'Lá chắn' trước mùa mưa bão
Mỗi khi mùa mưa bão đến, hình ảnh những con đường Hà Nội chìm trong biển nước đã trở thành nỗi ám ảnh quen thuộc của người dân Thủ đô. Trước thềm mùa mưa bão 2025, TP đã triển khai những giải pháp gì để ứng phó, và liệu có những bước tiến mới nào để hướng tới một Thủ đô phát triển bền vững, chống ngập hiệu quả?
Bài toán nan giải
Mỗi khi mùa mưa bão đến, nhiều khu vực nội thành Hà Nội lại xuất hiện tình trạng ngập lụt, thậm chí có những điểm ngập diện rộng. Các điểm ngập thường xuất hiện tại những vị trí trũng thấp, hầm chui, các tuyến phố như: Nguyễn Chính, Hoa Bằng, Minh Khai, Thụy Khuê, Nguyễn Khuyến, Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt, Ngọc Lâm, Đại lộ Thăng Long… Nguyên nhân chính của tình trạng này là do hệ thống hạ tầng thoát nước hiện nay mới chỉ đáp ứng được mưa cường độ khoảng 50mm trong 2 giờ, trong khi các trận mưa lớn ngày càng có cường độ cao, thời gian ngắn và tập trung. Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa nhanh chóng với việc san lấp hồ, ao, kênh, rạch, bê tông hóa diện tích mặt đất làm giảm khả năng thấm nước và điều hòa dòng chảy tự nhiên, khiến nước mưa không được hấp thụ mà chảy tràn gây ngập úng cục bộ.

Nhân viên Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội ứng trực tại các điểm nóng ngập úng mỗi khi có mưa lớn xảy ra. Ảnh: Nguyễn Quý
Các chuyên gia cho biết, dù đã có nhiều nỗ lực đầu tư nâng cấp hệ thống thoát nước, nhưng trước những trận mưa lớn bất thường, hệ thống thoát nước của Thủ đô vẫn chưa thể đáp ứng kịp thời, dẫn đến ngập úng tại nhiều điểm. Đây là thách thức chung của các đô thị lớn trên thế giới, không chỉ riêng Hà Nội. Hậu quả của ngập lụt không chỉ dừng ở việc gây ách tắc giao thông mà còn kéo theo nhiều vấn đề nghiêm trọng khác. Nước thải tràn ngập mang theo rác và chất ô nhiễm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Các hoạt động kinh tế, đặc biệt là tại các khu vực nội thành, cũng bị đình trệ, gây thiệt hại không nhỏ.
Các chuyên gia Khí tượng thủy văn dự đoán, thời tiết năm 2025 được dự báo phức tạp với 2 - 3 cơn bão và 3 - 5 đợt lũ, trong đó các cơn bão có quỹ đạo và cường độ khó lường. “Mùa bão 2025 có thể không cực đoan như các năm ENSO mạnh, nhưng tính khó đoán định về quỹ đạo và cường độ sẽ là thách thức lớn cho công tác dự báo và ứng phó’ - PGS.TS Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia nhận định. Thời tiết cực đoan, khó lường sẽ là thách thức không nhỏ cho Thủ đô, nhất là trong công tác phòng, chống ngập úng. Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng thoát nước và đê điều của Hà Nội vẫn còn nhiều hạn chế. Dù đã xác định 5 trọng điểm xung yếu trên các tuyến đê sông từ cấp III đến cấp đặc biệt, việc sửa chữa và nâng cấp chưa thể hoàn thành toàn diện trước mùa mưa bão.
Theo chia sẻ của đại diện Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, mùa mưa đã huy động 2.000 cán bộ, công nhân ứng trực 24/24 giờ, vận hành trạm bơm và hồ điều hòa 100% công suất, nhưng nhiều cống rãnh vẫn bị tắc do rác thải và bùn đất. Nguyên nhân là bởi, dù được vét thường xuyên nhưng chỉ cần một trận mưa lớn, rác từ các khu dân cư trôi xuống là cống tắc. Tình trạng người dân vứt rác bừa bãi sẽ càng khiến việc nạo vét cống, rãnh khó phát huy được hiệu quả. Đặc biệt, một trong những trở ngại lớn nhất đối với công tác phòng, chống ngập úng trong mùa mưa bão của TP chính là bài toán tài chính và nhân lực. Các dự án hạ tầng trọng điểm như: cải tạo trạm bơm Đông Mỹ, nạo vét sông Nhuệ, hay xây dựng cụm công trình đầu mối Liên Mạc đòi hỏi kinh phí hàng nghìn tỷ đồng, trong khi ngân sách địa phương còn hạn chế. “Hiện Công ty Thoát nước Hà Nội luôn trong tình trạng “căng như dây đàn” mỗi khi mưa lớn xảy ra, cán bộ, nhân viên được huy động tối đa ra hiện trường, ứng trực ở những điểm có nguy cơ ngập úng. Tuy nhiên, để đáp ứng hết nhu cầu thực tế vẫn cần bổ sung một lượng nhân sự đáng kể nữa” - đại diện Công ty Thoát nước Hà Nội bộc bạch.
