Lá é, gia vị trong nhiều món ăn chữa được bệnh gì?
Lá é được sử dụng trong nhiều món ăn quen thuộc như gà hấp lá é, ếch nấu lá é, lá é xào vịt... Tuy nhiên, loại rau gia vị đặc trưng của Nam Trung Bộ và Tây Nguyên này còn có thể sử dụng để chữa nhiều bệnh khác nhau.
Theo Đông y, lá é vị cay tính ấm, tác dụng chữa các bệnh như cảm mạo phong hàn, đau đầu, đầy bụng, khó tiêu, ho, viêm thận, viêm bàng quang và các vấn đề về tiêu hóa. Ngoài ra, lá é còn có tác dụng giúp giảm căng thẳng, mệt mỏi, hỗ trợ điều trị các bệnh về răng miệng.
Dưới đây là một số bài thuốc chữa bệnh từ lá é:
1. Lá é chữa cảm mạo phong hàn, sốt, đau đầu
Bài thuốc xông giải cảm
Nguyên liệu: 20-30g cành và lá é tươi (có thể dùng riêng hoặc kết hợp với 10g mỗi loại lá khác như lá chanh, lá bưởi, cúc tần, cành non hương nhu).
Cách dùng: Rửa sạch các loại lá, cho vào nồi cùng khoảng 500ml nước, đun sôi khoảng 5-10 phút. Đặt nồi nước xông trong không gian kín, trùm chăn kín và xông hơi cho đến khi cơ thể ra mồ hôi. Sau khi xông, lau khô người và tránh gió.

Lá é là loại gia vị chữa được nhiều bệnh.
Bài thuốc uống giải cảm
Nguyên liệu: 10-15g lá é khô
Cách dùng: Hãm với nước sôi như pha trà, uống ấm trong ngày.
2. Chữa đau bụng, chướng bụng, ăn không tiêu, nôn mửa
Nguyên liệu: 10-20g cành lá é phơi khô.
Cách dùng: Hãm lấy nước uống trong ngày, nên dùng liên tục 3-5 ngày.
3. Chữa viêm lợi, chảy máu chân răng, tưa lưỡi
Nguyên liệu: Lá é tươi (một nắm nhỏ).
Cách dùng: Rửa sạch lá é, giã nát; trộn nước ép từ lá é với nước ép vỏ lụa ở mặt trong vỏ cây sổ xoan; ngậm hỗn hợp này nhiều lần trong ngày.
4. Chữa ho
Nguyên liệu: 10-15g lá và toàn thân cây é khô.
Cách dùng: Hãm hoặc sắc lấy nước uống, có thể thêm một ít mật ong để tăng hiệu quả và dễ uống hơn.
5. Chữa đái buốt, viêm thận, viêm bàng quang
Nguyên liệu: Tinh dầu lá é, siro, nước nhũ tương.
Cách dùng: Pha 3-6 giọt tinh dầu é với siro và nước nhũ tương để uống trong ngày, tham khảo ý kiến bác sỹ khi dùng.
Cách dùng dân gian: Dùng 15-20g lá é tươi, rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước cốt uống.
6. Giảm căng thẳng, mệt mỏi
Nguyên liệu: 100 gam trà ngon chưa ướp, vài lá é phơi héo đã thái sợi nhuyễn.
Cách dùng: Trộn lẫn lá é đã thái sợi vào trà để ướp, sau đó pha trà để uống mỗi ngày.
Những lưu ý quan trọng khi sử dụng lá é chữa bệnh
Phụ nữ có thai: Tuyệt đối không nên dùng lá é, đặc biệt là tinh dầu lá é, vì có tính cay nóng có thể ảnh hưởng không tốt đến thai nhi.
Liều lượng: Luôn tuân thủ liều lượng khuyến nghị, không tự ý tăng liều để tránh các tác dụng phụ.
Nguồn gốc: Đảm bảo lá é sạch, không bị phun thuốc trừ sâu hay hóa chất.
Tham khảo ý kiến chuyên gia: Đối với các bệnh lý nghiêm trọng hoặc nếu đang dùng các loại thuốc khác, cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc thầy thuốc Đông y trước khi sử dụng lá é để điều trị, nhằm tránh tương tác thuốc hoặc tác dụng không mong muốn.
Mời bạn xem tiếp video:
Mùa hè nóng bức, dùng gì trong Đông y để thanh nhiệt, giải độc? | SKĐS