có thiên hướng nhìn nhận và đánh giá sự vật theo chiều hướng tích cực, khả thi, đi tới một tương lai tốt đẹp. Các nhà tâm lý học đã hình dung và mô tả kết quả nhìn nhận thế giới của người lạc quan (optimista) và người bi quan (pesimista). Trước một cốc nước đầy, người bi quan chỉ nhìn thấy lưng cốc nước bên trong, còn người lạc quan luôn thấy cả cốc nước tràn đầy. Bi quan gắn liền với thái độ yếm thế, buồn bã, chán đời.

Lạc quan gắn liền với tâm trạng vui vẻ, sống vượt thoát khỏi áp lực của những hoàn cảnh khó khăn, nguy hiểm, thậm chí có thể chủ động nhìn thế giới bằng cái nhìn khôi hài, hóm hỉnh. Tiếng cười như vũ khí của kẻ mạnh. Người bi quan có thể nhìn người lạc quan như những kẻ mộng du, ngây thơ dễ dãi và ảo tưởng. Ngược lại, ở một thái cực khác, người lạc quan có thể coi người bi quan như những kẻ yếu đuối, khó tính và chán đời.

Ngay từ những năm đầu thành lập, Bộ đội Cụ Hồ là tập thể các chàng lính trẻ, tuy được trang bị thô sơ, nghèo khó nhưng cuộc sống thật vui tươi, luôn rộn rã tiếng cười. Bài thơ “Nhớ” của Hồng Nguyên viết đầu thời kỳ chống thực dân Pháp có đoạn: “Chúng tôi đi/ Nắng mưa sờn mép ba lô/ Tháng năm bạn cùng thôn xóm/ Nghỉ lại lưng đèo/ Nằm trên dốc nắng/ Kỳ hộ lưng nhau ngang bờ cát trắng/ Quờ chân tìm hơi ấm đêm mưa/ - Đằng nớ vợ chưa?/- Đằng nớ?/ - Tớ còn chờ độc lập!/ Cả lũ cười vang bên ruộng bắp/ Nhìn o thôn nữ cuối nương dâu”.

Hình ảnh người lính trong bài thơ “Nhớ” thể hiện sinh động một đặc điểm cơ bản của Bộ đội Cụ Hồ. Đó là đức tính chất phác, giản dị, yêu đời. Hai tiếng “độc lập” mà người lính nhắc đến trong thơ không chỉ có ý nghĩa giới hạn về thời gian-ngày độc lập mà còn là khái niệm chỉ rõ mục tiêu, lý tưởng của người cầm súng.

Tinh thần lạc quan của người lính không phải là một hiện tượng tâm lý bề ngoài, trang trí cho chân dung anh bộ đội, mà là một thuộc tính tinh thần tất yếu, bắt nguồn từ bản chất bên trong của Quân đội nhân dân Việt Nam. Khác với quân đội các thời đại trước, phần lớn mang tính công cụ của một dòng họ, một triều đại phong kiến, chỉ thống nhất lực lượng và trở thành sức mạnh dân tộc khi chống giặc ngoại xâm, Bộ đội Cụ Hồ là quân đội của nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Tất nhiên quân đội nước nào, thời đại nào cũng chỉ có một nguồn tuyển quân duy nhất là nhân dân lao động.

Thời phong kiến cũng như thời kháng chiến chống thực dân Pháp, người lính phần lớn vẫn là những người nông dân cầm giáo rồi cầm súng. Sự khác biệt ở đây, là vượt lên tính chất lý lịch, người lính Cụ Hồ ra đi từ nhu cầu, nguyện vọng trong lòng dân. Tính nhân dân của Quân đội nhân dân Việt Nam là tính nhân dân tự giác. Điểm xuất phát, sự ra đời của Quân đội chúng ta không dừng lại ở bình diện xã hội, hành chính, mà có tính văn hóa sâu xa.

Trước hết, tinh thần lạc quan của người lính Cụ Hồ bắt nguồn từ tinh thần lạc quan truyền thống của nhân dân lao động. Đó là sự lạc quan, yêu đời, được tích lũy, kế thừa qua hàng ngàn đời nay của người lao động. Tinh thần lạc quan của người lính Việt Nam hôm nay ít nhiều mang tính dân gian và tính dân tộc. Đặc tính đó, nếu không có, dân tộc Việt Nam không thể tồn tại, không thể “vượt thoát” khỏi những âm mưu thôn tính và đồng hóa dai dẳng của ngoại xâm.