Giải pháp tối ưu cho mùa mưa bão 2025
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Kinh tế và Đô thị, trong những năm qua, Hà Nội đã có những bước tiến trong việc tìm kiếm giải pháp bền vững chống ngập úng. Về hạ tầng, TP đang xây dựng các hồ điều hòa tại quận Thanh Xuân và Long Biên để giảm tải hệ thống thoát nước, đồng thời tạo không gian sinh thái. Các dự án cải tạo lưu vực sông Tô Lịch, sông Nhuệ và trạm bơm tiêu tại Đông Anh, Hà Đông, Long Biên cũng được đẩy nhanh tiến độ. Hệ thống đê Hữu Hồng, dài 37,709km, đã được nâng cấp, vừa chống lũ vừa phục vụ giao thông và chỉnh trang đô thị. Về giải pháp phi công trình, TP chú trọng bảo vệ và mở rộng không gian xanh để tăng khả năng thấm nước tự nhiên, hấp thụ tới 40% lượng nước mưa. Các chiến dịch tuyên truyền được đẩy mạnh để nâng cao ý thức người dân, khuyến khích không xả rác vào cống rãnh.
Công tác phòng, chống ngập, lụt rất cần sự phối hợp liên vùng, liên tỉnh. Bởi Hà Nội chịu ảnh hưởng lớn từ lũ thượng nguồn các tỉnh như Hòa Bình, Vĩnh Phúc. Dù đã có kế hoạch phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường để ngăn lũ rừng ngang, việc điều phối giữa các địa phương vẫn cần cải thiện để bảo đảm hiệu quả.
Mới đây nhất, ngày 16/5/2025, UBND TP ban hành Quyết định số 2474/QĐ-UBND phê duyệt “Phương án hộ đê và bảo vệ trọng điểm xung yếu phòng, chống thiên tai năm 2025” tập trung củng cố các đoạn đê yếu tại các sông Hồng, Đáy, Cà Lồ – những nơi từng xảy ra hiện tượng thẩm lậu, sạt lở và tràn đê trong các năm trước. Theo đó, TP huy động hơn 2.000 cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ, công an, thanh niên xung kích và lực lượng địa phương ứng trực 24/24 giờ để kịp thời xử lý khi có sự cố. Vật tư thiết yếu như: cọc tre, bao tải, đá hộc, rọ thép cũng đã được phân bổ đầy đủ về các địa phương.
Vừa qua, Sở Xây dựng Hà Nội cũng thông báo kế hoạch cắt tỉa khoảng 395.000 cây xanh đô thị năm 2025 nhằm hạn chế nguy cơ cây đổ gãy trong mưa bão, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng nhân lực và thiết bị cơ giới để giải tỏa ách tắc trên các trục đường chính. Bên cạnh đó, triển khai kế hoạch tiêu thoát nước mùa mưa năm 2025, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã thực hiện nạo vét đồng bộ theo các lưu vực chính đến các tuyến nhánh (tổng hợp khối lượng thực hiện đến 31/12/2024 đã nạo vét bùn cống ngầm bằng thủ công hơn 15.685m3; nạo vét bùn cống ngầm bằng cơ giới 752.940m3; nạo vét bùn mương sông, hồ bằng cơ giới và thủ công 201.110m3; nạo vét bùn cống ngang 367.142m3; quản lý duy trì hồ điều hòa: 143.179 ha/50 hồ). Việc thể chế hóa các mục tiêu trong Quy hoạch chung và Luật Thủ đô 2024 sẽ là nền tảng quan trọng giúp Hà Nội từng bước giải quyết bài toán nan giải kéo dài nhiều năm.
Mùa mưa bão 2025 đang đến gần, Hà Nội đã chủ động triển khai nhiều phương án phòng, chống úng ngập, củng cố hệ thống đê điều, huy động lực lượng ứng trực và chuẩn bị vật tư thiết yếu. Đồng thời, TP đang từng bước hoàn thiện hệ thống thoát nước đô thị theo hướng hiện đại, đồng bộ với quy hoạch phát triển hạ tầng xanh và ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, thách thức vẫn còn rất lớn do biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan và tốc độ đô thị hóa nhanh. Để bảo vệ Thủ đô khỏi ngập úng, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, địa phương và sự chung tay của cộng đồng dân cư. Các chuyên gia quy hoạch đô thị nhấn mạnh, một hệ thống thoát nước dù hiện đại đến đâu cũng sẽ vô hiệu nếu người dân vẫn xả rác bừa bãi. Ý thức cộng đồng là yếu tố then chốt.
Đặc việt, TP đã có những bước đi tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ cũng là một hướng đi tiềm năng. Ứng dụng HSDC cung cấp hình ảnh các điểm ngập mỗi 18 giây qua camera ven đường, giúp người dân tránh khu vực nguy hiểm. Ứng dụng iHanoi hỗ trợ nắm bắt thông tin ngập lụt và xử lý thủ tục hành chính. Hà Nội cũng xem xét xây dựng các bể ngầm chống ngập sâu 5 - 7m tại các khu vực trống như sân trường học, dù chi phí cao nhưng khả thi về kỹ thuật.
Chỉ có như vậy, Hà Nội mới có thể xây dựng được “lá chắn thép” bền vững, giúp Thủ đô vững vàng vượt qua những mùa mưa bão khó lường trong tương lai. Tuy nhiên giải quyết vấn đề thoát nước và chống úng ngập không chỉ là trách nhiệm của ngành quy hoạch đô thị, giao thông, môi trường và quản lý đô thị mà cần có sự chung tay của cả hệ thống chính trị, hơn hết là sự đồng lòng của người dân toàn Thủ đô.