Lạc lối trên mạng xã hội: Bạn có đang đánh mất chính mình?
Hàng ngày hàng triệu người Việt dành nhiều giờ đồng hồ 'lạc lối trên mạng xã hội' trên các nền tảng như Facebook, YouTube, và TikTok.
Tiếp tục bàn về thực trạng “văn hóa bị xâm lăng” và tinh thần, tâm hồn của người Việt Nam đang bị "thao túng" bởi Facebook, YouTube, TikTok, có thể thấy, hàng ngày, hàng triệu người Việt dành nhiều giờ đồng hồ để lướt các nền tảng như Facebook, YouTube, và TikTok. Những nội dung hấp dẫn, đôi khi mang tính giải trí nhưng nhạt nhẽo hoặc thiếu tính giáo dục, dễ dàng thu hút và làm người xem bị cuốn vào một guồng quay vô tận.
Một hệ quả dễ nhận thấy của việc bị mạng xã hội "thao túng" là sự thay đổi trong cách suy nghĩ và hành xử của người dùng, đặc biệt là thế hệ trẻ. Thuật toán của các nền tảng này được thiết kế để giữ chân người dùng, từ đó định hình thói quen và nhu cầu, đôi khi làm mất đi khả năng tư duy độc lập.
Ngoài ra, nội dung lan truyền, thiếu tính kiểm duyệt, có thể truyền bá lối sống thực dụng, những suy nghĩ lệch lạc hoặc thiếu lành mạnh.
Để bạn đọc hiểu rõ hơn thực trạng trên, chuyên gia truyền thông ThS. Trần Xuân Tiến, Phó Trưởng Bộ môn Truyền thông, Trường Đại học Văn Hiến đã có những chia sẻ với PLO.
. Phóng viên: Ông nhận định thực trạng “tâm hồn của người Việt bị thao túng bởi Facebook, YouTube, TikTok…” như thế nào?
+ ThS. Trần Xuân Tiến: Sự phát triển của mạng xã hội dường như là tất yếu trong quá trình phát triển của công nghệ và truyền thông. Chúng ta khó lòng phủ nhận những lợi ích mà các nền tảng mạng xã hội đã, đang và sẽ mang lại cho người dùng. Tuy vậy, quan sát thực trạng sử dụng mạng xã hội của một bộ phận công chúng hiện nay, chúng ta không khỏi có những trăn trở, quan ngại. Đặc biệt về hiện tượng người dùng “lạc lối trên mạng xã hội, mà bỏ quên chính mình”. Rõ ràng, chúng ta cần sử dụng mạng xã hội một cách hiệu quả hơn.
. Thưa ông, làm sao để chúng ta nhận biết mình đang lạm dụng mạng xã hội quá đà?
+ Có nhiều dấu hiệu để chúng ta nhận biết bản thân có sử dụng mạng xã hội quá mức cần thiết hay không. Cách thường dùng nhất là kiểm tra thời gian sử dụng hàng ngày. Hiện nay, hầu hết các điện thoại thông minh đều được nhà sản xuất thiết kế công cụ theo dõi thời gian sử dụng các ứng dụng. Như vậy, chúng ta có thể dễ dàng thống kê bản thân đã dành bao nhiêu thời gian mỗi ngày cho mạng xã hội (và so sánh với các hoạt động khác trong cuộc sống hàng ngày).
Nếu chúng ta có thói quen mở điện thoại, mở laptop và lướt mạng xã hội một cách vô thức (không có mục đích cụ thể), hoặc có thói quen kiểm tra mạng xã hội liên tục (để xem có thông báo mới hay không) thì cũng chính là một trong những dấu hiệu cho thấy chúng ta đang phụ thuộc quá nhiều vào mạng xã hội. Một chỉ dấu khác đó là khả năng tập trung của chúng ta bị suy giảm, thường xuyên bị phân tâm, năng suất học tập và làm việc kém đi.
