Kỳ vọng vào vụ muối mới

Thời điểm này, bà con diêm dân tỉnh Bạc Liêu đang tất bật tu sửa, cải tạo lại mương nước ô muối, chòi canh… để bước vào vụ mới mang theo nhiều niềm vui, hy vọng trúng mùa, được giá.

Diêm dân huyện Đông Hải (tỉnh Bạc Liêu) tin tưởng vào một vụ muối bội thu.

Diêm dân huyện Đông Hải (tỉnh Bạc Liêu) tin tưởng vào một vụ muối bội thu.

Diêm dân tất bật vào vụ muối

Theo thường lệ hàng năm, thời điểm cuối tháng 12 âm lịch, bà con diêm dân tỉnh Bạc Liêu sẽ bắt tay vào cải tạo, đắp bờ, bao ví, lấy nước biển vào để bắt đầu vụ muối.

Gắn bó với nghề cha truyền con nối này đã hơn 30 năm, ông Phan Chí Tâm (xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình) trải qua biết bao thăng trầm trong nghề làm muối. Có năm được mùa thì mất giá, năm giá cao hơn lại mất mùa. Vừa đắp bờ, làm ô để dẫn nước, ông Tâm mang theo nhiều kỳ vọng cho mùa muối năm nay. Theo ông Tâm, nghề làm muối phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết nên bà con diêm dân thường nắm thông tin về tình hình thời tiết rất kỹ cũng như vận dụng các kinh nghiệm được truyền đạt qua nhiều thế hệ để quyết định thời gian thả vụ muối đầu năm.

Chuẩn bị cho vụ muối mới ông Tâm đã cải tạo, chia ô, đắp bờ xong, hiện đã dẫn nước biển vào để lắng trong, sẵn sàng cho mùa vụ mới. “Những năm gần đây, nhiều diêm dân trong đó có gia đình tôi đã bắt đầu áp dụng hình thức trải bạt trên ruộng muối. Nhờ đó mà năng suất tăng lên, sản lượng đạt cao, chất lượng muối cũng tốt hơn. Trước đây, khi chưa trải bạt, năng suất bình quân khoảng 2.000 giạ/ha, giờ đây tăng lên gấp 1,5 lần. Hy vọng năm nay thời tiết thuận lợi, bà con trúng mùa, giá bán được cao hơn để những người làm muối có thêm động lực, bám trụ với nghề, đời sống ổn định hơn” - ông Tâm nói.

Cũng như diêm dân huyện Hòa Bình, những ngày này, trên các cánh đồng muối của huyện Đông Hải cũng nhộn nhịp không khí ra đồng làm muối. Tranh thủ điều kiện thời tiết khá thuận lợi những ngày qua, nhiều hộ đã huy động tất cả thành viên trong gia đình cùng làm cho kịp thời vụ.

Khi trời vừa tờ mờ sáng anh Huỳnh Văn Toàn (ấp Trường Điền, xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải) đã tất tả ra đồng muối để tháo nước, cải tạo đồng ruộng. “Dù không biết giá muối năm nay lên, xuống như thế nào nhưng hễ vào vụ mà không ra đồng làm là cảm giác rất khó chịu. Chỉ mong ngày đến sớm, đêm qua nhanh để cùng với bà con trong xóm ra đồng làm muối. Mong là vụ muối đầu tiên sẽ trúng mùa, trúng giá để bà con có một vụ khởi đầu thành công”- anh Toàn chia sẻ.

Ông Trần Văn Thưa (xã Điền Hải, huyện Đông Hải) chia sẻ, trong những năm qua, việc tiêu thụ muối của diêm dân nói chung vẫn còn gặp khó khăn do các thương lái thường liên kết với nhau, ép giá muối thương phẩm, khiến cho giá muối chính vụ không cao. Diêm dân cũng khó tiếp cận với thương lái ở các địa phương khác. “Chúng tôi đề xuất các cấp ngành hỗ trợ diêm dân và các hợp tác xã kho chứa muối, nhất là khâu tiêu thụ. Cùng đó là hỗ trợ việc xây dựng các sản phẩm OCOP về muối và hỗ trợ bạt trải cho diêm dân để chuyển từ muối trên nền đất truyền thống sang nền trải bạt, qua đó, giúp nâng cao hơn nữa giá trị kinh tế của hạt muối” - ông Thưa bày tỏ.

Đầu tư hạ tầng, nâng tầm hạt muối

Nghề muối ở Bạc Liêu được hình thành và phát triển hơn 100 năm qua. Muối Bạc Liêu không chỉ được nhiều người ưa chuộng, sử dụng rộng rãi trong nước mà còn được xuất khẩu sang các nước, nhất là thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc... Mặc dù đã được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, nhưng diêm dân chưa thể giàu lên từ muối.

Ông Trần Tuấn Kiệt - Chủ tịch UBND huyện Đông Hải cho biết, nhằm nâng cao hiệu quả trong sản xuất muối, thời gian qua, các địa phương đã đầu tư nâng cấp, cải tạo hệ thống kênh, mương, giúp việc dẫn nước vào ruộng muối của diêm dân được thuận lợi cũng như có thể vận chuyển muối đến nơi tiêu thụ được thuận tiện, nhanh chóng. “Vùng sản xuất muối huyện Đông Hải đang được đầu tư cơ sở hạ tầng bài bản, đồng bộ. Ngành chức năng cũng đang triển khai các chính sách hỗ trợ diêm dân để nâng cao giá trị hạt muối bằng việc sản xuất theo chuỗi, gắn với phát triển du lịch nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho diêm dân. Cùng với đó là triển khai tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ cũng như thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất, chế biến và tiêu thụ muối. Qua đó nhằm giúp diêm dân giảm bớt khó khăn trong việc tiêu thụ muối”- ông Kiệt cho hay.

Với gần 1.500 ha, Bạc Liêu là một trong những địa phương có diện tích sản xuất muối lớn của cả nước. Tổng số hộ sản xuất muối năm 2024 trên địa bàn tỉnh là 777 hộ, với hơn 800 lao động.

Năm 2024, việc sản xuất muối của các hộ dân trên địa bàn tỉnh tiếp tục thuận lợi nhờ nắng nóng kéo dài, qua đó, giúp cho người làm muối gia tăng thu nhập từ nghề làm muối truyền thống, sản lượng muối toàn tỉnh đạt trên 76.000 tấn Năng suất trung bình đạt gần 48 tấn/ha đối với sản xuất muối truyền thống) và trên 74 tấn/ha đối với muối trải bạt.

Ông Phạm Văn Mười - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu cho biết, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ thực hiện chuyển đổi nhanh từ phương thức sản xuất muối đen sang phương thức sản xuất muối trắng trải bạt, nhất là đẩy mạnh thực hiện cơ giới hóa, giảm giá thành sản xuất, nâng cao thu nhập của diêm dân.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều, để nâng tầm giá trị hạt muối và phát triển nghề muối theo hướng bền vững, tỉnh Bạc Liêu đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Festival nghề Muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2025 “Hành trình 100 năm nghề muối - Đời người” với chủ đề “Nâng tầm giá trị hạt muối Việt Nam”. Theo đó, Festival nghề Muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2025 sẽ diễn ra từ ngày 6/3 đến ngày 8/3 tại Bạc Liêu.

NGUYÊN DU

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/ky-vong-vao-vu-muoi-moi-10298326.html
Zalo