Kỳ vọng vào sự phát triển bứt phá của đầu tàu kinh tế của cả nước

Đảng và Nhà nước luôn dành cho Thành phố Hồ Chí Minh sự quan tâm đặc biệt. Thời gian qua, kinh tế - xã hội của Thành phố có bước phục hồi và phát triển tích cực. Phần lớn các chỉ số quan trọng đều tăng so với cùng kỳ. Ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực và kết quả Thành phố đã đạt được, song một trong những nội dung được các đại biểu tập trung thảo luận tại cuộc làm việc giữa Đảng đoàn Quốc hội và Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh sáng nay, đó là dù đà tăng trưởng quý sau tích cực hơn quý trước, nhưng chưa có đột phá như kỳ vọng và mong muốn đặt ra với một đô thị đặc biệt lớn nhất, giữ vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước.

Đảng, Nhà nước luôn dành cho Thành phố Hồ Chí Minh sự quan tâm đặc biệt

Sự quan tâm đặc biệt đó thể hiện trực diện và sinh động ở hàng loạt Nghị quyết, kết luận mà Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ ban hành cho Thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 31-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong hai năm liên tiếp, Quốc hội đã ban hành 2 Nghị quyết: Nghị quyết số 57/2022/QH15 về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh; Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh.

Đặc biệt, chưa đầy 2 tháng qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc làm việc với nhiều chỉ đạo cụ thể với Thành phố về tình hình kinh tế - xã hội cũng như những định hướng phát triển và nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Lâm Hiển

Riêng với Đảng đoàn Quốc hội, cuộc làm việc lần này là lần thứ ba Đảng đoàn Quốc hội làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh để trực tiếp nắm bắt tình hình thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các cơ chế, chính sách cho sự phát triển của Thành phố. Điều vui mừng, như cảm nhận của Phó Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, đó là sau mỗi lần làm việc như vậy, Thành phố Hồ Chí Minh đều có bước phát triển đột phá hơn. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội tin tưởng và kỳ vọng, sau cuộc làm việc lần này, TP. Hồ Chí Minh sẽ có “bước phát triển đột phá đặc biệt”.

Thành phố Hồ Chí Minh phải vươn mình phát triển mạnh mẽ và đột phá hơn nữa cũng là mong muốn, kỳ vọng chung của các thành viên Đảng đoàn Quốc hội cũng như lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương tại cuộc làm việc. Qua nghe báo cáo của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cũng như 11 ý kiến phát biểu của thành viên Đảng đoàn Quốc hội và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành đều bày tỏ đồng tình cao với nội dung báo cáo cũng như các đề xuất, kiến nghị của Thành phố; đặc biệt biểu dương công tác chỉ đạo, điều hành có nhiều đổi mới, đột phá của lãnh đạo Thành phố trong thời gian qua. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao quyết tâm, tư duy, tầm nhìn cũng như những cách làm mới, khí thế mới hết sức quyết liệt và sự phục hồi, phát triển tích cực của Thành phố trên nhiều lĩnh vực.

 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Lâm Hiển

Một trong những thành quả cho sự quyết tâm và những cách làm mới của Thành phố, đó là việc triển khai Nghị quyết 98/2023/QH15 đã mang lại kết quả tích cực bước đầu, tạo tiền đề vững chắc và xung lực bứt phá để Thành phố Hồ Chí Minh có thể phát triển nhanh, mạnh, bền vững. Cụ thể, Thành phố hiện đã áp dụng 30 cơ chế trên tổng số 44 cơ chế đặc thù quy định trong Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội; cùng với đó là 2 cơ chế đang chờ bộ, ngành bổ sung quy định, 1 cơ chế xin dừng thực hiện do đã có quy định mới thay thế, 4 cơ chế chưa đề xuất áp dụng, 7 cơ chế Thành phố đang hoàn thiện văn bản hướng dẫn.

 Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Lâm Hiển

Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Lâm Hiển

Đây là một trong những kết quả cần phải khẳng định và đã góp phần tháo gỡ rất nhiều cho Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương nêu rõ. Như đánh giá của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, đó là Nghị quyết 98/2023/QH15 đã đem lại “cơ hội lớn, có tính đột phá” để Thành phố tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn lực, tạo đà phát triển, khai thác tiềm năng, thế mạnh của Thành phố. Cùng với đó là phân cấp, tạo sự linh hoạt, chủ động, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động hành chính; tạo cơ chế hoạt động thuận lợi, phát triển cho TP. Thủ Đức vận hành mô hình “thành phố trong thành phố” đầu tiên của cả nước.

