La Quốc Bảo - đam mê tái hiện lễ phục triều Nguyễn
Sinh ra và lớn lên ở miền Nam, học ở nước ngoài, nhưng chàng trai trẻ La Quốc Bảo lại bén duyên rồi đam mê công việc nghiên cứu, tái hiện lễ phục triều Nguyễn.
Giữ hồn xưa
“Hoa Quan Lệ Phục” là chuỗi dự án tái hiện lễ phục triều Nguyễn đầy tâm huyết mà La Quốc Bảo cùng người cộng sự là anh Nguyễn Phùng Minh Luân, một chuyên viên kỹ xảo sống ở nước ngoài, đã đầu tư, theo đuổi suốt nhiều năm. Tác phẩm đầu tiên là tái hiện chiếc áo Nhật Bình của Nam Phương hoàng hậu. Đây là tác phẩm được Bảo và Luân lấy cảm hứng từ bức ảnh Nam Phương hoàng hậu khoác trên mình bộ Nhật Bình đỏ tại lầu Công Quán.
La Quốc Bảo giới thiệu: “Tuy giản đơn, không cầu kỳ nhưng lại rất đặc biệt, bởi đó là bộ lễ phục đầu tiên Nam Phương hoàng hậu mặc trong lễ Đại hôn cùng Bảo Đại hoàng đế ngày 20/3/1934. Bộ áo là “nhân chứng lịch sử” cùng cô tiểu thư Nguyễn Hữu Thị Lan - con gái của đại phú hào nức danh xứ Đông Dương, qua thời khắc nhập Nội, chính thức bước lên ngôi vị mẫu nghi với phong hiệu Nam Phương”.
Để thổi vào tấm áo cái hồn kinh kỳ xưa, Quốc Bảo phải nhiều lần thử nghiệm và di chuyển liên tục giữa TP. Hồ Chí Minh - Huế - Hà Nội để nghiên cứu, tham khảo cách thể hiện tác phẩm đẹp và chuẩn xác nhất có thể. Từ chỉ thêu đến nền vải đỏ xích đều dùng tơ tằm, được thêu và viền kim tuyến thủ công gần 6 tháng trời. Trang sức và phụ kiện đi kèm cũng được nghiên cứu và chế tác thủ công tại các làng nghề truyền thống. Việc may áo do nghệ nhân Trần Lê Trung Hiếu thực hiện hoàn toàn bằng thủ công, công đoạn thêu do thợ ở Huế thực hiện. Quốc Bảo cho hay: “Sau khi thiết kế, em đưa ra Huế thêu vì những người thợ ở đây đã tiếp xúc với trang phục cung đình từ sớm nên quen với cách thêu thẩm mỹ truyền thống. Họ sẽ không bỏ qua những tiểu tiết làm nên hoa văn rất Việt Nam nên sản phẩm có hồn”.
Ngoài chiếc áo Nhật Bình của Nam Phương hoàng hậu, dự án “Hoa Quan Lệ Phục” đã tái hiện chiếc áo Nhật Bình mệnh phụ của bà Thái Thị Huệ Khanh trong bộ sưu tập của GS.TS. Thái Kim Lan. Với tác phẩm này, nhóm của Quốc Bảo không phục dựng nguyên gốc chiếc áo mà mượn hoa văn, màu sắc, cách trang trí của người xưa để làm nên một chiếc Nhật Bình khác. Ngoài ra, nhóm của Quốc Bảo còn tái hiện 2 bộ lễ phục nam hiện đang trong quá trình hoàn thiện.
Theo Quốc Bảo, chọn “tái hiện” lễ phục mà không phải “phục dựng” vì những thiết kế này mang một chút hơi thở của thời đại, dựa trên những bộ cổ phục đã và đang tồn tại. Các tác phẩm vẫn đảm bảo được chế tác, may đo theo cung cách xưa, đúng quy chuẩn của lễ phục cung đình, tất nhiên có sự hỗ trợ một phần của công nghệ hiện đại trong khâu vẽ kiểu. Anh nhấn mạnh: “Ở các tác phẩm này, chúng tôi mong muốn lồng ghép, đan xen vào những nét chấm phá cá nhân của người nghệ sĩ. Nhưng, khi chiêm ngưỡng, công chúng vẫn cảm nhận được cái hồn xưa, cái cốt cách của tiền nhân trong bóng hình của những tấm áo đã từng góp phần làm nên dòng chảy văn hóa lịch sử nơi lầu son gác tía”.
