Kỳ vọng vào những đột phá vì một xã hội không ma túy (kỳ cuối)

Thảm họa về ma túy quá khủng khiếp và nguy cơ hiện hữu về vấn nạn này luôn chực chờ cả bên trong và bên ngoài khu vực lãnh thổ Việt Nam. Dù đã có nhiều kết quả song công tác quản lý, giảm nguồn cầu vẫn gặp nhiều khó khăn phần lớn do vướng cơ chế. Chính vì vậy, yêu cầu phải đổi mới, nâng cao hơn nữa các cấp độ phòng, chống ma túy trong giai đoạn mới đặt ra hết sức cấp thiết.

Cấp thiết nâng tầm phòng, chống ma túy

Phát biểu trước các ủy viên Ủy ban Xã hội và các thành viên trong ban soạn thảo chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 vừa qua, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh chủ trương, chương trình này là vô cùng cần thiết. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, việc xây dựng và tổ chức triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 nhằm góp phần đưa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phòng, chống ma túy vào cuộc sống, bảo đảm ANTT, tạo môi trường ổn định, an toàn, lành mạnh, đáp ứng đúng và kịp thời yêu cầu sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển bền vững đất nước ta thời kỳ mới.

Trung tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an Việt Nam tiếp xã giao đồng chí Đại tá Khon-Sỉ Nao-Vạ-Lát, Trưởng Cơ quan đại diện Bộ Công an Lào nhằm tăng cường hợp tác phòng chống tội phạm ma túy giữa hai nước.

Trung tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an Việt Nam tiếp xã giao đồng chí Đại tá Khon-Sỉ Nao-Vạ-Lát, Trưởng Cơ quan đại diện Bộ Công an Lào nhằm tăng cường hợp tác phòng chống tội phạm ma túy giữa hai nước.

Đại tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an khi thừa ủy quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 trước Ủy ban Xã hội của Quốc hội cũng khẳng định: Chương trình nhằm tiếp nối, phát huy thành tựu, kết quả đạt được trong công tác phòng, chống ma túy những năm qua và tiếp tục thực hiện các mục tiêu mà Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025 chưa hoàn thành; khắc phục những tồn tại, hạn chế và tập trung giải quyết một số vấn đề mang tính cấp bách, trên các lĩnh vực giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại của ma túy; triển khai thực hiện chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và các cam kết quốc tế của Việt Nam về phòng, chống và kiểm soát ma túy.

Mục tiêu tổng quát của chương trình nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm và tệ nạn ma túy. Tổ chức phòng ngừa, đấu tranh tội phạm về ma túy từ sớm, từ xa; không để Việt Nam trở thành địa bàn sản xuất, trung chuyển và tiêu thụ ma túy; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm ma túy. Khi triển khai chương trình cũng nhằm thực hiện hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về công tác phòng, chống ma túy, chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

Đồng thời, chương trình nhằm thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về phòng, chống và kiểm soát ma túy, đặc biệt phù hợp với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống ma túy của đất nước. Cùng với đó, Bộ trưởng Lương Tam Quang cũng khẳng định, việc triển khai chương trình phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, các quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng như phù hợp với quy hoạch các vùng kinh tế - xã hội, quy hoạch chuyên ngành…

Cũng tại phiên họp này, các ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội và đại diện một số bộ, ngành, địa phương cũng đánh giá, chương trình được phê duyệt và tổ chức thực hiện sẽ có nhiều tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm ANTT và phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, góp phần xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về phòng, chống ma túy bảo đảm thống nhất, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả khắc phục những tồn tại, hạn chế hiện nay trong công tác phòng, chống ma túy trên cả ba phương diện giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại. Kết quả này sẽ từng bước kiềm chế, kiểm soát, làm giảm tội phạm và tệ nạn ma túy; góp phần bảo đảm ANTT an toàn xã hội, xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh, tạo điều kiện và phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân. Việc thực hiện chương trình cũng sẽ góp phần quan trọng bảo đảm thực hiện có hiệu quả chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030) của đất nước.

Đồng chí Hà Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang bày tỏ sự đồng tình rất cao trước việc cần thiết phải sớm xem xét, thông qua chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030. Lấy ví dụ tại tỉnh Tuyên Quang hiện rất khó khăn về nguồn lực trong đầu tư công tác cai nghiện, quản lý cai nghiện cũng như phòng, chống ma túy, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Hà Thị Nga mong muốn việc nâng cấp đầu tư phòng, chống ma túy sẽ không chỉ giúp các bộ, ngành, lực lượng chuyên trách đấu tranh phòng, chống hiệu quả hơn tội phạm ma túy, mà còn giúp các địa phương có thêm nguồn lực để làm tốt công tác phòng, chống ma túy hiện nay.

Đảm bảo nguồn lực cho mục tiêu quốc gia

Đánh giá của Chính phủ cũng cho thấy, nhiều địa phương không cân đối được ngân sách để bố trí kinh phí hợp lý cho công tác phòng, chống ma túy. Ở một số địa phương có ban hành chính sách hỗ trợ công tác phòng, chống ma túy nhưng quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về thủ tục giải ngân, thanh quyết toán theo quy định nên chưa phát huy hết nguồn lực hỗ trợ.