Ngoài ra, nếu chúng ta có cảm giác tâm lý căng thẳng, lo lắng, tự ti hoặc chán nản, thất vọng khi so sánh bản thân với người khác, nhất là khi thấy những thành công của các bạn đồng trang lứa trên mạng xã hội thì cũng chính là chúng ta đang bị mạng xã hội “thao túng tâm lý”. Từ đây, dẫn đến trạng thái cô đơn, thiếu kết nối, bất an, suy giảm chất lượng cuộc sống.
Cuối cùng, nếu chúng ta nhận thấy chúng ta dành ít thời gian để gặp gỡ gia đình, người thân, bạn bè, ít tham gia các hoạt động ngoài đời thực, các hoạt động xã hội trực tiếp, mà chỉ “giao tiếp online 24/7” trên các nền tảng mạng xã hội thì rõ ràng, chúng ta cần cân nhắc điều chỉnh thói quen sử dụng mạng xã hội để cải thiện sức khỏe tinh thần của bản thân và nâng cao chất lượng cuộc sống.
. Làm sao để sử dụng mạng xã hội cho hiệu quả, thưa ông?
+ Chúng ta cần thường xuyên tự đánh giá việc sử dụng mạng xã hội của bản thân, để kịp thời điều chỉnh thói quen, tránh việc lãng phí thời gian. Và để sử dụng mạng xã hội một cách hiệu quả, chúng ta cần áp dụng đồng thời những lưu ý sau:
Thứ nhất, đặt mục tiêu rõ ràng cho việc sử dụng mạng xã hội. Ví dụ như: chúng ta truy cập mạng xã hội để học hỏi, kết nối bạn bè, cập nhật tin tức, xây dựng thương hiệu cá nhân,…
Thứ hai, quy định khoảng thời gian dùng mạng xã hội mỗi ngày, thông qua các ứng dụng kiểm soát thời gian sử dụng trên các điện thoại, hoặc ứng dụng, phần mềm.
Thứ ba, tạo thói quen dùng mạng xã hội tích cực. Chẳng hạn như thay vì lướt mạng xã hội một cách vô thức, chúng ta có thể chọn theo dõi các tài khoản/trang cung cấp thông tin bổ ích như kiến thức, kỹ năng, khóa học, hoặc chủ đề liên quan đến chuyên môn ngành học, nghề nghiệp của bản thân. Vậy nên, chúng ta cần chọn lọc nội dung tiếp cận và kết nối đúng người.
Cuối cùng, tăng cường các hoạt động kết nối thực với người thân, bạn bè, đồng nghiệp thông qua các hoạt động ngoài trời như gặp mặt, dạo phố, chơi thể thao,…
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Bỏ quên chính mình khi mải mê lạc lối trên thế giới mạng?
Mạng xã hội là không gian công cộng để khám phá, chia sẻ và kết nối. Nhưng nếu quá mải mê trên mạng xã hội, bất kỳ ai trong chúng ta đều có thể rơi vào tình trạng không kiểm soát được thời gian, dẫn đến lạc lối, mất phương hướng "bỏ quên chính mình".
Chúng ta dễ dàng bị cuốn vào những hoạt động vô tận trên các nền tảng trực tuyến, vào những sự so sánh và kỳ vọng không thực tế. Chúng ta mải mê chờ đợi những phản hồi mà chúng ta mong muốn nhận được từ người khác. Để rồi, chúng ta quên mất việc chăm sóc sức khỏe tinh thần và tình cảm của bản thân.
Thay vì để các nền tảng mạng xã hội hỏi chúng ta: "Bạn đang nghĩ gì?", chúng ta hãy tự hỏi bản thân: "Mình thật sự cần gì?". Việc lắng nghe chính mình sẽ giúp chúng ta không đánh mất cái tôi trong mê cung mạng xã hội.
ThS. Trần Xuân Tiến, Phó Trưởng Bộ môn Truyền thông, Trường Đại học Văn Hiến