Kỳ vọng từ dự án Cảng thủy nội địa Ninh Giang
Dự án Cảng thủy nội địa Ninh Giang (Hải Dương) khi đi vào hoạt động sẽ trở thành đầu mối giao thông và logistics quan trọng, phục vụ nhu cầu vận tải, bốc xếp, lưu giữ hàng hóa của khu vực.
Phát huy tiềm năng
Nằm ở vị trí cửa ngõ phía đông của vùng Thủ đô Hà Nội, có hệ thống sông phân bố đều khắp các địa phương, kết nối các khu vực trong tỉnh và các vùng trong cả nước, Hải Dương có nhiều lợi thế để phát triển giao thông đường thủy nội địa.
Đặc biệt, tỉnh có 2 tuyến hành lang đường thủy nội địa quan trọng khu vực phía Bắc đi qua gồm: tuyến số 1 Quảng Ninh – Hải Phòng - Việt Trì và tuyến số 2 Quảng Ninh – Hải Phòng - Ninh Bình. Vận tải thủy có nhiều thế mạnh như cự ly vận chuyển dài, chi phí rẻ, thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, hiện nay sản lượng và thị phần của vận tải thủy nội địa tại Hải Dương vẫn còn khá khiêm tốn, chiếm khoảng 40-60 triệu tấn/năm.
Ngày 18/10 vừa qua, UBND tỉnh Hải Dương chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam là nhà đầu tư thực hiện Dự án Cảng thủy nội địa Ninh Giang có quy mô hơn 27ha thuộc địa bàn các xã Hồng Phúc và Kiến Quốc (Ninh Giang). Trong đó có 16,45 ha đất phía trong đê và 10,62 ha đất phía ngoài đê.
Tổng vốn đầu tư dự án dự kiến hơn 1.496 tỷ đồng (trong đó có hơn 448,9 tỷ đồng là vốn tự có của nhà đầu tư và gần 1.048 tỷ đồng vốn vay). Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm.
Cảng thủy nội địa Ninh Giang được đầu tư với mục tiêu trở thành đầu mối giao thông, logistics và vận tải đa phương thức nhằm phục vụ nhu cầu vận tải, bốc xếp, lưu giữ và phân phối hàng hóa trong khu vực. Dự án góp phần thu hút các nhà đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội ở huyện Ninh Giang nói riêng và Hải Dương nói chung.
Điều này không chỉ phát huy tiềm năng về giao thông thủy nội địa của Hải Dương, từng bước hiện thực hóa mục tiêu nâng cao năng lực vận tải thủy nội địa trên địa bàn tỉnh mà còn góp phần giảm áp lực cho vận tải đường bộ đang quá tải.
Ông Nguyễn Văn Đáng, thôn An Lãng, xã Hồng Phúc gần 80 tuổi đời, 55 năm tuổi Đảng cho biết: “Khi nghe thông tin dự án cảng thủy nội địa ở địa phương, chúng tôi rất phấn khởi. Nhân dân chúng tôi hết sức đồng lòng ủng hộ để giải phóng mặt bằng cho dự án”.
Kỳ vọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
Theo quy hoạch tổng thể, Cảng thủy nội địa Ninh Giang xây dựng 6 bến dạng trụ, sàn neo cập và 6 cầu công tác nối với bờ, chiều dài mỗi cầu khoảng 11 m. Bến có thể tiếp nhận tàu, sà lan trọng tải đến 2.000 tấn. Phía ngoài đê với diện tích hơn 10 ha, quy hoạch các hạng mục công trình gồm hệ thống đường giao thông, bãi tập kết phía sau cầu bến.
Phía trong đê có diện tích hơn 16,5 ha quy hoạch các hạng mục công trình gồm khu vực kho bãi chứa hàng diện tích 11,2 ha, khu vực văn phòng, khu hạ tầng kỹ thuật gồm xưởng bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị, cầu rửa xe, trạm xử lý nước thải, các hạng mục khác…
Dự án thực hiện theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 gồm các hạng mục: công trình thủy công, khu vực hậu cần ngoài đê, khu hạ tầng kỹ thuật, các hạng mục khác; dự kiến xây dựng hoàn thành và đưa vào hoạt động khu vực ngoài đê trong quý I/2027.
Giai đoạn 2 gồm các hạng mục: khu kho bãi, văn phòng, hạ tầng kỹ thuật, các hạng mục công trình khác; dự kiến đưa toàn bộ dự án vào hoạt động khu vực trong đê quý IV/2028.
Cảng thủy nội địa Ninh Giang có tổng công suất thiết kế khoảng 3 triệu tấn hàng hóa/năm, quy hoạch tổng thể 6 bến. Giai đoạn 2025-2030 quy hoạch 1-2 bến.
Để có thể bốc xếp được các loại hàng hóa đa dạng, phù hợp với quy mô cảng thủy nội địa, thiết bị khai thác trên bến cảng được đề xuất sử dụng cần trục cố định. Khi khai thác hàng container, cần trục lắp đặt spreader, khai thác hàng rời, cần trục lắp đặt gầu ngoạm để nâng hàng đưa xuống các xe vận tải chuyển vào bãi, hàng tổng hợp sử dụng móc cẩu. Ngoài ra có thể kết hợp dùng thêm các thiết bị khác như cần trục bánh hơi, xe nâng dài để bốc xếp.
Để đáp ứng tiêu chí xây dựng một dự án trung tâm logistics hiện đại, dự án khi vận hành sẽ nghiên cứu ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin thông minh 4.0, có khả năng kết nối thông tin liên thông giữa hãng tàu, đại lý hàng hóa, hải quan, trung tâm điều hành sản xuất của cảng, bộ phận thủ tục, cước phí, chủ hàng… Hệ thống công nghệ thông tin thông minh sẽ giúp giảm bớt thời gian chờ đợi làm các thủ tục hành chính về hải quan, kiểm dịch, tờ khai, thu phí dịch vụ… cho khách hàng, tăng năng suất khai thác, hỗ trợ, bảo đảm an toàn, an ninh cảng…
Bà Bùi Thị Chiên, Chủ tịch UBND xã Hồng Phúc cho biết đây là dự án lớn nhất từ trước tới nay được đầu tư xây dựng tại địa phương. Khi hoàn thiện đi vào hoạt động là nơi tập kết và trung chuyển nhiều mặt hàng đa dạng và phong phú. Dự án hoàn thành đưa vào hoạt động sẽ tạo ra nhiều cơ hội việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương và các xã, huyện lân cận, đồng thời cũng thu hút thêm các nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ dịch vụ cảng. Qua đó, các dịch vụ kinh doanh của địa phương được phát triển mở rộng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và khu vực huyện Ninh Giang. Nhân dân mong muốn dự án sớm được triển khai đầu tư xây dựng, hoàn thiện đi vào hoạt động.