'Lá chắn thép' nơi biên cương

Trong những lần theo bước chân người lính biên phòng tham gia các chuyến tuần tra đường biên, cột mốc, chúng tôi thực sự cảm phục tinh thần vượt núi cao, suối sâu vì bình yên biên giới của những 'lá chắn thép' nơi biên cương.

Chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản” do BĐBP tỉnh chủ trì được diễn ra hàng năm tại các huyện biên giới.

Chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản” do BĐBP tỉnh chủ trì được diễn ra hàng năm tại các huyện biên giới.

Vào đầu tháng 12/2024 chúng tôi cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Quang Chiểu (Mường Lát) đến mốc 298. Vượt qua những đoạn đường rừng cây cối rậm rạp, tới nơi, là nghi lễ chào cột mốc – chủ quyền Tổ quốc, được các cán bộ, chiến sĩ đồn thực hiện một cách trang nghiêm. Sau đó ai vào việc nấy, người lau chùi cột mốc, người phát quang cây bụi xung quanh. Mọi vất vả, mệt mỏi dường như tan biến, chỉ còn lại tình yêu và niềm tin mãnh liệt lấp lánh trong từng ánh mắt cương nghị của những người lính quân hàm xanh. Các chiến sĩ đã quá quen thuộc với địa hình biên giới nên những bước chân vẫn nối tiếp nhau, đều đặn trên tuyến đường tuần tra. Cùng đồng hành, chúng tôi cảm nhận được tình yêu lớn lao của Bộ đội Biên phòng (BĐBP) dành cho biên giới, với lời thề sắt son bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Trung tá Ngô Quang Hòa, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Quang Chiểu cho biết: "Đơn vị quản lý, bảo vệ 46,7km đường biên giới với 22 mốc quốc giới (từ mốc 283 đến 304) trên địa bàn 2 xã Quang Chiểu và Mường Chanh (Mường Lát), tiếp giáp với huyện Viêng Xay và huyện Sốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn (Lào). Hoạt động tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc được cán bộ, chiến sĩ đơn vị thực hiện thường xuyên với nhiều hình thức như đột xuất, tuần tra song phương hoặc tuần tra theo kế hoạch. Ngoài nhiệm vụ tuần tra, đơn vị luôn chủ động làm tốt công tác quản lý địa bàn, nắm tình hình đối tượng; tích cực phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương và lực lượng chức năng đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn".

Để huy động, tập hợp được sức mạnh to lớn của Nhân dân trong sự nghiệp quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, BĐBP tỉnh luôn thực hiện “3 bám” (bám dân, bám địa bàn, bám chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các quy định của địa phương) và “4 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc). Các đồn biên phòng cũng chủ động tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và trực tiếp tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở; xây dựng các chương trình, mô hình giúp dân xóa đói giảm nghèo, nâng cao dân trí, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc khu vực biên giới.

Để xây dựng được tuyến phòng thủ vững chắc, lực lượng BĐBP thực hiện phương châm đi từng ngõ, gõ từng nhà, gặp già làng, người có uy tín trong cộng đồng để tuyên truyền mọi người dân chung sức, đồng lòng bảo vệ biên cương. Từ đó, đồng bào đã đồng thuận, tự nguyện tham gia các đợt tuần tra, bảo vệ đường biên, cột mốc, phát quang, vệ sinh môi trường chung quanh mốc giới; đẩy mạnh phong trào “Thanh niên xung kích làm chủ đường biên”; Già làng, trưởng bản cùng dòng họ, con cháu đăng ký quản lý, bảo vệ đường biên, cột mốc...

Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng biện pháp hòa bình, giữ cho “trong ấm, ngoài êm”, BĐBP tỉnh đã triển khai thực hiện tốt công tác đối ngoại biên phòng kết hợp chặt chẽ với ngoại giao Nhân dân. Nhờ đó, đã góp phần tăng cường tình đoàn kết, phối hợp chặt chẽ giữa BĐBP với lực lượng bảo vệ biên giới nước bạn, đẩy mạnh quan hệ giữa chính quyền, Nhân dân hai bên biên giới, tạo điều kiện giao lưu, giao thương, trao đổi hàng hóa, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng khu vực biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Bài và ảnh: Hoàng Lan

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/la-chan-thep-noi-bien-cuong-235363.htm
Zalo