Kỳ vọng 'ngành công nghiệp không khói' xứ Thanh
Du lịch Thanh Hóa những năm gần đây có sự tăng trưởng vượt bậc, liên tục nằm trong tốp đầu các địa phương thu hút khách du lịch của cả nước. Bước vào giai đoạn phát triển mới, du lịch Thanh Hóa đang đứng trước nhiều kỳ vọng cao hơn mục tiêu đã đề ra. Để làm rõ hơn về thành quả đạt được và những định hướng phát triển du lịch năm 2025, phóng viên (PV) Báo Thanh Hóa đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Phạm Nguyên Hồng (ảnh bên), Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL).
PV: Năm 2024 khép lại với nhiều thành quả đáng mừng. Vậy xin đồng chí cho biết, dấu ấn nổi bật nhất của du lịch Thanh Hóa năm qua là gì?
Đồng chí Phạm Nguyên Hồng: Năm 2024, bên cạnh việc nỗ lực duy trì môi trường du lịch văn minh, thân thiện, lĩnh vực du lịch còn đạt được nhiều kết quả nổi bật. Trước hết là việc đưa vào khai thác, vận hành các sản phẩm, dịch vụ mới, như: Quảng trường biển, công viên nước Sun World (TP Sầm Sơn); phố đi bộ Phan Chu Trinh (TP Thanh Hóa); tổ hợp nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí Flamingo Ibiza Hải Tiến (Hoằng Hóa); công bố 12 tuyến du lịch trekking tour tại các huyện miền núi... Các sản phẩm du lịch mới bước đầu thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách, tạo hiệu ứng tích cực lan tỏa thương hiệu, hình ảnh du lịch của tỉnh.
Bên cạnh đó là việc tổ chức thành công 145 hoạt động, sự kiện VH,TT&DL tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn toàn tỉnh. Qua đó góp phần hiện thực hóa thông điệp “Du lịch Thanh Hóa - Hương sắc bốn mùa” và làm phong phú thêm trải nghiệm cho khách du lịch khi đến với xứ Thanh.
Do đó, các chỉ tiêu du lịch đều tăng trưởng mạnh. Cụ thể, tổng lượt khách năm 2024 ước đạt 15,3 triệu lượt, đạt 110,9% kế hoạch năm; tổng thu du lịch ước đạt trên 33,8 nghìn tỷ đồng, đạt 104,4% kế hoạch năm.
PV: Để có được những dấu ấn nổi bật đó, ngành VH,TT&DL đã tham mưu cho tỉnh triển khai những giải pháp gì để thúc đẩy tăng trưởng du lịch, thưa đồng chí?
Đồng chí Phạm Nguyên Hồng: Là đơn vị thường trực Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch của tỉnh, Sở VH,TT&DL đã chủ động tham mưu, đề xuất một số giải pháp liên quan đến công tác đầu tư phát triển hạ tầng, kỹ thuật nhằm thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư có tiềm lực, có thương hiệu trong lĩnh vực du lịch. Cùng với đó, triển khai đồng bộ các giải pháp quảng bá, xúc tiến du lịch theo hướng mở rộng và phát triển thị trường khách; thúc đẩy đa dạng hóa sản phẩm du lịch và quan tâm phát triển sản phẩm du lịch mới, có giá trị gia tăng lớn; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao...
Trong đó, hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch được chú trọng. Trong năm 2024, tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động xúc tiến, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trọng điểm trong nước. Đồng thời, đẩy mạnh tiếp cận thị trường khách Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản...
PV: Được biết đến là địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi để thu hút nguồn khách từ thị trường khách mới và chất lượng. Vậy Thanh Hóa sẽ làm gì để “đón sóng” và sản phẩm nào sẽ dành cho dòng khách này, thưa đồng chí?
Đồng chí Phạm Nguyên Hồng: Để đón thị trường khách mới và chất lượng, bên cạnh việc duy trì môi trường du lịch văn minh thân thiện, việc nâng cao chất lượng các hoạt động xúc tiến, ngoại giao là rất cần thiết. Thanh Hóa sẽ mang tới thị trường này những sản phẩm du lịch mới, độc đáo, đậm bản sắc. Trong đó, tập trung khai thác hiệu quả các dòng sản phẩm du lịch thể thao, vui chơi, giải trí cao cấp tại TP Sầm Sơn, thị xã Nghi Sơn và các huyện Hoằng Hóa, Thọ Xuân. Cùng với đó, chú trọng làm mới và nâng cao chất lượng các tuyến du lịch trekking và sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng tại miền núi.
Thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư du lịch trọng điểm tại các huyện Quảng Xương, Như Thanh, Hà Trung... để sớm hình thành và đưa vào khai thác các dòng sản phẩm cao cấp mới.
PV: Ngành du lịch thường lấy số lượng khách làm mục tiêu tăng trưởng. Song để tối ưu nguồn thu du lịch, những giải pháp nào sẽ được Thanh Hóa tập trung triển khai thực hiện trong năm 2025, thưa đồng chí?
Đồng chí Phạm Nguyên Hồng: Để đạt được mục tiêu đón 16 triệu lượt khách, tổng thu 45,5 nghìn tỷ đồng trong năm 2025, ngành sẽ tập trung vào 5 giải pháp trọng tâm, gồm: Đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa vào khai thác các dự án lớn về du lịch; phát triển các sản phẩm du lịch theo hướng tăng khả năng cạnh tranh, các sản phẩm du lịch mới chất lượng cao; nâng cao chất lượng dịch vụ, văn hóa ứng xử trong kinh doanh du lịch; đa dạng các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, thu hút du khách quốc tế; tổ chức các chương trình kích cầu, liên kết phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trong và ngoài nước; chú trọng phát triển nhân lực góp phần nâng cao chất lượng phục vụ du lịch; tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số. Quyết tâm xây dựng môi trường du lịch an toàn, văn minh, thân thiện, hiện đại.
PV: Năm 2025 là năm cuối cùng triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình phát triển du lịch Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025. Vậy đâu là cơ sở để “ngành công nghiệp không khói” xứ Thanh có thể tiệm cận đến những mục tiêu xa hơn trong giai đoạn tiếp theo, thưa đồng chí?
Đồng chí Phạm Nguyên Hồng: Với hướng đi đúng đắn, sự đầu tư hợp lý và khai thác tốt những tiềm năng sẵn có, du lịch tỉnh Thanh Hóa đang trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn, thân thiện đối với du khách. Cơ sở để chúng ta kỳ vọng rằng du lịch sẽ tiến xa hơn nữa đó là môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư du lịch có tiềm lực, thương hiệu mạnh đã, đang được cải thiện rõ rệt. Cùng với đó, Thanh Hóa sở hữu hệ thống giao thông đồng bộ, cơ sở hạ tầng du lịch ngày càng được đầu tư bài bản và chất lượng; nhiều dự án du lịch lớn đã, đang được triển khai; nguồn nhân lực du lịch được quan tâm đào tạo; sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú... Đây là cơ hội để du lịch chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều rộng, sang phát triển hài hòa giữa chiều rộng và chiều sâu, vươn lên trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch quốc gia.