Kỳ vọng một không gian xứng tầm

Trong thiết kế đô thị, quảng trường là một phần không thể thiếu, đóng vai trò quan trọng trong việc nhận diện đô thị. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa dẫn đến việc nhiều quảng trường bị tác động, ảnh hưởng tới không gian, kiến trúc, môi trường. Theo các chuyên gia, tại Hà Nội, việc đầu tư chỉnh trang, cải tạo các quảng trường là cần thiết.

Chưa tương xứng với giá trị vốn có

Tại các TP lớn, không gian công cộng như quảng trường, vườn hoa, khu vực tượng đài cơ bản đã được định hình về mặt hình thái. Tuy nhiên có thể thấy, việc tạo lập quảng trường phần lớn là nơi tổ chức giao thông, không hẳn quảng trường là không gian công cộng để tổ chức sự kiện văn hóa, giải trí, du lịch - vai trò chính của các quảng trường.

Tại Hà Nội, những quảng trường như quảng trường Cách mạng tháng Tám, quảng trường Đông Kinh - Nghĩa Thục hay quảng trường 1/5 (trước Cung văn hóa Hữu Nghị Việt - Xô) một số không gian tượng đài, vườn hoa đều gặp phải hạn chế này.

Quảng trường Đông Kinh - Nghĩa Thục. Ảnh: Hải Linh

Quảng trường Đông Kinh - Nghĩa Thục. Ảnh: Hải Linh

Theo KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, quy hoạch đô thị nào cũng phải có quảng trường, thậm chí có nhiều quảng trường phục vụ cộng đồng. Nhưng quy hoạch đô thị ở Việt Nam thời gian qua ít quan tâm tới xây dựng, đầu tư quảng trường do thiếu tầm nhìn rộng. Vì thế, các đô thị thường tận dụng không gian có sẵn trước các công trình lớn, công trình có tính chất di sản làm quảng trường. Đồng thời, bất cập nữa là nhiều nơi đang coi quảng trường như một đảo giao thông.

Ở Hà Nội, từ góc độ lịch sử, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam chia sẻ, trong hệ thống đô thị của cả nước, Hà Nội là đô thị đặc biệt với vai trò là trung tâm, trái tim của cả nước. Trong đó có không gian xanh và quảng trường là yếu tố đánh giá chất lượng đô thị. Từ năm 1954 đến nay, Hà Nội đã có 7 lần điều chỉnh quy hoạch. Riêng khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm, từ năm 1994 đã có nhiều nghiên cứu về phát triển không gian cảnh quan. Trong quá khứ từ quy hoạch Hà Nội năm 1943, tiếp đó quy hoạch năm 1954, người Pháp luôn bảo tồn khu vực quảng trường kết nối giữa bờ hồ Hoàn Kiếm với khu phố cổ - quảng trường Đông Kinh - Nghĩa Thục. Họ luôn giữ hồ Hoàn Kiếm là không gian trung chuyển giữa cái cổ với cái mới của Hà Nội.

Tuy nhiên, không gian trung chuyển ấy đang bị chắn bởi tòa nhà Hàm cá mập. Ngay từ khi xuất hiện (năm 1990, thời điểm công trình này được xây dựng), nhiều ý kiến đã lo ngại rằng tòa nhà sẽ phá vỡ tổng thể cảnh quan của khu vực mang tính biểu tượng của Hà Nội. Và trên thực tế, trong suốt quá trình tồn tại, tòa nhà vẫn là một yếu tố gây lấn át về mặt thị giác, một rào cản khiến không gian quanh hồ Hoàn Kiếm trở nên mất đi vẻ thanh thoát vốn có.

Nhìn nhận ở góc độ khác, Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: “Điều quan trọng không nằm ở việc một tòa nhà bị dỡ bỏ, mà là ở những gì sẽ được tạo nên sau đó. Nếu sự thay đổi này có thể mở ra một không gian công cộng xứng tầm - nơi con người được kết nối gần hơn với di sản, nơi kiến trúc và lịch sử hòa quyện hài hòa thì đó là một bước đi đúng đắn”.

Tạo liên kết, hình thành tổng thể hoàn chỉnh

Các ý kiến chỉ đạo gần đây của TP Hà Nội về quy hoạch, cải tạo không gian phía Đông hồ Hoàn Kiếm và quảng trường Đông Kinh - Nghĩa Thục thể hiện một quyết tâm mạnh mẽ đối với mục tiêu đã được Hà Nội theo đuổi trong hàng chục năm qua. Đó là vừa bảo tồn những giá trị văn hóa, lịch sử, vừa hoàn thiện những yếu tố còn chưa đủ, chưa tương xứng với giá trị vốn có; đồng thời, đáp ứng nhu cầu của sự phát triển trong đời sống văn hóa, tinh thần, vật chất của người dân, góp phần nâng cao hiệu quả của kinh tế du lịch.

Với vai trò, vị thế hồ Hoàn Kiếm trong bối cảnh mới, thời gian qua, nhiều chuyên gia ủng hộ chủ trương của TP, đồng thời đề xuất cần có góc nhìn tổng thể về quy hoạch phát triển khu vực này. “Tôi hoan nghênh TP có đề xuất mới nhưng lưu ý TP cần kế thừa các quá trình nghiên cứu trước; nhận diện toàn bộ các yếu tố để lựa chọn dự án ưu tiên; ngoài yếu tố phát triển không gian, kinh tế - văn hóa – xã hội rất cần quan tâm yếu tố văn hóa truyền thống và tâm linh của Nhân dân Thủ đô và người Việt” – TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm chia sẻ.

Về quy mô của quảng trường, KTS Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh thêm, quy hoạch Hà Nội theo định hướng gồm: nội đô lịch sử; đô thị trung tâm; các đô thị vệ tinh. Quảng trường chia ra có: quảng trường quốc gia; quảng trường vùng; quảng trường khu vực. Hồ Hoàn Kiếm là khu đặc trưng kết nối, mang đậm dấu ấn lâu đời nên cần lựa chọn quảng trường ở cấp độ có quy mô hợp lý và phải liên kết cả khu phố cổ để tạo nên tổng thể hoàn chỉnh.

Với cách nhìn cởi mở hơn, một không gian công cộng không chỉ là câu chuyện mở rộng hay cải tạo, mà còn là cách không gian đó kết nối với con người, với lịch sử, văn hóa và những giá trị bền vững của TP Tokyo (Nhật Bản) có những trung tâm thương mại dưới lòng đất sầm uất, Paris (Pháp) có những tuyến phố đi bộ ngầm kết nối các quảng trường.

Nhưng điều quan trọng nhất, những công trình này không làm mất đi bản sắc đô thị mà giúp TP vận hành linh hoạt hơn, hài hòa hơn với nhịp sống hiện đại. Và Hà Nội cũng đang hướng đến một điều tương tự, một diện mạo mới nhưng vẫn giữ được hồn cốt của phố cổ, một không gian mở không chỉ trên mặt đất mà còn dưới lòng đất - nơi dòng chảy văn hóa, thương mại và sinh hoạt cộng đồng có thể hòa quyện một cách tự nhiên.

Lại Tấn

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ky-vong-mot-khong-gian-xung-tam.658845.html
Zalo