Một số chỉ tiêu chưa đạt kết quả như mong đợi

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh dự cuộc làm việc. Ảnh: Lâm Hiển

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh dự cuộc làm việc. Ảnh: Lâm Hiển

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo của Thành ủy cũng thẳng thắn chỉ rõ, một số chỉ số chưa đạt kết quả như mong đợi, trong đó có các chỉ số liên quan tới dòng tiền vào thị trường, như tổng vốn doanh nghiệp đăng ký mới và bổ sung giảm 22,7%, đạt 543.652 tỷ đồng; thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) giảm 5%, tương đương 1,849 tỷ USD. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công mới chỉ đạt 20,8%...

Ghi nhận và đánh giá cao kết quả tăng trưởng GDP đạt 6,8% trong 9 tháng đầu năm, song Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng lưu ý, để có thể đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP cả năm nay là 7,5%, thì TP. Hồ Chí Minh phải phấn đấu quyết liệt hơn nữa để đạt mức tăng trưởng 9% ngay trong quý IV này.

Tương tự như vậy, cũng trong 9 tháng đầu năm, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Thành phố còn thấp, đạt trên 20,8%. Do vậy, trong 3 tháng cuối năm, một trong những vấn đề đặt ra, đó là Thành phố phải phấn đấu quyết liệt để giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 95% trong tổng số hơn 79.000 tỷ đồng. Đây là một nhiệm vụ khó khăn, mà nếu không tập trung, không xác định đúng trọng tâm và không có những giải pháp đột phá sẽ rất khó hoàn thành.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Lâm Hiển

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Lâm Hiển

Và, một trong những nội dung nữa được nhiều đại biểu quan tâm liên quan đến kết quả thu ngân sách nhà nước của Thành phố. Số liệu cho thấy, trong 9 tháng đầu năm nay, thu ngân sách của TP. Hồ Chí Minh ước đạt 371.307 tỷ đồng, đạt 76,9% dự toán, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2023, thu nội địa tăng 22,2%. Trong khi đó, 9 tháng đầu năm, số thu ngân sách của TP. Hà Nội ước đạt 379 nghìn tỷ đồng, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm 2023 và cao hơn số thu của TP. Hồ Chí Minh. Cho rằng, đây là vấn đề cần phân tích, làm rõ, bởi những năm trước đại dịch Covid-19, số thu ngân sách của TP. Hồ Chí Minh thường đứng đầu cả nước, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Bộ Tài chính lý giải rõ vì sao số thu ngân sách trên địa bàn Hà Nội lại cao hơn TP. Hồ Chí Minh?

Báo cáo tại cuộc làm việc, Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận cho biết, có hai nguyên nhân chính ảnh hưởng đến số thu của Thành phố. Trong đó, nguyên nhân thứ nhất liên quan đến đất đai. Thực tế vừa qua cho thấy, thị trường bất động sản trên địa bàn Hà Nội 9 tháng đầu năm 2024 được đánh giá là sôi động hơn. Cùng với đó, việc triển khai đấu giá, giao đất thuận lợi nên nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất tăng cao, đồng thời cũng tạo ra các khoản từ hoạt động kinh doanh bất động sản (như trước bạ nhà đất, thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuế giá trị gia tăng từ kinh doanh bất động sản); và từ hoạt động xây dựng, sản xuất, cung ứng nguyên vật liệu xây dựng tăng cao, đã góp phần đưa số thu trên địa bàn Hà Nội đạt yêu cầu dự toán.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Lâm Hiển

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Lâm Hiển

Nguyên nhân quan trọng thứ hai khiến số thu trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh chưa đạt được kỳ vọng, theo Thứ trưởng Lê Tấn Cận, đó là mức độ tổn thương sau dịch Covid-19 của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn Thành phố là rất nặng nề và sự phục hồi chậm hơn so với Hà Nội và các địa phương khác. Năm 2023 số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh vào khoảng hơn 272 nghìn doanh nghiệp, trong khi tại địa bàn Hà Nội, năm 2023 số doanh nghiệp đang hoạt động là hơn 192 nghìn doanh nghiệp.

