Kỳ vọng tạo bước đột phá

Ba Lan chính thức đảm nhiệm vị trí Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU) trong bối cảnh khu vực này đối mặt nhiều thách thức với hàng loạt vấn đề cần giải quyết nhằm bảo đảm an ninh năng lượng, tăng cường khả năng cạnh tranh, phục hồi kinh tế và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong khối.

Những ưu tiên trong nhiệm kỳ

Trong nhiệm kỳ này, Ba Lan sẽ thiết lập chương trình nghị sự tập trung vào các biện pháp nhằm tăng cường an ninh và quốc phòng của khối, đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ xanh, tăng cường khả năng phục hồi kinh tế và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong khối.

 Ba Lan chính thức tiếp quản chức Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu trong 6 tháng, kể từ ngày 1.1.2025. Ảnh: PAP

Ba Lan chính thức tiếp quản chức Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu trong 6 tháng, kể từ ngày 1.1.2025. Ảnh: PAP

Về nông nghiệp, Ba Lan dự kiến sẽ tập trung vào an ninh lương thực. Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tập trung vào việc bảo vệ an ninh lương thực bằng cách tăng cường khả năng cạnh tranh kinh tế của ngành nông nghiệp châu Âu và duy trì năng lực sản xuất, trong khi vẫn thận trọng trong việc điều chỉnh ngành chăn nuôi phù hợp với các mục tiêu về khí hậu. Thêm vào đó, giai đoạn tiếp quản chức chủ tịch trùng với giai đoạn đầu của các cuộc đàm phán về Chính sách Nông nghiệp Chung (CAP) sau năm 2027, mang đến cơ hội định hình cuộc tranh luận về cải cách trong tương lai. Bộ đặt mục tiêu bảo vệ ngân sách CAP trước áp lực ngày càng tăng từ chi tiêu quốc phòng và các hạn chế về tài chính ở một số quốc gia thành viên. Các ưu tiên khác bao gồm điều chỉnh CAP để phù hợp với dự đoán về việc mở rộng, quản lý quan hệ thương mại với Ukraine và giải quyết các thách thức trong cạnh tranh và tiêu chuẩn thương mại quốc tế.

Về chính sách năng lượng và khí hậu, Ba Lan sẽ tiếp tục thực hiện các quy định đầy tham vọng đã được thông qua trước đó, với các mục tiêu của Thỏa thuận Xanh là ưu tiên hàng đầu; cũng như sẽ cân bằng các chính sách này với cách tiếp cận hướng đến đối thoại nhằm giải quyết mối quan ngại của người dân châu Âu về chi phí sinh hoạt.

Warsaw tuyên bố sẽ ưu tiên tập trung tìm các biện pháp giảm sự phụ thuộc của châu Âu vào nhiên liệu hóa thạch của Nga trong khi cân bằng nhu cầu chuyển đổi xanh. Do vẫn phụ thuộc vào than đá, Ba Lan có thể sẽ ủng hộ một cách tiếp cận thực tế và từng bước để đạt được trung hòa carbon. Các mục tiêu chính bao gồm, tiếp tục đa dạng hóa các nguồn năng lượng; thúc đẩy các dự án năng lượng tái tạo và hợp tác khu vực; bảo đảm tiếp cận công bằng với các nguồn năng lượng giữa các nước thành viên EU; đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ xanh bằng việc tận dụng các quỹ của EU cho các giải pháp năng lượng sạch hơn, đặc biệt là năng lượng hydro và năng lượng gió.

Nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh của EU, Ba Lan có thể sẽ ưu tiên các biện pháp tăng cường khả năng phục hồi kinh tế và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong khối. Các đề xuất chính của Ba Lan cho chương trình nghị sự có thể hướng đến việc tái công nghiệp hóa EU, thông qua việc hỗ trợ các ngành công nghiệp chiến lược châu Âu phục hồi nhằm giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu; thúc đẩy các sáng kiến như “Chiến lược số của châu Âu” để tăng cường khả năng cạnh tranh; tạo điều kiện tiếp cận tài chính và đổi mới cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là ở Đông Âu.

Ba Lan còn được coi là trung tâm của các nỗ lực thu hẹp khoảng cách về kinh tế và hạ tầng giữa các khu vực của EU, từ đó có thể tận dụng để vận động các chính sách gắn kết chặt chẽ hơn để giải quyết tình trạng chênh lệch, thúc đẩy phát triển các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng như Đường sắt Baltica, hỗ trợ hội nhập Tây Balkan vào khuôn khổ EU.

Thêm vào đó, Ba Lan sẽ hướng tới mục tiêu tăng cường các chính sách quản lý nhập cư và biên giới của liên minh như tăng cường năng lực của Frontex - Cơ quan bảo vệ biên giới của EU; ủng hộ một cách tiếp cận cân bằng đối với vấn đề nhập cư có tính đến các mối quan tâm về an ninh và nhân đạo, khuyến khích các quốc gia thành viên áp dụng phân bổ công bằng hơn các trách nhiệm trong vấn đề tiếp nhận người tị nạn.

Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk nhấn mạnh sau cuộc gặp với Chủ tịch Nghị viện châu Âu Roberta Metsola về những điểm chính của nhiệm kỳ chủ tịch của nước này: “Tôi rất vui vì dù hầu như mọi người đều có quan điểm, tiếng nói khác nhau, nhưng tất cả chúng ta đều đánh giá cao tầm quan trọng của các ưu tiên mà châu Âu đang phải đối mặt. Các ưu tiên của chúng tôi khi Ba Lan đảm nhận nước chủ tịch sẽ bao gồm nhiều khía cạnh cả về an ninh, năng lượng nhằm giúp Liên minh châu Âu giành lại toàn bộ khả năng cạnh tranh”.

Lợi thế của Ba Lan

Nền kinh tế Ba Lan vẫn duy trì được đà tăng trưởng mạnh mẽ trong thập niên qua, bất chấp những biến động kinh tế thế giới. Giới chuyên gia nhận định, Ba Lan có nhiều kinh nghiệm trong việc quản lý khả năng phục hồi kinh tế, và đây được xem là lợi thế có thể cung cấp thông tin cho các chiến lược phục hồi trên toàn khu vực. Bên cạnh đó, chính phủ và các nhà lãnh đạo nước này cũng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân - một trong những lợi thế giúp Ba Lan tự tin và tạo dựng cơ sở đồng thuận vững chắc để đề xuất và triển khai các sáng kiến của mình trong nhiệm kỳ 6 tháng tới.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Thủ đô Warsaw hồi giữa tháng 12, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk tin tưởng rằng, nước này có thể tạo được đột phá trong nhiệm kỳ chủ tịch của mình, với các ưu tiên trong chương trình nghị sự. Ông Tusk bày tỏ: “Tôi thực sự muốn Ba Lan là quốc gia có vai trò định hình những quyết định nhằm mang lại an ninh và bảo đảm lợi ích của Ba Lan nói riêng và EU nói chung”. Với vai trò là Chủ tịch luân phiên EU, ngay trong đầu nhiệm kỳ, Ba Lan đã có các cuộc tiếp xúc ngoại giao với cả Anh, Na Uy và nhiều nước khác.

Thêm vào đó, được xem là quốc gia có lực lượng quân sự lớn thứ ba trong NATO, chỉ sau Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan được đánh giá có đủ động lực để đẩy mạnh các sáng kiến chung về quốc phòng của EU; thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa EU và NATO, tăng chi tiêu quốc phòng của các quốc gia thành viên và thiết lập các cơ chế mạnh mẽ hơn để đối phó với các mối đe dọa hỗn hợp và các cuộc tấn công mạng.

Ðối với việc tăng cường năng lực cạnh tranh của EU, Ba Lan được đánh giá có nhiều khả năng hướng đến tái công nghiệp hóa EU thông qua việc hỗ trợ các ngành công nghiệp chiến lược châu Âu phục hồi nhằm giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu; thúc đẩy các sáng kiến như “Chiến lược số của châu Âu” để tăng cường khả năng cạnh tranh...

Chông gai phía trước

Dù nắm trong tay nhiều lợi thế, Ba Lan vẫn sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn và thách thức trong bối cảnh EU đang chia rẽ sâu sắc. Trong vấn đề di cư, vì là quốc gia ở “tuyến đầu", Ba Lan phải đối mặt với áp lực trực tiếp từ làn sóng nhập cư bất hợp pháp và an ninh biên giới, gây khó khăn không nhỏ cho các nỗ lực cân bằng lợi ích quốc gia với các chính sách di cư rộng hơn của EU. Ba Lan cũng thể hiện quyết tâm bảo vệ khu vực biên giới với Belarus khỏi áp lực di cư, đồng thời nhấn mạnh nhu cầu bảo vệ biên giới của Ba Lan đang trở thành cách tiếp cận chung của châu Âu. Là quốc gia “biên giới” của EU, Ba Lan sẽ hướng tới mục tiêu tăng cường các chính sách quản lý nhập cư và biên giới của liên minh.

Trong thời gian đảm nhận cương vị Chủ tịch luân phiên EU trong 6 tháng đầu năm 2025, Ba Lan sẽ trải qua một sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, đó là cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 5.2025. Trước những lo ngại rằng sự kiện trong nước sẽ cản trở Warsaw dành ưu tiên cho chương trình nghị sự của EU, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề EU của Ba Lan Adam Szłapka khẳng định, các cuộc bầu cử bao gồm cuộc bầu cử tổng thống ở Ba Lan, sẽ không ảnh hưởng công việc của nước này tại khối.

Thêm vào đó, chỉ còn chưa đầy một tháng, ông Donald Trump sẽ chính thức quay trở lại Nhà Trắng, với vai trò Chủ tịch luân phiên EU, nhiệm vụ của Ba Lan được dự đoán sẽ vô cùng nặng nề. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội của Ba Lan, bởi trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của mình, ông Trump đã vun đắp mối quan hệ chặt chẽ với Ba Lan, đặc biệt với Tổng thống Andrzej Duda. Mối quan hệ này mở ra một con đường để EU và Mỹ thúc đẩy lợi ích chung, một nguồn lực mà châu Âu cần tận dụng để duy trì mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương chặt chẽ.

Châu Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/ky-vong-tao-buoc-dot-pha-post400935.html
Zalo