Một số địa phương có bố trí nguồn lực những chủ yếu ưu tiên hỗ trợ công tác cai nghiện, chưa quan tâm đúng mức hỗ trợ cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy nên không bảo đảm tính tổng thể, toàn diện, hiệu quả, bền vững trong công tác phòng, chống ma túy hiện nay. Nguyên nhân chủ yếu là do chưa có Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống ma túy mang tính tổng thể để đầu tư đồng bộ, hướng dẫn thực hiện cụ thể theo quy định của pháp luật, bám sát nhiệm vụ cần ưu tiên, cấp bách, đúng trọng tâm, trọng điểm, để có thể tạo ra sự chuyển biến cơ bản, đột phá, tích cực, hiệu quả trong công tác phòng, chống ma túy trong tình hình mới.

Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Phó Chánh Văn phòng Bộ Công an đánh giá, thông qua triển khai chương trình sẽ góp phần quan trọng kiềm chế sự gia tăng phức tạp tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy; ngăn chặn cơ bản các hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép ma túy qua biên giới và trong nội địa. Từ đó, từng bước kiềm chế sự phát sinh và gia tăng số người sử dụng trái phép, người nghiện ma túy; giảm tỷ lệ tái nghiện ma túy; giảm tác hại của ma túy đối với cộng đồng và xã hội; kéo giảm các loại tội phạm, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội khác; góp phần quan trọng tiết kiệm chi phí Nhà nước phải đầu tư cho công tác phòng, chống ma túy; phòng, chống các loại tội phạm, vi phạm pháp luật do ma túy gây ra; bảo đảm trật tự an toàn xã hội và môi trường an toàn, lành mạnh, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế của đất nước.

Bên cạnh đó, việc ưu tiên nguồn lực đầu tư trọng tâm, trọng điểm cho các địa phương chưa có cơ sở cai nghiện ma túy, cơ sở cai nghiện ma túy phải di dời, xuống cấp, bị vượt quá công suất tiếp nhận sẽ góp phần khắc phục tình trạng cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện không đáp ứng yêu cầu; bảo đảm điều kiện tiếp nhận cai nghiện ma túy theo nhu cầu của xã hội. Qua đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cai nghiện ma túy; nâng khả năng tiếp nhận, điều trị cai nghiện, giảm tác hại cho khoảng 86.000 người; giúp hạn chế thiệt hại về kinh tế do người nghiện ma túy gây ra; tạo điều kiện cho người sau cai nghiện được tiếp cận các dịch vụ tư vấn, giới thiệu và hỗ trợ việc làm ổn định để phát triển kinh tế, hòa nhập cộng đồng; cải thiện kinh tế gia đình cho các hộ gia đình có người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy.

Đồng thời, việc triển khai chương trình sẽ góp phần nâng cao thể chất, sức khỏe, kéo giảm số ca nhiễm HIV/AIDS mới và các bệnh lây truyền qua đường máu do ma túy gây ra; qua đó làm giảm chi phí phát sinh cho các dịch vụ y tế liên quan; góp phần xây dựng một lực lượng lao động khỏe mạnh, năng suất để đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế của đất nước.

Trung tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy, Bộ Công an khẳng định: Chương trình đề ra tổng thể các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp toàn diện nhằm kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm và tệ nạn ma túy; nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh tội phạm về ma túy từ sớm, từ xa, từ địa bàn cơ sở; từng bước làm giảm bền vững số người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cai nghiện, điều trị nghiện, quản lý chặt chẽ người sử dụng trái phép chất ma túy, người tham gia điều trị nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy. Qua đó, chủ động phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Chính phủ cũng đánh giá, thông qua triển khai chương trình sẽ góp phần nâng cao năng lực cho lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy, tham mưu, quản lý Nhà nước về phòng, chống ma túy và thực hiện công tác cai nghiện, điều trị nghiện ma túy.

Qua đó, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy, quản lý địa bàn, quản lý biên giới, kéo giảm tội phạm, tệ nạn ma túy, cũng như các loại tội phạm và tệ nạn xã hội khác do ma túy gây ra; góp phần quan trọng giữ vững an ninh, quốc phòng, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Bên cạnh đó, việc triển khai chương trình sẽ góp phần tích cực trong xây dựng niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và những chính sách ưu việt của Nhà nước, là cơ sở quan trọng để xây dựng thế trận lòng dân, thế trận quốc phòng, an ninh vững chắc, nhất là tại các khu vực, địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy và các khu vực, địa bàn chiến lược về quốc phòng, an ninh.

Đồng chí Nguyễn Thúy Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội khẳng định, Ủy ban rất ủng hộ chương trình. Chương trình được triển khai sẽ góp phần nâng cao nhận thức và hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tầng lớp trong xã hội về vị trí, vai trò của công tác phòng, chống ma túy trong phát triển bền vững đất nước và địa phương. Việc triển khai các nhiệm vụ của chương trình là tiền đề để huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc của các ban, bộ, cơ quan Trung ương, địa phương trong công tác phòng, chống ma túy, góp phần bảo đảm công bằng trong tiếp cận công lý, bình đẳng trước pháp luật, hướng tới xây dựng xã hội an toàn, lành mạnh, hạnh phúc và phát triển.

Bên cạnh đó, chương trình được triển khai nhằm hướng tới mục tiêu quan trọng là bảo vệ cộng đồng trước hiểm họa ma túy, đặc biệt là bảo vệ, nâng cao thể lực, trí lực cho thế hệ trẻ, tương lai của đất nước.

Hoàng Phong

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/phap-luat/ky-vong-vao-nhung-dot-pha-vi-mot-xa-hoi-khong-ma-tuy-ky-cuoi--i749426/
Zalo