Điều này cho thấy, phạm vi số lượng doanh nghiệp càng lớn, thì biên độ hồi phục sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ càng gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ về thuế của Quốc hội, Chính phủ như giãn, giảm, miễn, hoãn thuế đối với cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư sau đại dịch đã đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng, từ đó đã và đang hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và tiêu dùng của người dân. Tuy nhiên, việc thực hiện các chính sách này về ngắn hạn cũng đã làm giảm số thu ngân sách của Thành phố. Nguồn thu từ cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư đóng góp vào ngân sách cũng cần có thời gian khôi phục nên tốc độ tăng thu giai đoạn vừa qua của TP. Hồ Chí Minh thấp hơn một số địa phương trong cả nước, trong đó có Hà Nội.

Cho rằng, đây là những “điểm nghẽn” mà TP. Hồ Chí Minh phải tập trung cao độ để khắc phục, một số ý kiến tại cuộc làm việc bày tỏ mong muốn, Thành phố cần kiến tạo mạnh mẽ hơn thị trường bất động sản, xử lý vướng mắc về thể chế, để khơi thông nguồn lực đất đai đang còn rất nhiều tiềm năng hiện nay, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng nhanh hơn, tạo ra nguồn lực, nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Như kỳ vọng của Thứ trưởng Lê Tấn Cận, đó là với việc dự kiến sẽ công bố bảng giá đất trước ngày 15.10 tới, TP. Hồ Chí Minh sẽ có thêm chỉ dẫn để phát triển tốt hơn, cụ thể là có thêm nguồn thu bảo đảm thực hiện số thu ngân sách như dự toán đã đề ra.

Phối hợp chặt chẽ hơn nữa, tinh thần là “tắc đâu thông đó, khó đâu tháo đó”

Để thúc đẩy tốc độ phục hồi và có bước phát triển đột phá trong thời gian tới, các thành viên Đảng đoàn Quốc hội đã đưa ra nhiều giải pháp, gợi mở cụ thể, thẳng thắn và trách nhiệm để “hiến kế” cho Thành phố Hồ Chí Minh.

 Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Lâm Hiển

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Lâm Hiển

“Trong báo cáo các đồng chí nêu một nguyên nhân là các cơ quan được phân công chủ trì chưa quyết liệt đeo bám các bộ, ngành chủ quản - tôi nghe cũng thấy xót xa. Tại sao Thành phố lại phải đeo bám, đúng ra phải là sự phối hợp”. Nêu vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị TP. Hồ Chí Minh “bám theo” các định hướng lớn mà Nghị quyết 98/2023/QH15 đã nêu rõ để triển khai, không để tình trạng “chủ trương mới, cách làm cũ”. “Các nội dung khi triển khai vẫn đợi Thành phố đề xuất, kiến nghị, đeo bám là chưa được”. Lưu ý điều này, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần đổi lại cách làm, các cơ quan bộ, ngành phải “đeo bám” Thành phố, để giúp Thành phố tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc đang đặt ra”.

 Các đại biểu dự cuộc làm việc. Ảnh: Lâm Hiển

Các đại biểu dự cuộc làm việc. Ảnh: Lâm Hiển

Liên quan đến các kiến nghị, đề xuất, Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Quốc hội xem xét bổ sung, điều chỉnh hoặc có hướng dẫn đối với 25 nội dung, gồm một nội dung trong Luật Xử lý vi phạm hành chính; 6 nội dung trong Luật Đầu tư công; 3 nội dung trong Luật Quy hoạch; 7 nội dung trong Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; 2 nội dung trong Luật Đấu thầu; 5 nội dung trong Luật Đầu tư...

Tuy nhiên, các thành viên Đảng đoàn Quốc hội cũng đề nghị, Thành phố Hồ Chí Minh cần tiếp tục rà soát lại toàn bộ các đề xuất, kiến nghị, nhất là những đề xuất, kiến nghị liên quan đến sửa đổi, bổ sung các luật, nghị quyết của Quốc hội. Theo đó, cần làm rõ khó khăn, vướng mắc nào đề xuất sửa Luật, khó khăn, vướng mắc nào chỉ điều chỉnh ở các nghị định, thông tư của Chính phủ? Chủ trương chung của Đảng đoàn Quốc hội, như nhấn mạnh của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, đó là những nội dung nào thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì Quốc hội mới bàn, còn những nội dung nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì Chính phủ bàn và quyết định.

