Kỳ vọng và thách thức trong xây dựng nhà ở xã hội

Đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đã và đang là vấn đề quan tâm nhằm đáp ứng nhu cầu an cư của đối tượng thu nhập thấp, công nhân tại khu công nghiệp và các nhóm yếu thế khác. Tuy nhiên, hành trình này vẫn còn nhiều chông gai.

Một lãnh đạo doanh nghiệp xây dựng xem bản vẽ quy hoạch khu nhà ở xã hội tỉnh giới thiệu để kêu gọi đầu tư

Một lãnh đạo doanh nghiệp xây dựng xem bản vẽ quy hoạch khu nhà ở xã hội tỉnh giới thiệu để kêu gọi đầu tư

Trong giai đoạn 2015 - 2020, tỉnh Lâm Đồng đã triển khai và hoàn thành 3 dự án nhà ở xã hội tại TP Đà Lạt với gần 300 căn hộ. Giai đoạn 2021 trở đi, tỉnh tiếp tục kêu gọi đầu tư nhưng mới chỉ hoàn thành 99 căn hộ tại một dự án. Điều này đồng nghĩa rằng tỷ lệ đáp ứng nhu cầu thực tế chỉ khoảng 2% và đạt 4,5% so với chỉ tiêu Chính phủ giao trong Đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội. Con số này cho thấy tốc độ triển khai hiện nay vẫn chưa bắt kịp nhu cầu ngày càng tăng, với khoảng 4.711 căn được ước tính cần thiết chỉ tính riêng tại các khu vực trọng điểm.

Đứng trước thực trạng này, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có những bước đi tích cực nhằm giải quyết các khó khăn. Các kế hoạch đã được triển khai đồng bộ từ việc quy hoạch quỹ đất, tổ chức xúc tiến, thu hút đầu tư, đến cải tiến cơ chế chính sách.

Hiện tỉnh có 8 khu quy hoạch để mời gọi đầu tư. Tại TP Đà Lạt, 14 khu vực đã được quy hoạch để phát triển nhà ở xã hội, với tổng diện tích gần 18,39 ha. Tỉnh cũng đã đưa ra các ưu đãi hấp dẫn như miễn tiền sử dụng đất, giảm thuế. Đặc biệt, Ban Chỉ đạo Phát triển nhà ở xã hội của tỉnh vừa được thành lập đánh dấu sự cam kết mạnh mẽ trong việc đẩy nhanh tốc độ triển khai dự án.

Phối cảnh nhà ở xã hội thuộc Dự án Nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động tại Khu công nghiệp Phú Hội, huyện Đức Trọng

Phối cảnh nhà ở xã hội thuộc Dự án Nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động tại Khu công nghiệp Phú Hội, huyện Đức Trọng

Ngoài ra, tỉnh Lâm Đồng mới đây đã tổ chức xúc tiến kêu gọi đầu tư các dự án lớn như nhà ở xã hội tại Khu công nghiệp Phú Hội (303 căn) hay các dự án khác tại Đà Lạt với quy mô hàng trăm căn hộ. Đây là những bước đi chiến lược hứa hẹn giúp giải quyết phần nào nhu cầu bức thiết về nhà ở cho người dân.

Tuy nhiên, để phát triển nhà ở xã hội một cách bền vững, tỉnh đang chỉ đạo các sở, ngành, địa phương cần đặt mục tiêu đột phá về cả quy hoạch, chính sách và huy động nguồn lực. Trong đó, tại hội nghị xúc tiến đầu tư mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Hiệp đã nêu một số định hướng quan trọng bao gồm: Đẩy mạnh hợp tác công - tư, trong đó nhấn mạnh việc phát huy vai trò của các doanh nghiệp tư nhân thông qua các chính sách ưu đãi thuế và giảm thiểu thủ tục hành chính; các sở, ngành, địa phương nỗ lực và kịp thời giải quyết khó khăn trong từng dự án cụ thể. Đặc biệt, cần nhanh chóng quy hoạch hạ tầng đồng bộ ở các khu vực xây dựng nhà ở xã hội để thu hút đầu tư. Bởi khó khăn lớn nhất hiện nay khiến việc thu hút đầu tư trong lĩnh vực này là do một số khu vực có quy hoạch nhưng đều đang trong tình trạng chưa có đường giao thông kết nối, chưa hoàn tất thủ tục đền bù giải phóng mặt bằng, chưa có quy hoạch 1/500 và chưa có chủ trương đầu tư.

Với sự chỉ đạo quyết liệt từ các cấp lãnh đạo và tinh thần chung tay, góp sức từ nhiều phía, chương trình phát triển nhà ở xã hội tại Lâm Đồng hứa hẹn sẽ đạt được những kết quả tích cực.

NGUYỄN NGHĨA

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/toa-soan-ban-doc/202504/ky-vong-va-thach-thuc-trong-xay-dung-nha-o-xa-hoi-4c628e1/
Zalo