Lạ đời chuyện 'phố châu Phi' giữa lòng Thủ đô Hà Nội

Những ngày đầu, việc có một lượng lớn người lao động châu Phi bất ngờ xuất hiện khiến người dân phường Tứ Liên (Tây Hồ) không khỏi ngạc nhiên. Họ không phải khách du lịch thông thường.

 Hai người lao động châu Phi tìm cách giao tiếp, thỏa thuận công việc với người Việt trên phố Tứ Liên. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Hai người lao động châu Phi tìm cách giao tiếp, thỏa thuận công việc với người Việt trên phố Tứ Liên. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Những người dân sinh sống trên địa bàn phường Tứ Liên (quận Tây Hồ, Hà Nội) không còn xa lạ với hình ảnh những người lao động châu Phi vẫn hằng ngày đi lại, rảo bước qua các con ngõ, trên các đường phố hoặc tụ tập ở những hàng quán vỉa hè, làm thuê những công việc tay chân như bốc vác, dọn dẹp, rửa bát...

Những tốp người kỳ lạ, ồn ào…

"Họ đi theo từng tốp, có nhóm ít nhóm nhiều, thường từ 3-10 người, ồn ào và làm náo động cả một con ngõ," bà Đào, chủ hộ kinh doanh dịch vụ rửa ôtô, xe máy trên đường Đê Quai (Tứ Liên, Tây Hồ) hồi tưởng về những ngày đầu tiên nhìn thấy người châu Phi ở nơi bà đang sinh sống.

Tò mò và hiếu kỳ là những cảm nhận chung của người dân phường Tứ Liên trong khoảng hơn 4 tháng qua, kể từ lần đầu tiên chứng kiến những khách "Tây" - nhưng không phải từ châu Âu mà là những người da màu từ châu Phi xa xôi chuyển đến con ngõ nhỏ trong lòng Hà Nội.

"Từ ngày họ xuất hiện, lượng khách người nước ngoài da trắng thuê trọ trong khu cũng giảm bớt," người dân trong ngõ 28 phố Tứ Liên phản ánh.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, những người châu Phi sang Việt Nam với nhiều mục đích khác nhau: Một số cho biết họ đến Việt Nam để vừa du lịch vừa... làm, kiếm thêm "được đồng nào, hay đồng đó;" một số khác lại mong muốn định cư lâu dài tại Việt Nam với hy vọng có thể "đổi đời" nhờ điều kiện sống và làm việc tốt hơn so với tại quê nhà.

 Hình ảnh một số người lao động châu Phi trên địa bàn phường Tứ Liên, Tây Hồ. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Hình ảnh một số người lao động châu Phi trên địa bàn phường Tứ Liên, Tây Hồ. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trao đổi với phóng viên, những người này cho biết do không thể tìm được những công việc như mong muốn (vì nhiều lý do) nên họ đành chấp nhận kiếm sống qua ngày bằng những công việc tay chân, dù không phải ai cũng may mắn được chấp nhận. Chủ một trường Mầm non trong ngõ 28 phố Tứ Liên cho biết từng có người châu Phi đến đề xuất được dạy tiếng Anh tại đây nhưng anh đã từ chối.

"Cũng có nhiều người châu Phi đến xin làm việc ở cửa hàng của tôi, họ giao tiếp bằng hành động hoặc bằng phần mềm dịch của điện thoại. Tuy nhiên, tôi không thể nhận, bởi tôi không biết về lai lịch hoặc người đại diện của họ, nếu xảy ra vấn đề gì ở cửa hàng hoặc trục trặc với chính quyền thì sẽ rất khó giải quyết," chị Thảo, chủ quán cơm Hương Thảo, số 70 ngõ 124 Âu Cơ tâm sự.

… Dần trở nên thân quen

Tuy nhiên, theo thời gian, từ xa lạ, tò mò và có phần đề phòng, cách nhìn của người dân khu phố đối với những người lao động châu Phi sinh sống tại đây cũng dần thay đổi. Không còn là những ánh mắt hiếu kỳ, thay vào đó là thái độ của những người hàng xóm đã đồng cảm và có phần bao dung hơn.

"Bà Thảo nói vậy thôi chứ thi thoảng tôi vẫn thấy bà ấy cho người châu Phi phụ giúp mấy công việc vặt như nhặt rau, rửa bát... Tiền cơm của họ bà ấy cũng chỉ lấy 30.000-40.000 đồng, rẻ hơn so với suất của chúng tôi," ông Hiệp, người dân sinh sống trong ngõ 73 phố Tứ Liên, cũng là hàng xóm của chủ quán cơm Hương Thảo nói trên, chia sẻ.

Theo lời kể của một số người dân sinh sống trên địa bàn, thì tuy có người đến người đi, số lượng người châu Phi lang thang tìm việc làm cũng giảm bớt trong những tháng gần đây.

 Bên ngoài tiệm cơm của bà chủ tốt bụng trong ngõ 73, cùng ngõ với một nhà trọ châu Phi trên phố Tứ Liên. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bên ngoài tiệm cơm của bà chủ tốt bụng trong ngõ 73, cùng ngõ với một nhà trọ châu Phi trên phố Tứ Liên. (Ảnh: PV/Vietnam+)

"Tháng trước, có một cậu người châu Phi được thuê làm việc trong vườn quất này. Tôi không biết nói tiếng Anh, chỉ biết cậu ấy giới thiệu tên là Ken. Ngoài giờ làm việc, Ken cũng rất nhiệt tình giúp đỡ một số việc lặt vặt cho các ông bà lớn tuổi trong ngõ. Cậu ấy có để lại cho tôi số điện thoại, nói rằng nếu có việc cần thì gọi. Nhưng rồi bẵng đi một thời gian, tôi không còn thấy Ken đến vườn quất nhận việc nữa, số điện thoại cũng không còn liên lạc được. Có thể cậu ấy đã tìm được một công việc ổn định hơn, hoặc đã được trở về nước," ông Sơn, công nhân làm thuê tại vườn quất Tuệ Lâm (gần ngõ 172 đường Âu Cơ) kể lại.

Đối với những người châu Phi còn tiếp tục "bám trụ" ở lại Thủ đô, thời gian rảnh rỗi trong ngày là cơ hội để họ "ghi điểm" với bà con khu phố.

"Cũng như người Việt Nam, tính cách của họ cũng có sự khác biệt: có người lạnh lùng, khép kín nhưng cũng có những người rất thân thiện. Một vài người trong số họ rất niềm nở, nhiệt tình khi được chúng tôi nhờ giúp đỡ, từ khuân vác hàng hóa, phụ giúp dọn hàng, thậm chí đôi khi là cả đổ rác. Nhiều gia đình trong khu phố biết hoàn cảnh của họ nên cũng hỗ trợ, thỉnh thoảng có túi mì tôm, hoặc chục trứng gà - chẳng đáng là bao - mang sang khu trọ để ủng hộ," chị Sen, người dân sống trong ngõ 28 phố Tứ Liên cho biết./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/la-doi-chuyen-pho-chau-phi-giua-long-thu-do-ha-noi-post1005166.vnp
Zalo