Ca sĩ Dương Đức (Đoàn Văn công Quân khu 1) hát cùng chiến sĩ. Ảnh: VƯƠNG HÀ

Ca sĩ Dương Đức (Đoàn Văn công Quân khu 1) hát cùng chiến sĩ. Ảnh: VƯƠNG HÀ

Tuy vậy, yếu tố quyết định cho sự lạc quan của người lính Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh chủ yếu bắt nguồn từ niềm tin sâu xa vào lý tưởng mà mình theo đuổi. Người lính tin vào sự chiến thắng tất yếu, cuối cùng, có tính quy luật của lịch sử. Sự lạc quan đó không dừng lại ở cấp độ cảm xúc, tâm lý cá nhân, mà được thiết lập trên cơ sở của sự nhận thức lý trí. Sự lạc quan không đồng nghĩa với những biểu hiện cảm xúc vui vẻ, đồng nhất với tiếng cười. Nếu không có cơ sở vững chắc của tư duy lý tính, lạc quan có thể trở thành sự huyễn tưởng hoặc chỉ là một cảm thức lãng mạn. Được hình thành trên nền tảng của lý trí và niềm tin, tinh thần lạc quan có thể kết tinh vững chãi như một lập trường, một chủ nghĩa lạc quan. Đó là chủ nghĩa lạc quan cách mạng.

Năm 1966 trong một trận đánh ở chiến trường Thủ Dầu Một-Nam Bộ, có 11 chiến sĩ của Trung đoàn Bình Giã nhận nhiệm vụ xuyên rừng, tỏa đi nhiều phía đánh lạc hướng kẻ thù, tạo thời cơ cho đơn vị rút lui. Sau nhiều ngày đánh lạc hướng địch, chính các chiến sĩ, đến lượt mình, cũng bị lạc vào rừng sâu, hết lương ăn, hết phương tiện liên lạc, đói, bệnh, lần lượt hy sinh cho đến 3 người cuối cùng. Sau đó, chúng ta đã tìm thấy 3 cánh võng buộc chụm đầu và hài cốt 3 chiến sĩ cùng lá thư viết chung của 3 chiến sĩ “gửi lại mai sau”.

Bức thư có đoạn: “Chúng tôi sẽ chết ung dung thư thái như đã từng sống mãnh liệt mà thư thái với công việc chúng tôi đã làm... Chúng tôi mong được ghi nhận rằng, chúng tôi đã từng sống, chiến đấu và chết trong một mùa xuân giữa đất trời như trăm ngàn cái chết của người Việt Nam chân chính cho Tổ quốc và dân tộc sống còn... Hay trong trường hợp đến 50, 100 năm nữa, thư này mới tới những người có thể gọi là thế hệ mai sau, thì cho phép chúng tôi gửi lời chào xã hội chủ nghĩa...Và hơn thế nữa cho gửi lời chào niềm nở nhất đến những con người ở những vì sao xa xôi, những người bạn mới giữa các hành tinh”.

Tâm trạng của 3 chiến sĩ nối tay nhau chấp bút viết một lá thư chung trước lúc qua đời là một biểu hiện của chủ nghĩa lạc quan cách mạng cao cả nhất. 3 chiến sĩ hy sinh âm thầm trong rừng sâu là một câu chuyện bi tráng, đồng thời cũng là một bi kịch lạc quan. Chính tinh thần lạc quan cách mạng đã làm cho họ tuy chết về thể xác nhưng trở nên bất tử và là sự chiến thắng tuyệt đối về phương diện tinh thần.

Nguồn lực tinh thần nội sinh, tạo nên sức mạnh chiến đấu

Không phải bất cứ quân đội nước nào cũng có được tư tưởng lạc quan như Quân đội nhân dân Việt Nam. Quân đội ở nhiều nơi, nhiều lúc chỉ thực thi nhiệm vụ theo chức năng của một công cụ bạo lực, phục vụ cho một nhóm lợi ích hay tập đoàn thống trị nào đó. Có thể coi quân đội đó như một cỗ máy đánh thuê chuyên nghiệp, nhiều khi tham chiến chỉ để trả nợ chính phủ hoặc đem lại nguồn tài chính nhất định cho nhà nước.

Ngược lại, Quân đội nhân dân Việt Nam là một lực lượng vũ trang chỉ chiến đấu, hy sinh cho một mục tiêu cao cả và duy nhất là độc lập, tự do dân tộc và hạnh phúc của nhân dân. Đó cũng là một đội quân cách mạng, chiến đấu bằng lý tưởng cách mạng, vì chiến thắng và thành công của chủ nghĩa xã hội. Lý tưởng đó đã tạo nên lòng tin và tinh thần lạc quan trước sự vận động và phát triển của lịch sử nhân loại.