Đề cập trực tiếp đến một kiến nghị cụ thể, là sửa đổi điểm a, khoản 2, Điều 86 Luật Xử lý vi phạm hành chính (quy định một trong những biện pháp cưỡng chế xử lý vi phạm hành chính là khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản của cá nhân, tổ chức vi phạm - PV) và Nghị định số 166/2013/NĐ-CP của Chính phủ (quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phân tích: Điểm a, khoản 2, Điều 86 hiện chỉ quy định về các biện pháp cưỡng chế xử lý vi phạm hành chính, mà nếu các đồng chí kiến nghị sửa đổi nội dung này thì không phải, vì khi áp dụng nếu cá nhân, tổ chức vi phạm không có tiền trong tài khoản hoặc không có tài khoản, thì các biện pháp cưỡng chế nêu trên sẽ không thể thực hiện được; do đó, cần áp dụng các biện pháp cưỡng chế khác. Vấn đề ở đây là “Chính phủ cần sửa đổi Nghị định 166/2013/NĐ-CP vì đã ban hành từ năm 2013 nhưng đến nay vẫn chưa được sửa đổi”.

Liên quan đến đề xuất sửa đổi nội dung trong các luật về đầu tư, quy hoạch và đấu thầu, Chính phủ đề nghị bổ sung và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Theo đó, Chính phủ sẽ trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ Tám tới đây theo quy trình tại một kỳ họp và theo trình tự, thủ tục rút gọn một số dự án, dự thảo, trong đó có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.

 Các đại biểu dự cuộc làm việc. Ảnh: Lâm Hiển

Các đại biểu dự cuộc làm việc. Ảnh: Lâm Hiển

Với cái nhìn khách quan và toàn diện, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, các bộ, ngành phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Thành phố Hồ Chí Minh, đúng theo phương châm “tắc đâu thông đó, khó đâu tháo đó” để tháo gỡ kịp thời về cơ chế, chính sách và phải giải quyết cho được các đề xuất, kiến nghị của Thành phố. Trong đó, tập trung tháo gỡ về thể chế để thúc đẩy kinh tế - xã hội của Thành phố phát triển đột phá hơn nữa.

Đúng như phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII vừa qua, đó là tập trung cao nhất cho đột phá về thể chế và phát triển, hoàn thiện đồng bộ và đột phá mạnh mẽ trong xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm", Trung ương, Quốc hội, Chính phủ tập trung hoàn thiện thể chế, giữ vai trò kiến tạo, phục vụ và tăng cường kiểm tra, giám sát; đồng thời, cải cách triệt để, giảm tối đa thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ của người dân, doanh nghiệp.

Trong quá trình đó, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, “chúng ta vừa làm, vừa rút kinh nghiệm”, nếu luật pháp có điểm nào cần sửa đổi, bổ sung, thì kiến nghị sửa đổi, bổ sung kịp thời... Tinh thần là Quốc hội, Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội luôn ủng hộ sự phát triển của các địa phương nói chung, đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh trong vai trò là đô thị đặc biệt lớn nhất cả nước, là “trung tâm của các trung tâm”, cửa ngõ quan trọng kết nối với khu vực và thế giới. Địa phương có vai trò đầu tàu, đóng góp lớn cho cả nước với tỷ trọng GRDP chiếm khoảng 18% GDP cả nước, thu ngân sách chiếm trên 27%. Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội luôn sẵn sàng họp, cho ý kiến, phối hợp nếu Thành phố Hồ Chí Minh có đề xuất, kiến nghị các vấn đề thuộc thẩm quyền.

Thay mặt cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên bày tỏ: Thành phố Hồ Chí Minh xác định chương trình làm việc hôm nay có ý nghĩa rất quan trọng đối với Thành phố. Điều này không chỉ thể hiện trách nhiệm, tình cảm của Trung ương, của Đảng đoàn Quốc hội dành cho Thành phố Hồ Chí Minh, mà còn thể hiện phương pháp, cách thức làm việc sát cơ sở, trực tiếp lắng nghe kiến nghị, đề xuất từ thực tiễn, nhất là những vấn đề nảy sinh ở cơ sở, đồng thời giám sát việc triển khai thực hiện, đưa các nghị quyết, quyết sách của Quốc hội vào cuộc sống.

Từ chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Bí thư Thành ủy Thành phố Nguyễn Văn Nên khẳng định, Thành phố Hồ Chí Minh nghiêm túc tiếp thu, khẩn trương triển khai những nội dung phải tiếp tục và rút kinh nghiệm những vấn đề thuộc về chủ quan của Thành phố để hoàn thành nhiệm vụ, xứng với niềm tin, kỳ vọng của Quốc hội đối với Thành phố Hồ Chí Minh.

Lam Giang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/ky-vong-vao-su-phat-trien-but-pha-cua-dau-tau-kinh-te-cua-ca-nuoc-post392391.html
Zalo