Cố gắng tiệm cận với lịch sử
Quê ở Kiên Giang, La Quốc Bảo sinh ra trong một gia đình hoạt động văn hóa truyền thống nên từ nhỏ, anh đã gắn bó với những giá trị văn hóa xưa. Khi đi du học ngành kiến trúc ở Úc, những lần đến các bảo tàng, gallery để làm bài luận, Bảo bắt đầu quan tâm tìm hiểu về văn hóa triều Nguyễn. Năm học thứ 2, Bảo kinh doanh giày Baro và nghĩ đến việc đưa hoa văn áo Nhật Bình lên trên giày. Điều bất ngờ là sản phẩm được khách hàng đón nhận nhiệt tình. “Khi đưa một hoa văn lên trên sản phẩm, mình cũng phải biết cách diễn giải, giới thiệu để khi nhìn vào đó, khách hàng biết hoa văn này xuất xứ từ đâu, có ý nghĩa như thế nào. Khi làm từ bộ sưu tập này đến bộ sưu tập khác, em dần đam mê nghệ thuật, lịch sử của nhà Nguyễn”, Quốc Bảo nói.
Quốc Bảo cùng Minh Luân đi thăm Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, được nghe Tiễn sĩ Huỳnh Thị Anh Vân lúc ấy là Giám đốc Bảo tàng giới thiệu về quá trình phục dựng lễ phục triều Nguyễn, hai bạn trẻ rất hào hứng và cũng muốn làm thử. Tuy nhiên, việc tiếp cận hiện vật để nghiên cứu trong các bộ sưu tập của bảo tàng hoặc tư nhân khá khó khăn do những yêu cầu đặc biệt trong bảo quản. Vì thế, Quốc Bảo sưu tầm, tự xây dựng bộ sưu tập riêng để tham khảo, đa phần là về vải vóc, tranh thêu, áo xưa… Dần dần, Bảo trở thành nhà sưu tập mỹ thuật triều Nguyễn lúc nào không hay. Trong bộ sưu tập của Quốc Bảo có chiếc phượng bào công chúa, một trong những hiện vật rất hiếm ở Việt Nam. Một hiện vật khác có vai trò quan trọng trong việc giúp Bảo tái hiện áo Nhật Bình là chiếc cúc phượng. Đây là chiếc cúc phượng thứ hai tại Việt Nam, ngoài cái đầu tiên thuộc Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.
Sau thời gian đào sâu nghiên cứu để tái hiện lễ phục cung đình với tâm thế cố gắng tiệm cận với lịch sử nhất có thể, Quốc Bảo cho rằng, khó khăn nhất là việc tìm tư liệu, sau đó là tìm chất liệu vải để tái hiện. Lúc đầu, Quốc Bảo nghĩ dùng vải nào cũng được, nhưng khi tìm hiểu mới biết, ngày xưa, nghệ nhân dùng tơ tằm không qua xử lý chất hóa học nên chất vải cũng khác hiện nay, khi thêu lên cũng cho ra hiệu ứng khác. Với tác phẩm đầu tiên, nhóm của Quốc Bảo cũng hủy đi làm lại nhiều lần mới thành công.
Lễ phục triều Nguyễn là một ví dụ tiêu biểu cho thẩm mỹ và trình độ tạo tác của người xưa. Ngay cả thêu, người Huế cũng có một kiểu thêu riêng, cách phối màu riêng. Quốc Bảo chia sẻ: “Mục đích chính của dự án “Hoa Quan Lệ Phục” là tái hiện lại mỹ thuật nhà Nguyễn thông qua những bộ áo Nhật Bình, lễ phục, nón, hài… để mọi người thấy được những nét đẹp của người xưa. Các tác phẩm đều được làm thủ công, tất cả những tiểu tiết trên áo đều được thực hiện tỉ mỉ để đạt được sự toàn vẹn nhất”.