Kỳ vọng vào một Đông Nam Á vững vàng 'vượt cơn gió ngược'
Năm 2025 được dự báo là năm đầy thách thức đối với các quốc gia Đông Nam Á, trong bối cảnh thế giới đối mặt suy thoái, nhiều căng thẳng địa chính trị cũng như sự phân mảnh thương mại. Tuy nhiên, giới phân tích vẫn đặt niềm tin vào một Đông Nam Á sẽ vững vàng vượt 'cơn gió ngược' như nhiều lần thoát hiểm ngoạn mục trước đây.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nâng dự báo tăng trưởng của khu vực Đông Nam Á từ mức 4,5% lên 4,7% nhờ xuất khẩu mạnh mẽ và chi tiêu vốn công ở các nền kinh tế lớn. Tăng trưởng kinh tế của nhiều quốc gia thành viên ASEAN, trong đó có Malaysia, Thái Lan, Singapore và Việt Nam, được hỗ trợ bởi nhu cầu trong nước dồi dào, lạm phát thấp và đầu tư công bền vững. Việt Nam ghi nhận sự gia tăng đầu tư nước ngoài, trong khi các nền kinh tế như Indonesia và Philippines tiếp tục đạt mức tăng trưởng theo dự báo trước đó.
Tuy nhiên, nền kinh tế khu vực Đông Nam Á vẫn đối mặt nhiều rủi ro, như căng thẳng địa chính trị bùng phát ở nhiều khu vực, sự phân mảnh thương mại và các thảm họa thời tiết khắc nghiệt tác động xấu đến ngành nông nghiệp và cơ sở hạ tầng. Do đó, ADB dự báo tăng trưởng của Đông Nam Á sẽ duy trì ở mức 4,7% trong năm 2025, dù các chính sách của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump có thể gây ảnh hưởng tiêu cực.
Tại Indonesia - nền kinh tế lớn nhất khu vực, những rào cản đang ngày càng rõ rệt, bắt nguồn từ tiêu dùng gia đình chậm lại do số người thuộc tầng lớp trung lưu sụt giảm. Trong khi đó, Thái Lan đang nỗ lực phục hồi nền kinh tế, vốn bị tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19, nhất là ở các ngành du lịch và dịch vụ. Tuy nhiên, mức tiêu dùng trong nước thấp, nợ gia đình tăng có thể là những yếu tố cản trở mục tiêu này. Giới phân tích cho rằng ngay cả Malaysia và Việt Nam - hai quốc gia ghi nhận thành tích kinh tế ấn tượng năm 2024, cũng có khả năng phải đối mặt thách thức duy trì đà tăng trưởng và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong bối cảnh khó khăn toàn cầu ngày càng tăng.
Trước nguy cơ xảy ra cuộc chiến thuế quan mới, các nhà phân tích cho rằng các quốc gia Đông Nam Á cần đa dạng hóa thị trường của mình. Tuy nhiên, điều này sẽ không dễ dàng, khi một số nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang đối mặt bất ổn chính trị và suy thoái kinh tế, trong khi các cường quốc Đông Á như Trung Quốc và Nhật Bản vẫn đang vật lộn với tình trạng giảm phát. Bên cạnh đó, những thay đổi trong chính sách thương mại, tài chính và nhập cư của Mỹ có thể làm giảm tăng trưởng và làm tăng lạm phát tại các quốc gia châu Á đang phát triển. ADB nhấn mạnh những tác động này sẽ rõ rệt sau năm 2025.
Một báo cáo rất thú vị do Ngân hàng HSBC vừa công bố cho thấy, với tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm ở mức 4,7%, các nước Đông Nam Á sẽ vượt Nhật Bản về quy mô kinh tế vào năm 2029. Thời điểm đó, khu vực này vẫn duy trì vị trí thứ 5 trong danh sách nền kinh tế lớn nhất thế giới, trong khi Ấn Độ vươn lên vị trí thứ 4 và Nhật Bản đứng thứ 6. HSBC lưu ý tăng trưởng của khu vực Đông Nam Á không phải nhờ nhân khẩu, vì tỷ trọng dân số toàn cầu đã đạt đỉnh vào năm 2012, ở mức 8,59% và sẽ giảm dần còn 8,33% giai đoạn 2024-2035. Ngân hàng này lý giải chìa khóa nằm ở chất lượng tăng trưởng cải thiện thông qua đổi mới, sáng tạo và vươn lên trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Kết quả này cũng phản ánh trong thị phần hàng sản xuất công nghệ cao, kinh tế của sáu nước Đông Nam Á, gồm Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Philippines và Việt Nam, cùng với Trung Quốc ghi nhận sự vượt trội về mở rộng sản xuất. Khu vực này gia tăng thị phần trong xuất khẩu hàng hóa từ 6,1% năm 2005 lên 7,4% năm 2023. Ngoài hàng hóa, khu vực này còn xuất khẩu dịch vụ trong các ngành điện tử, viễn thông, tài chính…, lĩnh vực mà Singapore dẫn đầu với vai trò trung tâm tài chính. Tổng doanh thu xuất khẩu dịch vụ tài chính năm 2023 của Đảo quốc Sư tử đạt 2,6 tỷ USD.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, với sự nhanh nhạy và linh hoạt như vậy, khu vực Đông Nam Á bước vào năm 2025 với nhiều cơ hội thành công, dù đối mặt không ít thách thức.