Khi định danh bộ đội Việt Nam là Bộ đội Cụ Hồ là chúng ta nhận ra có sự tương đồng hay sự ảnh hưởng sâu xa từ nhân cách đạo đức Hồ Chí Minh tới Quân đội nhân dân Việt Nam, trong đó có tư tưởng lạc quan cách mạng. Trong những tháng ngày bị quân Tưởng Giới Thạch cầm tù, với cảm giác khổ sở “nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại” Bác vẫn lạc quan tin tưởng vào cơ hội “nhà lao mở cửa ắt rồng bay”, vì “Trong ngục giờ đây mờ mịt tối/ Ánh hồng trước mặt đã bừng soi”.

Vì vậy có thể nói, tư tưởng lạc quan đã trở thành phẩm chất xuyên suốt lịch sử 80 năm ra đời và phát triển của Quân đội chúng ta. Mỗi người lính Cụ Hồ không thể không mang trong lòng mình phẩm chất lạc quan cách mạng của vị lãnh tụ kính yêu đã khai sinh ra Quân đội.

Cũng xuất phát từ lý do trên, mà ngay sau khi thành lập, trong kháng chiến chống thực dân Pháp, dấu chân hành quân của chiến sĩ Vệ quốc quân giống như tín hiệu của mùa xuân, tín hiệu của sự hồi sinh cuộc sống: “Anh về cối lại vang rừng/ Chim kêu quanh mái gà mừng dưới sân/ Anh về sáo lại ái ân/ Đêm trăng hò hẹn trong ngần tiếng ca” (Tố Hữu). Nhờ sự lạc quan mà trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, anh giải phóng quân mới “Xẻ dọc trường sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai” (Tố Hữu); những chàng lính lái xe không kính mới “nhìn nhau mặt lấm cười ha ha”, những người lính trẻ vào mặt trận mới cảm thấy “Giữa chiến trường nghe tiếng bom rất nhỏ” (Phạm Tiến Duật).

Niềm tin chiến thắng và tinh thần lạc quan cách mạng đã biến tất cả người lính trở thành ca sĩ. Họ là ca sĩ của đồng đội và khi cần giữ bí mật, họ vẫn hát, tiếng hát nội tâm, trở thành ca sĩ của riêng mình. Họ luôn cảm thấy “Bác kính yêu đang cùng chúng cháu hành quân” (Huy Thục). Hình ảnh Bác như ngọn đèn thắp sáng niềm tin suốt hai cuộc chiến tranh yêu nước trường kỳ. Ca hát trên tinh thần “tiếng hát át tiếng bom” và sinh hoạt văn hóa, văn nghệ nội bộ đơn vị đã trở thành nhu cầu và biểu hiện rõ rệt của tinh thần lạc quan Quân đội.

Lạc quan là một khái niệm có nội hàm khá linh động, vì có nhiều cấp độ lạc quan. Một niềm vui bất chợt, nhất thời cũng là một biểu hiện lạc quan, nhưng chỉ ở cấp độ cảm xúc, cảm tính. Tư tưởng lạc quan là hình thái lạc quan có ý nghĩa lý trí, mang tính hệ thống, hình thành và phát triển trên cơ sở nhận thức lý tính. Tuy nhiên tư tưởng lạc quan cũng không phải nhất thành bất biến mà có sự vận động phát triển, thậm chí lụi tàn nếu thiếu sự rèn luyện, bồi dưỡng, giáo dục và không ngừng nâng cao tri thức về đời sống xã hội và tăng cường hoạt động thực tiễn.

Suốt 80 năm qua, phẩm chất lạc quan của Bộ đội Cụ Hồ đã trở thành một trong những nguồn lực tinh thần nội sinh, tạo nên sức chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam. Tư tưởng lạc quan cách mạng của Quân đội vừa là động lực thúc đẩy vừa là kết quả hình thành từ sự rèn luyện cá nhân và sự bồi dưỡng, giáo dục của Đảng. Tư tưởng lạc quan cũng là một trong những yếu tố cắt nghĩa một cách thuyết phục vì sao dưới ngọn Quân kỳ Quyết thắng, Quân đội ta đã vượt qua mọi thử thách lớn lao của lịch sử, đi hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, góp phần to lớn vào công cuộc cách mạng giành độc lập, tự do, thống nhất hai miền, bảo đảm cho đất nước đi tới một tương lai nhân dân hạnh phúc, dân tộc phồn vinh.

PGS, TS PHẠM THÀNH HƯNG (Đại học Quốc gia Hà Nội)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/dien-dan-danh-hieu-bo-doi-cu-ho-xung-dang-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia/lac-quan-cach-mang-nang-luong-tinh-than-tich-cuc-cua-bo-doi-cu-ho-805441
Zalo