Kỳ vọng ở chính sách hỗ trợ giáo viên
Tại Kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh khóa X vừa qua đã thông qua nghị quyết về chính sách hỗ trợ đối với giáo viên tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2025.
Trao đổi với Báo Đồng Nai, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng vui mừng chia sẻ: “Nghị quyết vừa được thông qua mang ý nghĩa nhân văn rất lớn, khẳng định tỉnh Đồng Nai đặc biệt quan tâm đến đội ngũ nhà giáo. Chúng tôi hy vọng nghị quyết sẽ tạo động lực mới cho nhiều nhà giáo tiếp tục an tâm gắn bó với nghề, cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp trồng người”.
Tiếp thêm động lực cho giáo viên
Thưa ông, điều gì khiến tỉnh quyết tâm xây dựng nghị quyết về hỗ trợ giáo viên?
- Thời gian qua, việc giáo viên nghỉ việc và khó tuyển dụng giáo viên luôn được lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm. Tháng 6-2023, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đã có buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, Sở Giáo dục và đào tạo cùng các sở, ngành, địa phương về tình hình giáo viên nghỉ việc và thiếu giáo viên ở các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh.
Trong giai đoạn 2020-2023, tổng số giáo viên nghỉ việc ở các cấp học trên địa bàn tỉnh là 1.178 người (mầm non: 494 người, tiểu học: 322 người, trung học cơ sở: 278 người, trung học phổ thông: 84 người).
Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy đã phân tích sâu và chỉ ra rất rõ những nguyên nhân, hệ lụy của thiếu giáo viên, đồng thời gợi ý một số giải pháp sớm giải quyết được các vấn đề này. Một giải pháp quan trọng được Bí thư Tỉnh ủy giao cho Ban Cán sự Đảng UBND là bắt tay xây dựng ngay chính sách hỗ trợ giáo viên, không để giáo viên khó khăn, thiệt thòi thì mới an tâm công tác được.
Khi xây dựng chính sách hỗ trợ giáo viên có gặp khó khăn gì không, thưa ông?
- Ngay sau chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Giáo dục và đào tạo phối hợp cùng các sở liên quan khẩn trương xây dựng chính sách. Tuy nhiên, áp lực lớn nhất là tỉnh có số lượng giáo viên rất lớn, lên đến trên 26 ngàn người (gấp gần 4 lần ngành y tế). Do đó, nếu áp dụng chính sách hỗ trợ như với viên chức ngành y tế đã triển khai trước đó thì không khả thi, gây áp lực cho ngân sách của tỉnh.
Vậy tỉnh đã cân nhắc những phương án hỗ trợ nào trong quá trình xây dựng chính sách hỗ trợ giáo viên, thưa ông?
- Phải nói rằng, quá trình xây dựng chính sách, chúng tôi luôn mong muốn hỗ trợ ở mức cao nhất có thể cho đội ngũ nhà giáo của tỉnh và suy nghĩ rất nhiều phương án. UBND tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp để lắng nghe Sở Giáo dục và đào tạo trình bày các phương án; Sở Tài chính, Sở Tư pháp và cả các ban của HĐND tỉnh góp ý kiến về tính khả thi lẫn tính pháp lý.
Một số phương án cụ thể đã được đưa ra, như giáo viên về công tác tại một số địa bàn khó khăn trong tuyển dụng sẽ được hưởng chính sách thu hút với mức thấp nhất là 120 triệu đồng/người và cao nhất là 200 triệu đồng/người. Còn giáo viên đang hưởng mức lương hàng tháng thấp hơn mức lương tối thiểu vùng, giáo viên công tác tại Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyến tật, giáo viên giảng dạy tại Trường chính trị tỉnh có thể được hỗ trợ thấp nhất là 1,5 triệu đồng/người/tháng và cao nhất là 2,5 triệu đồng/người/tháng…
Vậy tạo sao tỉnh không đưa các phương án nêu trên trình HĐND tỉnh xem xét mà phải tính đến một phương án mới?
- Nguồn lực để thực hiện chính sách thu hút và hỗ trợ giáo viên được tính toán lên đến 440 tỷ đồng, trong đó 183 tỷ đồng dành để thu hút giáo viên và 257 tỷ đồng dùng để hỗ trợ giáo viên. Nếu thực hiện, ngân sách tỉnh sẽ áp lực rất lớn, trong khi đó ngân sách trung ương lại không thể hỗ trợ nội dung này.
Sau khi lấy ý kiến của một số bộ, ngành trung ương và lắng nghe, tiếp thu ý kiến từ các sở, ngành, đặc biệt là Sở Tài chính, UBND tỉnh đã chỉ đạo thu gọn đối tượng hỗ trợ và nằm trong khả năng có thể chi của ngân sách tỉnh trong tình hình hiện nay.
Kiên trì xây dựng chính sách
Trong nghị quyết, có 4 đối tượng giáo viên sẽ nhận được chính sách hỗ trợ. Vậy ông kỳ vọng gì sau khi chính sách này được triển khai?
- 4 đối tượng giáo viên sẽ được nhận hỗ trợ trong thời gian tới, gồm: giáo viên mầm non ở các cơ sở giáo dục công lập; giáo viên công tác tại trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật loại hình công lập; giáo viên tại các cơ sở giáo dục công lập giảng dạy ở các bộ môn khó tuyển dụng và giáo viên tại các cơ sở giáo dục công lập giảng dạy ở các địa bàn khó tuyển dụng sẽ được hỗ trợ từ 1,5-2 triệu đồng/tháng/người. Thời gian hỗ trợ tối đa 9 tháng/năm học và kinh phí dự kiến triển khai nghị quyết này là 195 tỷ đồng.
Chúng tôi kỳ vọng nghị quyết sẽ giúp cho một bộ phận giáo viên còn đang khó khăn về thu nhập sẽ tiếp tục an tâm công tác, cống hiến nhiều hơn cho sự nghiệp trồng người, đồng thời khuyến khích và thu hút được nhiều hơn giáo viên về công tác ở những địa bàn còn khó khăn trong tuyển dụng và cả những bộ môn còn đang bị thiếu giáo viên.
Ông có thể chia sẻ thêm về quyết tâm của tỉnh trong quá trình xây dựng chính sách này?
- Trong quá trình xây dựng chính sách, trực tiếp đồng chí Bí thư Tỉnh ủy luôn quan tâm chỉ đạo rất quyết liệt. Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh rất quan tâm. Sở Giáo dục và đào tạo cùng các sở, ngành liên quan đã có sự phối hợp, hỗ trợ kịp thời. Các ban của HĐND tỉnh và các đại biểu HĐND tỉnh luôn sẵn sàng ủng hộ thông qua chính sách khi đã đạt được các yếu tố cần thiết.