Kỳ vọng môi trường giáo dục chất lượng
Điện Biên đang triển khai các điều kiện, thủ tục để tiến tới thành lập Trường Đại học Điện Biên Phủ. Sau khi được thành lập, Trường Đại học Điện Biên Phủ với nhiều cơ chế chính sách đặc thù để hỗ trợ sinh viên các dân tộc thiểu số được học tập trong môi trường hiện đại, chất lượng; góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh và khu vực...
![Giờ học thực hành của sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Điện Biên.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_05_422_51399542/558924901adef380aacf.jpg)
Giờ học thực hành của sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Điện Biên.
Mục tiêu chiến lược
Những năm gần đây, các chế độ chính sách hỗ trợ học sinh dân tộc thiểu số tốt nghiệp THPT của tỉnh đi học đại học đã được triển khai và đạt nhiều kết quả. Tuy nhiên, do điều kiện địa lý, kinh tế khó khăn, giao thông thường xuyên bị chia cắt vào mùa mưa... nên tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đi học đại học chỉ đạt 23,2%.
Ông Nguyễn Văn Đoạt, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: “Trong các giai đoạn trước, nhiều học sinh tốt nghiệp THPT nhưng do điều kiện gia đình khó khăn nên không thể tiếp tục học đại học. Khi Trường Đại học Điện Biên Phủ được thành lập, sinh viên trên địa bàn tỉnh và một số huyện thuộc các tỉnh lân cận sẽ giảm chi phí đi lại và sinh hoạt, nâng cao cơ hội tiếp cận giáo dục đại học. Khi lực lượng lao động này có trình độ đại học sẽ có đủ năng lực để tham gia các vị trí công việc thu nhập cao, ổn định hoặc tự khởi nghiệp, từ đó từng bước phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Ngoài ra, việc thành lập Trường Đại học Điện Biên Phủ trên cơ sở nguồn lực các trường cao đẳng và Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học tỉnh giai đoạn này có tính khả thi, phù hợp với chủ trương sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm tinh gọn, có cơ cấu hợp lý, có năng lực tự chủ, quản trị tiên tiến, tập trung các nguồn lực, nâng cao hiệu quả đầu tư cho giáo dục và đào tạo”.
Điện Biên có 19 dân tộc, đây cũng là thế mạnh khi xây dựng Trường Đại học Điện Biên Phủ, là cơ sở đào tạo đặc thù về ngôn ngữ, văn hóa các dân tộc thiểu số (tiếng Mông, Thái), ngoại ngữ (tiếng Lào) góp phần giữ gìn, bảo tồn giá trị bền vững văn hóa các dân tộc thiểu số Tây Bắc. Một số ngành đào tạo đặc thù Trường Đại học Điện Biên Phủ dự kiến mở như Sư phạm tiếng Mông, Sư phạm tiếng Thái, Ngôn ngữ Lào hiện nay chưa có hoặc rất ít cơ sở đào tạo trình độ đại học. Khi Trường Đại học Điện Biên Phủ tổ chức hoạt động sẽ là cơ sở giáo dục đại học cung cấp nguồn nhân lực cử nhân sư phạm tiếng Mông, Thái, ngôn ngữ Lào cho các tỉnh trên cả nước.
Dự kiến sau khi được thành lập, Trường Đại học Điện Biên Phủ sẽ ưu tiên mở 3 ngành đào tạo trình độ đại học, gồm: Giáo dục tiểu học, Giáo dục mầm non và Kinh tế nông nghiệp. Các năm tiếp theo, nhà trường sẽ mở thêm 7 ngành đào tạo trình độ đại học, gồm: Sư phạm tiếng Mông, sư phạm Lịch sử - Địa lý, du lịch, quản trị khách sạn, lâm sinh, thú y, điều dưỡng. Bên cạnh đó, Trường Đại học Điện Biên Phủ sẽ hợp tác với các trường đại học uy tín trong nước mở những ngành mà các trường này có thế mạnh đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Kỳ vọng tương lai
Khi trường Đại học Điện Biên Phủ đi vào hoạt động sẽ đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội to lớn, trực tiếp đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho tỉnh, giúp tỉnh chủ động tăng nhanh số lượng, chất lượng cán bộ, công chức, viên chức cho các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, đáp ứng kịp thời nhu cầu nhân lực của tỉnh Điện Biên và các tỉnh lân cận. Bởi vậy, nhiều người kỳ vọng vào một môi trường giáo dục chất lượng ngay tại mảnh đất cực Tây.
Luôn ấp ủ được ngồi trên ghế giảng đường đại học, nhưng vì hoàn cảnh gia đình nên em Quàng Thị Phong, xã Phình Giàng (huyện Điện Biên Đông) đành gác lại ước mơ. Hiện nay, em đang học Khoa Sư phạm Mầm non, Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên với dự định sau khi tốt nghiệp sẽ học cao lên nữa theo hình thức vừa làm vừa học. Biết tin sẽ thành lập Trường Đại học Điện Biên Phủ, ước mơ được lên giảng đường đại học lại bùng lên trong cô sinh viên năm 2. Em Quàng Thị Phong chia sẻ: “Nghe thông tin tỉnh sắp thành lập Trường Đại học Điện Biên Phủ em rất vui. Do không có điều kiện đi học ở những nơi xa, vì vậy nếu Trường Đại học Điện Biên Phủ được thành lập sẽ là nơi đưa ước mơ của em trở thành hiện thực”.
Chị Nguyễn Thị Minh Ánh, xã Thanh An đang có con gái lớn học Trường THPT huyện Điện Biên chia sẻ: “Trước đây, gia đình đắn đo, lo lắng khi con muốn được theo học tại trường đại học dưới xuôi. Một phần do đường xa vất vả, khi các con rời xa gia đình gặp nhiều khó khăn. Phần khác, với mức thu nhập của cả gia đình không dư dả, gánh thêm các chi phí đi lại, ăn ở, học tập quả thực không hề đơn giản. Việc dự kiến thành lập Trường Đại học Điện Biên Phủ với nhiều ngành, nghề đào tạo khá phù hợp với nguyện vọng của gia đình, nhất là trong hoàn cảnh điều kiện kinh tế còn eo hẹp”.
Để chính thức thành lập Trường Đại học Điện Biên Phủ vẫn còn rất nhiều việc phải bàn, nhiều vấn đề phải tháo gỡ. Thế nhưng có thể thấy, việc nghiên cứu chủ trương thành lập Trường Đại học Điện Biên Phủ là một bước đi thể hiện tầm nhìn chiến lược, dài và rộng hơn về tương lai. Hơn thế nữa, điều đó còn đáp ứng niềm mong mỏi của nhiều học sinh và các bậc phụ huynh có điều kiện kinh tế không khá giả về một môi trường học tập chất lượng ngay tại mảnh đất cực Tây.
Diệp Chi